Ấn bản thương mại điện tử: Đối thủ mới của các tạp chí thời trang
Sự ra đời của internet và mạng xã hội là một trong những nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng ngành xuất bản nói chung, trong đó có các tạp chí thời trang. Thông tin và hình ảnh từ các trang web đến với độc giả nhanh hơn bao giờ hết, khiến lượng đặt báo hằng tháng giảm đi đáng kể. Các thương hiệu thời trang đã bắt đầu chọn những phương thức tiếp thị mới và cắt giảm chi phí quảng cáo cho ấn bản thời trang.
Thật đáng buồn khi biết rằng trong khoảng năm năm gần đây, nhiều tờ tạp chí danh tiếng đã phải ngưng xuất bản ấn phẩm để chuyển sang định dạng digital như Glamour, Teen Vogue, Nylon, thậm chí là bỏ cuộc như Detais, Interview chỉ vì lý do duy nhất là doanh số bán báo cùng khoản thu từ hợp đồng quảng cáo không đủ để bù đắp chi phí. Nhiều tạp chí khác dù đã có chiêu thức để trụ lại thành công nhưng vẫn phải nơm nớp đề phòng nguy cơ khủng hoảng ngành xuất bản có thể đến bất cứ lúc nào.
Những tưởng trước những khó khăn như thế thì chẳng ai dại gì mà đầu tư vào lĩnh vực xuất bản báo chí nữa. Vậy mà vẫn có nhiều đầu báo mới đã xuất hiện và có vẻ như đang hoạt động trôi chảy. Điển hình là một số phụ bản của những tờ báo tuần, báo ngày như WSJ. của Wall Street Journal, T Magazine của New York Times, M Le Magazine của Le Monde hay How To Spend It của Financial Times… đang dần trở thành những cái tên ưa thích của người đọc báo thời trang. Thêm vào đó, một nhóm tạp chí mới đến từ những trang thương mại điện tử cũng đã lên tiếng.
Đi đầu trong phong trào này là tờ Porter của trang Net-A-Porter. Khổ báo gần như vuông (khác hẳn đa số các tạp chí thời trang) cùng chất lượng in ấn đẹp mắt là những ấn tượng đầu tiên. Porter có thế mạnh là sở hữu nguồn trang phục mẫu phong phú cũng như quan hệ mật thiết với các thương hiệu nổi tiếng. Mặc dù chỉ là sản phẩm phụ của một trang bán hàng, nhưng hình ảnh, người mẫu, nhân vật cũng như chất lượng bài vở của tờ báo điện tử này không hề thua kém, thậm chí còn tốt hơn nhiều ấn phẩm thời trang khác.
Porter còn đảm bảo rằng bất cứ một bộ trang phục nào mà độc giả thấy trên báo điện tử của họ đều có thể mua được tại trang Net-A-Porter. Đi xa hơn tất cả các tạp chí khác, khách hàng có thể tải ứng dụng của báo về smartphone và scan bộ trang phục yêu thích là lập tức được dẫn tới đường dẫn để mua. Vừa bán được báo, bán được quần áo và lại còn ký được nhiều hợp đồng quảng cáo thì chẳng khác gì một mũi tên trúng ba con nhạn.
Cuộc chơi trở nên gay cấn hơn khi một trong những đối thủ của Net-A-Porter là MyTheresa cũng cho ra mắt ấn bản thời trang mang tên The Album. Theo ông Michael Kliger – CEO của hãng, The Album có 70% nội dung được sáng tạo bởi nhóm biên tập và 30% là quảng bá các sản phẩm có bán trên MyTheresavừa đẹp mắt, vừa có nội dung phong phú, đáng đọc. Trong số đầu tiên, The Album đã quy tụ được nhiều tên tuổi đang nổi của ngành thời trang như Natacha Ramsey-Levi của nhà Chloé, Dries Van Noten và Gia Coppola trên trang bìa. Điểm khác biệt dễ nhận thấy của tờ báo này là khổ báo chữ nhật nằm ngang khá độc đáo.
Sự ra đời của những đối thủ mới với nhiều ý tưởng thông minh và biết nắm bắt xu hướng thực sự là một thách thức, cũng là mối đe dọa cho những tờ tạp chí truyền thống. Nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì đây là cơ hội giúp ngành xuất bản ấn phẩm thời trang truyền thống thực hiện những cuộc cải tổ để có thể cạnh tranh được với các tân binh, thay vì chấp nhận lụi tàn.
Hoàng Lê
* Nguồn: Doanh Nhân+
TIN CŨ HƠN
- Startup thương mại điện tử Trung Quốc chuẩn bị IPO huy động 1 tỷ USD
- Thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam: Thiết bị di động sẽ lên ngôi?
- Doanh nghiệp nhỏ - xương sống của kinh tế số Đông Nam Á
- Thương mại điện tử Việt Nam: Các "ông lớn" cạnh tranh khốc liệt
- Cơ hội khởi nghiệp thương mại điện tử tại Đông Nam Á
- Nhân viên ảo dần thay người thật để bán hàng online ở Việt Nam
- Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao bảo vệ thương hiệu?
- Những điều kiện cần khi thu thuế thương mại điện tử
- Xây dựng đế chế 100 triệu USD bán đồ ăn châu Á ở Mỹ
- Đặt hàng xuyên biên giới, bước tiến mới của ngành thương mại điện tử Việt Nam