Áp lực giá tăng cao đè nặng cùng siết tín dụng khiến thị trường bất động sản chậm lại
Chuyên gia đánh giá, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.
Thị trường bán lẻ dần phục hồi
Theo báo cáo quý I/2022 của Savills, thị trường bán lẻ dần hồi phục, hứa hẹn nhiều sôi động. Cụ thể, nguồn cung trong quý I tăng 1% theo quý. Con số này phản ánh mức độ tăng trưởng chậm của bất động sản bán lẻ trong ba năm qua. Nguồn cung mới còn hạn chế.
Giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt tăng 5% theo quý và 4% theo năm với công suất thuê ổn định. Mức tăng nhanh nhất được ghi nhận ở Khu vực Trung tâm và phía Đông Hà Nội với mức tăng trung bình đạt 5% mỗi năm từ năm 2018.
Nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt, đặc biệt là GRDP và doanh thu bán lẻ đều tăng. Bên cạnh đó, các kế hoạch mở rộng kinh doanh của một số nhà bán lẻ sẽ khiến thị trường trở nên sôi động hơn.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Các hãng bán lẻ hạng sang đang tích cực tìm kiếm mặt bằng trong quận Hoàn Kiếm, khiến giá thuê mặt bằng tầng trệt tại khu vực này tăng đáng kể. Tuy nhiên, các thương hiệu bán lẻ tầm trung vẫn đang rất thận trọng trong việc tìm kiếm mặt bằng mới hậu Covid-19. Tăng trưởng của Thương mại điện tử cũng gây ảnh hưởng tới lượng người mua sắm trong các trung tâm thương mại.”
Thị trường văn phòng ổn định, nhu cầu thuê cao
Nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong quý I/2022 chứng kiến mức tăng trưởng nhẹ, dẫn đầu bởi các dự án thuộc phân khúc Hạng B. Các quận nội thành đang cung cấp vào thị trường lượng lớn sản phẩm, theo sau bởi khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là quận Cầu Giấy.
Tỷ lệ lấp đầy tuy tăng theo quý, nhưng giảm theo năm. Văn phòng hạng C có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đặc biệt tại phía Tây Hà Nội với các doanh nghiệp thuộc khối ngành ICT và sản xuất.
Hoạt động cho thuê văn phòng dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Ngành ICT cùng với tài chính ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản tiếp tục có số lượng giao dịch lớn trong quý 1. Xu hướng văn phòng xanh sẽ đem đến nhiều lợi thế cạnh tranh khi mang lại không gian làm việc vừa góp phần bảo vệ môi trường cũng như tăng năng suất làm việc, thu hút và giữ chân nhân tài.
Chia sẻ về tình hình hoạt động của phân khúc văn phòng, bà Minh chia sẻ thêm: “Khách thuê sẽ có những lựa chọn về văn phòng Hạng A mới chất lượng cao bắt đầu từ cuối năm nay, chủ yếu sẽ đến từ khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ. Các dự án mới sẽ cạnh tranh mạnh với các tòa nhà hiện hữu về chất lượng, dịch vụ và giá cả.”
Phân khúc căn hộ hứa hẹn phục hồi trong quý II/2022
Thị trường trong quý I/2022 không có dự án mới, toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của sáu dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng trong khi đó thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.
Tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính giúp thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới.
Giá thuê tiếp tục trên đà gia tăng kể từ quý I/2019. Trong đó, các dự án Hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau bởi hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ.
Với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung tương lai.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết: “Sau một quý trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng ngoài trung tâm cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản.”
Biệt thự/nhà liền kề có xu hướng chậm lại
So với quý IV/2021, tình hình hoạt động đã cải thiện, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội.
Lượng giao dịch tăng theo quý nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà liền kề và Nhà phố là hai sản phẩm có mức tiêu thụ mạnh nhất trong thị trường.
Kể từ quý III/2021, giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay, với sự gia tăng về giá tại các phân khúc Biệt thự, Nhà liền kề và Nhà phố.
Trong phần còn lại của năm, thị trường sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ mười dự án. Trong đó, khu vực phía Tây có nguồn cung tương lai lớn nhất. Với hạn chế về sản phẩm tại thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay Hòa Bình.
Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội, chia sẻ: “Áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn”.
Theo Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Thị trường bất động sản vệ tinh TP.HCM tăng nhiệt, có “sóng” nhẹ tại 2 tỉnh này
- Đồng Nai lên phương án đầu tư khu đô thị thương mại dịch vụ 810.000 tỷ đồng
- Áp lực tài chính, doanh nghiệp F&B bỏ mặt bằng phố tìm thuê trong ngõ
- Đất vùng ven TP. HCM tăng giá như thế nào trong năm qua?
- Nhiều dự án BĐS phía Nam hấp dẫn nhà đầu tư
- TS. Đinh Thế Hiển: Năm 2022 các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn về vốn
- Nhà phố thương mại T&T Phố Nối thu hút giới đầu tư
- Hà Nội "siết" phân lô tách thửa
- Lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng “lãi trên giấy”
- Giá bất động sản lại tăng hàng loạt, có nên xuống tiền sớm?