9X khởi nghiệp trong năm Covid: “Đứa con sinh ra trong khó khăn bao giờ cũng có bản lĩnh phi thường"

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia phải "chật vật", không ít doanh nghiệp điêu đứng, thì có một 9x vẫn quyết định khởi nghiệp giữa cơn bão khó khăn.

Mang trong mình giấc mơ xây dựng một thương hiệu cà phê sạch thuần Việt, đồng thời muốn giúp người dân tộc Hmong ở huyện Đắk Glong (Tây Nguyên) có cuộc sống tốt đẹp hơn. Phan Thị Mỹ Linh (sinh năm 1993) đã ra nhập đường đua khởi nghiệp thời Covid với đứa con tinh thần mang tên Hmong Coffee. Cùng trò chuyện với 9x này để hiểu thêm về quyết định khởi nghiệp đầy táo bạo này.

Chào Linh, năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn, tại sao bạn lại quyết định tung ra "đứa con tinh thần" Hmong Coffee vào thời điểm này?

Vùng trồng cà phê tại Hmong farm đã cho sản lượng thu hoạch từ năm 2019. Cà phê đã nhập kho và tôi cũng đã lên plan rang xay và phân phối. Dịch xảy ra bất ngờ là điều không ai tính tới, kế hoạch vẫn phải triển khai thôi.

Nếu hoãn lại và đợi ra mắt Hmong Coffee trong thời điểm tất cả các công ty khác đều phục hồi thì có lẽ khó khăn sẽ nhân lên gấp đôi gấp ba. Trong thời điểm tất cả đều lùi lại, tôi bước ra biết đâu lại đạt được sự thu hút, chú ý tốt hơn.

Mặt khác, tôi xác định trước những khó khăn phải đối diện khi ra mắt một thương hiệu mới toanh. Cố tránh khó khăn năm nay thì chắc gì những năm sau tôi sẽ dễ dàng hơn? Tôi tin rằng đứa con được sinh ra trong khó khăn bao giờ cũng có bản lĩnh phi thường!

Được biết trước khi thương hiệu Hmong Coffee ra đời, bạn đã dành 6 năm để mua đất, trồng cà phê và tạo công ăn việc làm cho người dân vùng sâu vùng xa?

8 tuổi, tôi theo gia đình từ Vũng Tàu lên Bình Phước sinh sống. Ba mẹ lập nghiệp bằng nghề trồng điều và cà phê trên vùng đất mới. Tôi nhớ mãi những ngày hè lên rẫy. Sống gần gũi với thiên nhiên gieo vào tôi tình yêu với nghề nông nghiệp. Đó cũng là thời gian tôi có những ý niệm đầu tiên về cái khổ của những người dân vùng sâu vùng xa. Họ khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt từ lúc sinh ra. 

Gia đình tôi phá sản vì ba có máu cờ bạc. Đất trồng cây nông nghiệp ở Bình Phước phải bán cho người khác với giá rẻ bèo. 18 tuổi tôi phải đi làm để nuôi mình và gánh vác phần nào kinh tế gia đình. Càng lớn tôi càng nhận ra mình là chỗ dựa duy nhất mà mẹ và các em có. 

Tôi quyết định phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống của chính mình, trước khi giúp đỡ những người xung quanh. Cú phá sản của gia đình chính là động lực để tôi khởi nghiệp!

Đến năm 2020, tôi mở rộng quỹ đất lên 20 mẫu. HMong Farm được xây dựng trên vùng đất sạch tôi đã sở hữu với cây trồng duy nhất là cà phê. 

Tôi gọi đó là vùng nguyên liệu sạch vì vùng đất nằm sâu núi thuộc huyện Đắk Glong (Tây Nguyên), mới được khai phá và chưa từng có ai trồng trọt trước đó.

6 năm sau, những cây cà phê được người dân tộc Hmong ươm dưỡng ở HMong Farm bước vào thời kỳ hái quả. Tôi nghĩ đây chính là thời điểm chín muồi để Hmong Coffee ra mắt thị trường, khép lại những năm tháng mua đất trồng cây của tôi và mở ra hành trình đưa cà phê hữu cơ đi chinh phục thị trường, chiều lòng khách hàng Việt sành uống cà phê.

Trước Hmong Coffee trên thị trường có không ít thương hiệu ra đời và đang phải oằn mình chống chọi với khó khăn thời Covid-19, vậy một cái tên mới như Hmong Coffee lấy gì để trụ vững?

 

Làm chủ vùng nguyên liệu sạch là điều khiến tôi tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường. Vùng đất trồng cà phê của Hmong Coffee hiện nay là đất sạch, chưa hề "ngậm" hoá chất. Đất ở đây hoàn toàn là đất mới. Khi tôi tiếp quản mảnh đất từ người Hmong (đất rừng khai hoang) và xây dựng thành vùng nguyên liệu cà phê như bây giờ, tôi cũng đặt yếu sạch và hữu cơ lên hàng đầu.

Vùng đất của Hmong Farm được tưới tắm bằng mạch nước thượng nguồn tinh khiết trong núi chảy xuống, nằm xa những vùng canh tác khác nên cây trồng ít sâu bệnh, khói bụi ô nhiễm cũng không vươn tới.

Phương pháp trồng cây cà phê dựa trên yếu tố thủ công trong gieo trồng của người dân tộc Hmong. Thay vì xịt thuốc cỏ và dùng máy cắt cỏ cho cây cà phê, người nông dân chăm sóc cây cà phê của Hmong Farm sẽ nhổ hoặc cuốc cỏ bằng tay. Quá trình này có thể kéo dài từ 4-5 ngày mỗi đợt, lâu hơn rất nhiều so với việc dùng thuốc diệt cỏ hoá học. Song, tôi vẫn chấp nhận trả tiền công làm cỏ cây cà phê nhiều ngày hơn để đảm bảo cây trồng không bị tác động bởi phân thuốc hoá học.

Phân bón hữu cơ cho cây cũng có giá thành đắt hơn phân bón hoá học. Để có 20 mẫu cà phê trồng theo phương pháp sạch là điều không dễ dàng nhưng tôi vẫn chấp nhận đầu tư bởi tôi không muốn trồng cây để bán cho bất kỳ một công ty nào khác, mà muốn xây dựng thương hiệu riêng và có những bước đi lâu dài dựa vào niềm tin của khách hàng.

Cà phê sau khi được thu hoạch theo phương pháp hái chọn lọc sẽ chuyển về kho ở Sài Gòn để rang xay. Người thợ rang xay của Hmong Coffee đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, từng có rang xay hàng chục tấn cà phê cho rất nhiều thương hiệu xuất khẩu ra nước ngoài. Sau quá trình rang bằng kỹ thuật rang Hot Air tiên tiến nhất, sản phẩm được đóng gói và phân phối ra thị trường.

Nhiều người cho rằng, bắt đầu xây dựng thương hiệu cà phê mới ở thời điểm này là một quyết định "chơi ngông", bạn nghĩ gì về điều này?

 

Mỗi ngày tôi đều nghe đầy tai những câu nói coi thường khiến bản thân tụt mood như "Còn nhỏ mà bày đặt kinh doanh làm gì để gây ra một đống nợ", "Mày sẽ không làm được đâu", "Rồi sẽ thất bại…"; họ càng phủ nhận cố gắng của tôi bao nhiêu, tôi lại càng tự nhủ phải mạnh mẽ bấy nhiêu. Tôi và thương hiệu này đã đi được vài tháng, có thể là sắp gặt hái được những thành quả đầu tiên. Nếu từ bỏ lúc này chẳng khác nào tôi sẽ chẳng bao giờ biết được kế hoạch của tôi liệu có thành công hay không. Ranh giới giữa nỗ lực và từ bỏ rất mong manh, chỉ cách ở một quyết định.

Hmong Coffee còn rất mới trên thị trường, trước khi thị trường biết đến tôi - tôi phải làm quen với thị trường trước. Vượt qua giai đoạn làm quen và nhận diện thương hiệu, tôi tin mọi việc sẽ ổn hơn.

Xin cảm ơn bạn về những chia sẻ thú vị!

 Ánh Dương

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật