Ai đã ‘đổ’ tiền vào Sendo và Tiki?
Theo nguồn tin của DealStreetAsia, 2 sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki và Sendo đã đạt thoả thuận về việc sáp nhập. Trước đó, hồi tháng 2, DealStreetAsia cũng đề cập đến việc 2 công ty này đang đàm phán “về chung một nhà”.
Bên cạnh việc nằm trong Top 4 sàn TMĐT có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam, cả Sendo và Tiki đều thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư ngoại và có những vòng gọi vốn trị giá hàng chục triệu USD trong những năm qua. Nếu như 65% cổ phần của Sendo đang nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài thì 2 cổ đông lớn nhất của Tiki hiện nay là VNG của Việt Nam và JD.com của Trung Quốc.
Sendo
Dự án thương mại điện tử Sendo.vn do Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển từ tháng 9/2012. Năm 2014, FPT tách dự án này ra khỏi FPT Online, thành lập Công ty Sen Đỏ và mua lại website thương mại điện tử 123mua.vn của VNG. Cũng trong năm này, Sendo đổi 33% cổ phần để nhận về khoản đầu tư 18 triệu USD từ SBI Holdings, Econtext Asia và Beenos.
Năm 2018, Sendo công bố huy động thành công 51 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Theo đại diện công ty, thương vụ này có sự góp mặt của 8 nhà đầu tư, gồm SBI, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners, SKS Ventures, Tập đoàn FPT, eContext Asia, BeeNext và Beenos. Tuy nhiên, giá trị đầu tư chi tiết của từng đơn vị không được tiết lộ.
Năm 2019, Sendo tiếp tục hoàn thành vòng gọi vốn Series C với tổng giá trị 61 triệu USD. Vòng gọi vốn lần này có 2 nhà đầu tư mới là EV Growth (Indonesia) và Kasikornbank (Thái Lan). Một số nhà đầu tư cũ như SBI, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners tiếp tục tham gia rót vốn.
Theo thông tin tính đến ngày 25/5/2020 trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, gần 35% cổ phần của Sendo đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước, trong khi 16 cổ đông ngoại nắm hơn 65% cổ phần. Trong đó, SBI E-Vietnam đang là cổ đông ngoại lớn nhất với 21,68%, Econtext Asia nắm 12,67%, Beenos Asia nắm 5,5%...
Tiki
Tiki do Trần Ngọc Thái Sơn – người có bằng thạc sĩ của Đại học New South Wales, Australia – thành lập năm 2010. Ban đầu đây chỉ là một nền tảng bán sách ngoại ngữ online với nhà kho được đặt tại gara xe của gia đình và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của ông Sơn.
Theo dữ liệu của Crunchbase, tháng 3/2012, Tiki được quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản đầu tư 500.000 USD, sau đó tiếp tục được một tập đoàn Nhật Bản khác là Sumitomo rót vốn 1 triệu USD vào tháng 8/2013.
Hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018, một số nguồn tin cho biết Tiki đã huy động thành công 54,5 triệu USD từ “đại gia” thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, STIC từ Hàn Quốc và VNG. Con số này chưa được Tiki xác nhận.
Hồi tháng 1/2018, Sparklabs Ventures, công ty liên doanh vốn đầu tư mạo hiểm của Sparklabs Group cho biết đã đầu tư vào Tiki nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á. Số tiền cụ thể không được tiết lộ.
Trong một thông cáo báo chí phát đi hồi tháng 9 năm ngoái, Innoven Capital – một công ty cho vay mạo hiểm chuyên tập trung vào thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ – cho biết đã hoàn thành 2 thoả thuận đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, công ty này cung cấp cho Tiki và startup chia sẻ văn phòng UP Co-working một khoản vay nợ mạo hiểm nhưng không tiết lộ giá trị của các khoản đầu tư.
Theo thông tin tính đến ngày 16/12/2019 trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước nắm gần 50,3% Tiki, trong khi các cổ đông ngoại sở hữu 49,7% cổ phần. Trong đó, JD.com đang là cổ đông ngoại lớn nhất với gần 22,2%; Ubiquitous Traders nắm 8,8%; Finup Asia Investment 4,5%; Sumitomo sở hữu 3,8%...
Linh Lam
Theo nguồn: CafeF
TIN CŨ HƠN
- Đại dịch làm bùng nổ thương mại điện tử châu Á
- Nếu Tiki và Sen Đỏ về một nhà, diện mạo của "Ti-Đỏ" sẽ ra sao?
- Ai đã 'đổ' tiền vào Sendo và Tiki?
- Thương mại điện tử bắt tay ngân hàng: Giải pháp tiêu dùng tối ưu cho khách hàng
- Nếu sáp nhập, Tiki và Sendo có "giẫm chân" nhau?
- Tiki và Sendo đã đạt được thoả thuận sáp nhập
- Vì sao Tiki và Sendo sáp nhập?
- Sau đại dịch, thị trường thương mại điện tử cần thêm điều gì?
- DealstreetAsia: Tiki và Sendo đã đạt được thỏa sáp nhập
- Kinh doanh thực phẩm trên TMĐT: không chỉ là giải pháp ứng phó!