Apple tới Việt Nam chọn mặt bằng: Store phải tránh xa tiệm đồ lót, đồ ăn nhanh KFC, McDonald's, nằm trong TTTM càng tốt

Lý do phía sau chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ. Tại sao Apple lại chọn mặt bằng như vậy?

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc FPT Retail đã có những chia sẻ liên quan tới chiến lược tăng trưởng của công ty trong 3 năm sắp tới.

Một trong số những chiến lược được ông Việt Anh nhấn mạnh, đó là việc FPT Retail sẽ tập trung mở rộng chuỗi cửa hàng Apple Store tại Việt Nam dưới thương hiệu F.Studio by FPT - chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple.

Theo ông Việt Anh, trong 2-3 năm tới, FPT Retail sẽ phấn đấu mở 100 cửa hàng chuyên bán sản phẩm chính hãng của Apple tại Việt Nam.

Chia sẻ về chiến lược mở 100 điểm bán F.Studio by FPT, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail cho hay: "Mọi chiến lược mở điểm bán của chúng tôi đều cần Apple thông qua, vì đây là sự hợp tác song phương, có sự tham gia của cả 2 bên. Tôi chỉ có thể nói rằng, Apple rất khó tính, nhưng chính cái khó tính đó lại làm nên sự chuyên nghiệp của Apple".

Ông Việt Anh lấy dẫn chứng, với các nước trong khu vực, để mở một cửa hàng Apple Store, mặt bằng được chọn trước hết phải đáp ứng tiêu chí: nằm trong trung tâm thương mại lớn - nơi có nhiều qua lại, cư dân sinh sống gần đó đông đúc.

Tuy nhiên, khi đem những cửa hàng trên về Việt Nam, rào cản đầu tiên gặp phải là người Việt vẫn chưa có thói quen mua sắm trong các TTTM lớn. Chủ yếu hoạt động giao thương vẫn diễn ra "ngoài đường", tại các mặt bằng có vỉa hè thông thoáng.

"Chúng tôi góp ý như vậy, và Apple cũng chung quan điểm. Họ linh động với tính bản địa của Việt Nam, nhưng tiêu chuẩn đặt ra vẫn rất khắt khe. Mở mặt bằng nào, họ sẽ đến tận nơi để cùng chúng tôi chấm điểm", Phó Tổng Giám đốc FPT Retail chia sẻ về chiến lược mở điểm bán của chuỗi F.Studio.

Dẫn ra một ví dụ, ông Việt Anh cho biết, khi tới Việt Nam, lãnh đạo Apple đã tới xem rất nhiều mặt bằng đẹp, thoáng, đông người qua lại. Nhưng phần lớn những mặt bằng này đều bị gạt đi, do gần với các tiệm đồ lót, gần các quán ăn nhanh như KFC, McDonald's...

 
 "Hỏi ra mới biết, họ không muốn cửa hàng Apple bị đặt ngang bằng với đồ lót, đồ ăn nhanh. Quan điểm của họ là Apple phải đẳng cấp, phải sang trọng. Như vậy, họ vừa tôn trọng chính mình, vừa tôn trọng sản phẩm và cả khách tới mua hàng", ông Việt Anh nhấn mạnh.

Cũng trong lần viếng thăm đó, lãnh đạo Apple còn bị bất ngờ khi logo trái táo khuyết bị sử dụng tràn lan, dù chưa được cấp phép.

Phó Tổng Giám đốc FPT Retail khẳng định, Apple đang áp dụng các chính sách, nhằm bảo vệ thương hiệu của mình tại Việt Nam.

Sắp tới, hãng này sẽ có những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn các cửa hàng, cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của mình trái phép. Bao gồm cả các chính sách bảo vệ hàng chính hãng, thay vì để sản phẩm xách tay tràn lan trên thị trường như hiện nay.

Ngoài ra, Apple cũng đang chuẩn bị triển khai các hoạt động quảng bá chính thức, hỗ trợ chi phí mở các cửa hàng chuyên doanh Apple, bao gồm F.Studio.

Nói về tiềm năng thị trường các sản phẩm Apple tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết, đây là "miếng bánh" trị giá khoảng 900 triệu USD. Trong đó, các sản phẩm chính hãng chiếm khoảng 550 triệu USD, còn lại là các sản phẩm xách tay - ước tính khoảng 350 triệu USD.

Dư địa vẫn còn quá lớn, do đó, trong thời gian tới, FPT Retail sẽ tập trung mở rộng chuỗi cửa hàng Apple Store tại Việt Nam dưới thương hiệu F.Studio by FPT - chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple, hướng tới việc làm chủ miếng bánh 900 triệu USD này.

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật