Ba đề xuất của Grab thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam: Hãy nhìn nhận vai trò của shipper như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng

Grab mong mỏi và đề xuất nên đẩy mạnh hợp tác công tư giữa Chính phủ và Doanh nghiệp trong việc vận dụng nền tảng kỹ thuật công nghệ để duy trì hoạt động chống dịch và đẩy mạnh kinh tế số.

Chia sẻ tại "Tọa đàm cấp cao Kinh tế số – Chìa khóa của tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương tổ chức, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam đã đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy kinh tế số và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Grab là hệ sinh thái thương mại điện tử cho phép người dùng có thể tiếp cận nhiều dịch vụ thiết yếu hàng ngày thông qua một siêu ứng dụng duy nhất, ngoài dịch vụ vận chuyển (Grab Car, Grab bike) thì Grab cung cấp các dịch vụ như gọi đồ ăn mang về (Grab Food), siêu thị online (Grab Mart), giao nhận logistics (Grab Delivery).

CEO Grab Việt Nam đưa ra vài đề xuất sau quá trình đồng hành cùng các địa phương chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế cơ bản.

Thứ nhất, Grab đề xuất nên đẩy mạnh hợp tác công tư giữa Chính phủ và Doanh nghiệp trong việc vận dụng nền tảng kỹ thuật công nghệ để duy trì hoạt động chống dịch và đẩy mạnh kinh tế số.

Thời gian qua, TP.HCM và Hà Nội trong giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt tại TP.HCM đã gặp nhiều thử thách để duy trì chuỗi cung ứng. Grab đã đề xuất đưa nền tảng công nghệ của Grab cho Thành phố sử dụng trong công tác đi chợ hộ - chương trình đã đạt được kết quả rất tốt khi vận hành thử tại Thành phố Thủ Đức. Grab cho rằng, nếu sự hợp tác này được xảy ra sớm hơn và trên diện rộng hơn thì sẽ hỗ trợ nhiều trong công tác chống dịch và duy trì kinh tế.

Trong giai đoạn phục hồi, có nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ nếu họ không có cơ hội tham gia hoạt động kinh tế số bằng cách mở các gian hàng online ở các nền tảng thì họ sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc quay lại kinh doanh. Do đó, CEO Grab Việt Nam cho rằng, đẩy mạnh hợp tác công tư sẽ là đòn bẩy để duy trì chuỗi cung ứng khi phục hồi kinh tế.

Thứ hai, cần nhìn nhận vai trò của shipper trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo bà Vân, trong đợt dịch vừa qua đội ngũ shipper đã bắt đầu được nhìn nhận như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng nhưng có độ vênh nhất định ở từng địa phương.

 "Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các địa phương đã có nhìn nhận tích cực cho đội ngũ shipper được duy trì hoạt động và được ưu tiên tiêm vaccine. Giai đoạn tiếp theo chúng ta cần có cái nhìn nhất quán hơn để có quy định quản lý hành chính và chính sách phù hợp cho lực lượng shipper, để họ hoạt động thông suốt cũng như ưu tiên tiêm vaccine. Nhiều nước trong quá trình chống dịch thì shipper được xem như đội ngũ chống dịch tuyến đầu, nên chăng chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này", CEO Grab Việt Nam đề xuất.

Thứ ba, nhìn về chính sách dài hạn, Grab cho rằng có 2 yếu tố cần đẩy mạnh là chính sách thúc đẩy TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt.

Làm thế nào để cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay những doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tham gia vào nền kinh tế số vì họ là huyết mạch đi len lỏi rất sâu vào môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng Việt Nam. "Mạng lưới kinh doanh nhỏ lẻ đóng góp tỷ trọng rất cao so với bình quân khu vực nên nếu bỏ lỡ cơ hội giúp thành phần này tham gia vào kinh tế số sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội mà kinh tế số có thể đem lại", CEO Grab Việt Nam nhận định.

Bản thân Grab cũng ưu tiên đối tượng kinh doanh truyền thống này chợ truyền thống, tạp hoá, hộ kinh doanh cá thể để họ có thể có phượng tiện dễ tiếp cận nhất, đơn giản nhất để vận hành.

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là đòn bẩy rất lớn trong điều kiện sống chung với đại dịch. Số liệu Grab cho thấy 45% người dùng không dùng tiền mặt và đây là con số rất đáng khích lệ. Tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng, bà Vân chia sẻ, tháng 8/2020 số người lần đầu tiên tiếp xúc thanh toán không dùng tiền mặt trong việc đi siêu thị onine trên Grab mart tăng gần 30%, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng 150%, con số này cho thấy đà tăng trưởng ở lĩnh vực này ở VN rất lớn. Do đó, đại diện Grab mong Chính phủ sẽ tạo cơ chế chính sách để có thể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân hiện đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, tập trung vào việc hoạnh định chiến lược và định hướng phát triển cho toàn bộ hệ sinh thái Grab.

Trước khi gia nhập Grab Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hải Vân đã có 17 năm làm việc tại Unilever Việt Nam với vai trò là Phó Chủ tịch phụ trách ngành hàng Chăm sóc Cá nhân, đồng thời đảm nhiệm mọi chiến lược truyền thông của Unilever. Bà có nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược thương mại, điều phối hoạt động kinh doanh tiếp thị hàng loạt ngành hàng của Unilever Việt Nam và Unilever khu vực Đông Nam Á. Với sự gần gũi, am hiểu sâu sắc về văn hoá, thị trường Việt Nam, bà Hải Vân tiếp tục phát triển những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất trong hệ sinh thái Grab phù hợp với thị trường, đóng góp nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, thúc đẩy vị thế siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu của Grab trong khu vực.

Bà Hải Vân cũng đang là Đồng Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam.

Châu Cao

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật