9X nghỉ việc trở thành "nhà buôn" ấn triện: Ý tưởng đến từ đam mê lịch sử, marketing tại quán trà hoài cổ, nhà sư trở thành khách hàng quan trọng, biên lợi nhuận 40-60%

Ấn triện là một sản phẩm kinh doanh khá độc đáo, đang đem lại doanh thu tính bằng trăm triệu cho chàng trai Nguyễn Đình Triển. Câu chuyện khởi nghiệp của Triển vốn xuất phát từ niềm đam mê văn hóa - lịch sử, cái mà nhiều người vẫn cho là hàn lâm kinh viện

Nghề chơi cũng lắm công phu : Từ đam mê lịch sử đến "chơi lớn" nghỉ việc

Nguyễn Đình Triển sinh năm 1992, tốt nghiệp ngành Dược nhưng tự nhận mình có lòng "hiếu sử, hoài cổ" đặc biệt. Triển có hứng thú với việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử, triết học Á Đông, đồng thời say mê văn phòng tứ bảo (bút, nghiên, mực, giấy) như một nho sĩ Đường Tống. 

Với phong cách phóng khoáng, nghĩ sao làm vậy, từ cuối năm 2015, Nguyễn Đình Triển đánh giá: "Xu hướng phục hưng giá trị cổ điển không chỉ chi phối các sáng tạo nghệ thuật đương đại mà còn mở ra nhu cầu rất lớn cho những cá nhân mong muốn sở hữu một sản phẩm có nội hàm văn hóa".

Nhưng quan trọng đó là sản phẩm như thế nào? Câu hỏi này khiến chàng "thương buôn nho sinh" vắt óc suy nghĩ mấy tháng trời. 

Lúc đầu, Triển định tập trung kinh doanh các vật phẩm chuyên phục vụ người học chữ Hán, mê thư pháp. Tuy nhiên, thị trường này đang bão hòa và "nghề chơi cũng lắm công phu", không phải ai cũng có đủ kỹ năng (như viết chữ thư pháp).

"Khi đó, tôi nghĩ đến tâm lý những người nhạy cảm với văn hóa hiện nay, họ thường muốn sở hữu cái gì đó độc lạ, sử dụng đơn giản, thể hiện được thú chơi nhưng vẫn mang dấu ấn cá nhân. Nghĩ vậy thôi chứ tôi tìm mãi cũng chưa ra. Một lần đi giao lưu trong hội nghiên cứu lịch sử, tôi thấy một bạn trẻ viết thư pháp rồi dùng cái thỏi đồng tự khắc chấm mực đóng dấu lên bản giấy. Tôi giật mình chợt nghĩ, sao không thử kinh doanh ấn triện?", Nguyễn Đình Triển nhớ lại.

Mất thêm vài tháng khảo sát bỏ túi, Triển thấy được đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng ấn triện khá rộng, từ những người học và sử dụng tiếng Trung đến các bạn trẻ yêu thích thư pháp, hoặc dân văn phòng, giới doanh nhân.

Ấn triện vốn là một bộ môn mỹ nghệ đã có từ thời phong kiến, toát lên được vẻ "sang chảnh cung đình" và niềm tin tâm linh vào tính phong thủy của loại đá hộ thân.

Với những dữ kiện tập hợp được và sở học sẵn có, chàng trai 9X bắt đầu dấn thân vào hành trình trở thành "nhà buôn" ấn triện. Anh chàng quyết hùn hạp gần 100 triệu đồng cho cửa hàng "Cổ nghệ thương phẩm" với một người bạn cùng chí hướng, sau khi cả hai đều "chơi lớn" nghỉ việc.

Đầu tiên, Triển nhờ mối quan hệ trong giới để tìm nguồn thu mua các loại đá bán-quý như Thanh Hải, Đan Đông, Thọ Sơn, Lão Qua... từ nguồn của các công ty khai thác, dân chơi đá phong thủy hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.

Theo cách làm của "thương nhân 4.0", họ vẫn sử dụng các kênh thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, và nhất là Facebook để quảng bá và tiếp cận khách hàng.

"Chúng tôi cũng không tự nhận mình là startup hào nhoáng"

 Bày tỏ quan điểm về phương thức bán hàng không có gì mới mẻ, Nguyễn Đình Triển nói: "Chúng tôi cạnh tranh bằng dịch vụ, chứ không đốt tiền vào marketing, thật sự ban đầu có nhiều tiền đâu mà đốt. Chúng tôi cũng không tự nhận mình là startup hào nhoáng. Chúng tôi tự thân vận động từng bước nhỏ, không phải cái gì cũng đi gọi vốn. Người khác có thể đầu tư cho bạn tiền nhưng không chia sẻ với bạn được giá trị"
 
9X nghỉ việc trở thành nhà buôn ấn triện: Ý tưởng đến từ đam mê lịch sử, marketing tại quán trà hoài cổ, nhà sư trở thành khách hàng quan trọng, biên lợi nhuận 40-60% - Ảnh 2.

Loại ấn bằng gỗ được chạ khắc hình rồng trên thân - ảnh : nhân vật cung cấp

Thêm vào đó, thị trường ấn triện mới chỉ manh nha một số cơ sở khắc ấn nổi bật tập trung ở Hà Nội và TP.HCM như nghệ nhân Xuân Như ở Hà Nội và Nam Ngọc Triện Khắc, Nam Sơn Triện Khắc ở TP. Hồ Chí Minh…

Nguyễn Đình Triển phân tích rằng: "Nhìn chung, thị trường còn rộng lớn. Nếu lấy bình quân mỗi khách hàng chi trả tối thiểu 300.000/chiếc ấn nhân cho 300.000 người - số người tối thiểu quan tâm đến ấn triện theo thống kê nhân khẩu học từ các công cụ Google và Facebook tại riêng Hà Nội và TPHCM, thì quy mô thị trường đã đạt 90 tỉ đồng"

Bên cạnh đó, hầu hết người dùng vẫn đang khắc ấn nhựa để đóng. Muốn tìm ấn đá phải sang thị trường Trung Quốc nhưng các dịch vụ khắc ấn Trung Quốc lại không khắc được ấn chữ Việt.

Nhận thấy kẽ hở thị trường, ngoài việc nhập chất liệu đá bán quý, đồng, gỗ chuyên dụng, họ thuyết phục một người bạn gốc Hoa am tường văn hóa, có cơ sở gia công tại khu vực người Hoa của TP.HCM cùng nhau hợp tác.

Trải nghiệm khác biệt mà Cổ nghệ thương phẩm đem lại cho khách hàng là dịch vụ tư vấn và thiết kế bản khắc dựa vào cách khách hàng mô tả ý tưởng. Theo anh Triển, khách hàng thường ít biết mình cần ấn như thế nào cho đến khi được tư vấn về màu sắc, chất liệu và kiểu chữ.

Tùy ý khách hàng, đội ngũ kỹ thuật của họ sẽ sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thiết kế bản khắc. Bản khắc được đối chiếu với phôi đá/gỗ/đồng do khách chọn và file phối cảnh cục diện chiếc ấn hoàn chỉnh (mẫu demo) sẽ đưa cho khách duyệt.

Thay vì khắc tay mất rất nhiều thời gian, Cổ nghệ thương phẩm dùng máy CNC tạo tác trên phôi chính xác đến 99%. Tuy nhiên, vì một số ít khách hàng yêu thích nét khắc ngẫu hứng, phóng tác của nghệ nhân nên Nguyễn Đình Triển vẫn duy trì đội ngũ khắc tay.

9X nghỉ việc trở thành nhà buôn ấn triện: Ý tưởng đến từ đam mê lịch sử, marketing tại quán trà hoài cổ, nhà sư trở thành khách hàng quan trọng, biên lợi nhuận 40-60% - Ảnh 3.

Hình ảnh triện đá Thọ Sơn được nhân vật sắp đặt

Khi nhà sư trở thành khách hàng quan trọng...

Nguyễn Đình Triển không tiện dẫn phóng viên đến địa chỉ gia công và không tiết lộ cụ thể doanh thu từ kinh doanh ấn triện. Tuy nhiên, anh cho biết doanh số chung tính bằng trăm triệu mỗi tháng, với biên độ lợi nhuận 40%-60% tùy giá trị đơn hàng.

Các sản phẩm kinh tế có nội hàm văn hóa như ấn triện thường được cơ sở thờ tự chú ý. Năm ngoái, Cổ nghệ thương phẩm nhận được hợp đồng làm ấn cho các đền thờ Thánh Mẫu phía Bắc và đền thờ dòng tộc họ Phan. 

Nhu cầu văn hóa tâm linh trong cuộc sống lúc nào cũng hiện hữu, những nhà sư ở độ tuổi dưới 30 từng tìm đến Cổ nghệ đặt hàng thiết kế ấn triện chiếm tỉ trọng khoảng 20-25%. Đa số các tu sĩ này đặt mua hộ trụ trì hoặc làm ấn để tự mình đóng lên kinh sách, biểu, sớ...

"Những sản phẩm ấn mà chúng tôi bán cho nhà sư đều rất công phu. Ví dụ cửa hàng từng bán cho một vị sư ấn Cửu Long Ngọc Tỉ (núm 9 rồng) tiết diện 9x9x11 cm bằng đá Thọ Sơn, in ra dấu phối hợp long phụng, bát quái, có giá hơn 10 triệu đồng. Hoặc ấn đồng Long Châu Đằng Vân tiết diện 13x13x25 cm phối hợp nhiều chi tiết mô tả con rồng ngậm châu ẩn trong mây, bán với giá gấp đôi ấn Cửu Long", Nguyễn Đình Triển chia sẻ.

Những người kinh doanh ấn triện luôn chọn giải pháp marketing không tốn chi phí. Cụ thể, Triển sắp đặt sản phẩm ở các quán trà có không gian hoài cổ tại TP.HCM. Cứ vào một ngày nhất định trong tuần, Triển cùng người đồng sự đến quán "gieo quẻ bốc Dịch" miễn phí lấy vui và tiện bề quảng bá cho công việc kinh doanh. 

Hoạt động này vừa thu hút lượng khách hàng cho quán đối tác, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận cho sản phẩm.

Nói về định hướng sắp tới, Nguyễn Đình Triển đang chuẩn bị chuyển cửa hàng thành doanh nghiệp chuyên cung cấp ấn đá và dịch vụ khắc dấu, đồng thời chiêu mộ thêm "tinh anh" để phát triển mạnh mảng setup phòng ốc, trang trí nhà cửa theo phong cách cổ điển kết hợp hiện đại.

 

Phương Danh

Theo: Trí Thức Trẻ

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật