Tinh thần khởi nghiệp của TS Bùi Trân Phượng : Tôi đi học vì sự lương thiện !

Khởi nghiệp không chỉ là giá trị cốt lõi thuộc về giới doanh nhân. Những nhà giáo dục -XH luôn khuyên chúng ta phải duy trì cảm xúc, mở rộng nội hàm của định nghĩa và trải nghiệm khởi nghiệp để làm chủ bản thân, làm chủ công việc và phát triển nghề nghiệp

Đó là câu chuyện của TS Bùi Trân Phượng – cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, người từng được Forbes vinh danh là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

'Tôi đi học vì sự lương thiện"

Khi được đề nghị chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp, TS Bùi Trân Phượng nói rằng : "Tôi không dám nói về khởi nghiệp như cách người khác lập ra một doanh nghiệp để kinh doanh. Tôi thì không làm kinh doanh mà làm giáo dục, vậy nên tôi xin chia sẻ với các bạn về những câu chuyện thực tế gắn với nghề nghiệp của mình".

Theo TS Bùi Trân Phượng, có một lần bà đi học nghề khác hoàn toàn với nghề đi dạy và không nghĩ tới chuyện học thành công.

"Tôi dạy ĐH Sư phạm TP.HCM 17 năm. Khi tôi về ĐH Hoa Sen thì Hoa Sen chỉ mới là trường nghiệp vụ tin học quản lý. Tôi phụ trách dạy tiếng Pháp và phiên dịch trong các hoạt động của trường, của UBND TP.HCM. Năm 1991, máy tính chưa thông dụng. Tôi đi dịch cho đoàn, nghe người ta nói câu "chỉ cần một cú click chuột" và tôi dịch thô lại chứ không biết con "chuột" này là "chuột" thế nào. Từ đó, tôi cảm thấy mình còn nhiều điều cần phải học", cựu Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen kể lại.

Có một quỹ thiện nguyện của Pháp lập quỹ Hoa Sen để hỗ trợ Việt Nam đào tạo chủ nhiệm ngành. Chức danh này lúc bấy giờ khá lạ lẫm ở Việt Nam. Người chủ nhiệm ngành ngoài hiểu biết sâu rộng về nội dung ngành giảng dạy, phương pháp giảng dạy, còn phải có quan hệ sâu rộng với giới doanh nghiệp.

Bà Phượng được chọn phỏng vấn cho vị trí đào tạo chủ nhiệm ngành Thư ký trợ lý giám đốc tại Pháp, sau đó, quay về Việt Nam mở ngành. Lúc phỏng vấn, bà trả lời với đại diện người Pháp rằng mình rất muốn đi Pháp nhưng không hề hiểu biết gì về ngành này, họ nên cân nhắc lựa chọn người khác.

Người phỏng vấn thì mong muốn lựa chọn bà Phượng nên thỏa thuận rằng "nếu chị quay về mà không thích thì coi như chúng ta không nợ gì nhau, còn nếu thích thì mở một ngành tương tự ở Việt Nam".

Thế là TS Bùi Trân Phượng lên đường sang Pháp, học nghiệp vụ từ cấp thấp nhất là reception (chỉ vị trí lễ tân), vị trí được mệnh danh "mọi của mọi nhà" !

Sau 6 tháng, bà lên vị trí trợ lý giám đốc thương mại và hiểu được nghề này cực nhọc không thua gì nghề giáo.

Với óc quan sát của một người đi ra từ ngành KHXH&NV, bà Phượng thừa nhận mình đã sử dụng sở học để nhận diện mặt tối, mặt sáng của ngành nghề mới.

 "Kinh nghiệm cho tôi biết, khi phỏng vấn một người mới, không nên hỏi họ những điều liên quan đến nhận thức tiêu cực về ngành, do họ chưa có kinh nghiệm gì cả. Nhưng nếu người đã có kinh nghiệm đi làm mà không trả lời được điều gì họ thích hoặc không thích thì họ quá hời hợt, cuộc phỏng vấn sẽ thất bại", bà Phượng nói.

Thời gian làm luận án Tiến sĩ ở Pháp là 3 năm, tuy nhiên, cựu Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen phải học kéo dài tới 7 năm do thời điểm đó bà đang làm công tác quản lý tại Trường ĐH Hoa Sen, công việc này cấp bách hơn đi học Tiến sĩ.

Ở vị trí quản lý, bà Phượng bày tỏ mối lo : "Nhìn báo cáo thấy ghi bên nợ bên có tôi chẳng hiểu gì cả, tôi phải ký đại dựa trên lòng tin với đồng nghiệp của mình và tôi cảm thấy việc làm đó là không trách nhiệm, không lương thiện. Tôi liền đăng ký học cao học quản lý của một chương trình nước ngoài tại Việt Nam và ghi lý do ứng tuyển là "tôi đi học vì sự lương thiện" trong motivation letter".

Chia sẻ về quá trình đó, bà Phượng đúc kết rằng, từ một nhà giáo chỉ biết đi dạy cho tới việc quản lý một trường ĐH là cả một quá trình nỗ lực hết mình. Khi bạn làm việc với tất cả thiện chí mà vẫn thất bại thì không nên đổ lỗi "tại vì" mà phải nhanh chóng rút ra bài học từ thất bại. Sự giáo dục đó rất quý giá.

Tinh thần khởi nghiệp của TS Bùi Trân Phượng : Tôi đi học vì sự lương thiện ! - Ảnh 1.

TS Bùi Trân Phượng từng được Forbes VN vinh danh là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam - nguồn ảnh : ĐH Hoa Sen

Chiêm nghiệp khởi nghiệp : Mở tâm mở trí, chấp nhận tính hai mặt của nghề nghiệp và may mắn vì gặp được người quản lý giỏi

Bà Phượng kể lại, thời điểm đó, con bà học tiểu học song ngữ Việt - Pháp. Bà biết tiếng Pháp nhưng chủ trương không kèm cặp gì cả, để các con tự phát huy năng lực của bản thân mình. Hôm đó, bà bị sốc khi phát hiện ra con mình nói dối là chưa có kết quả học tập để che giấu mẹ về kết quả học lực thấp.

Theo tâm lý thông thường của phụ huynh, cựu Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nói nếu con không làm được thì mẹ chỉ hỏi nguyên nhân tại sao, chứ con không nên giấu giếm. Tuy nhiên, con bà trả lời mếu máo rằng "như vậy là la con rồi đó".

Nhân "sự cố" trên, TS Bùi Trân Phượng đúc kết rằng kiến thức của các bạn chia sẻ dù đúng đi chăng nữa, song chỉ có thiện chí chia sẻ mà không có cách mở tâm mở trí thì không thể thành công. 

Từ nghề giáo của mình, bà suy rộng ra, nếu bạn làm một nghề chỉ nghĩ đến mặt sáng của nó thì cũng không bao giờ lập nghiệp được. Mình chỉ có thể theo đuổi một nghề lâu dài nếu chấp nhận được cả mặt sáng và mặt tối của nó.

Với bề dày kinh nghiệm làm công tác quản lý, bà Phượng dành lời khuyên cho các bạn trẻ  như sau : "Quan niệm lúc tôi hơn 20 tuổi còn rất non nớt, rằng đi dạy là dạy tiểu học. Bây giờ, tôi khuyên các bạn trẻ đừng để cảm nhận chủ quan chi phối và tạo rào cản cho cuộc đời mình. Mỗi khi đứng trước cái mới trong nghề nghiệp, chúng ta nên dũng cảm học lại từ đầu."

Một lần khác, khi bà đang dạy, thầy hiệu trưởng cho mời bà lên văn phòng để khen ngợi. Bà thắc mắc là vì sao thầy chưa bao giờ đi dự giờ do mình dạy nhưng lại vội vàng đưa ra lời khen. Lúc đó, thầy mới trả lời là thầy có đi ngang nhiều lần nhưng cả cô và trò đều mải mê theo đuổi bài giảng mà không hay sự có mặt của thầy. Chính khoảnh khắc ấy khiến cho TS Bùi Trân Phượng cảm thấy rất may mắn khi gặp được những người quản lý giỏi.

Theo bà Phượng, nhiều người học đến lớn mà không biết mình phải làm nghề gì. Đường đời đưa ra nhiều ngã rẽ, có những việc cuộc đời đưa đẩy bắt buộc bạn phải làm. Xã hội bây giờ không phải một người chỉ làm duy nhất một nghề.

"Chúng ta không nên để áp lực thành tích từ cha mẹ, gia đình và xã hội khiến các bạn trẻ không có khả năng phản biện từ nhỏ. Nếu các bạn biết về cái gì thì cứ theo đuổi, không biết thì có thể thử. Nhưng các bạn phải thành thật với bản thân mình, xem xét những giá trị mình có được phải thật sự thuộc về mình hay không thì mới đạt được mục đích bền vững, lâu dài", TS Bùi Trân Phượng nói.

Ứng Minh

Theo: Trí Thức Trẻ

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật