Bị bố phản đối lập công ty với tư duy "làm nhỏ cho chắc", chàng trai 28 tuổi vẫn quyết "cắm” nhà vay ngân hàng lập nghiệp, giờ trở thành ông chủ của 86 cửa hàng túi xách Miti, nhắm doanh thu nghìn tỷ
"Thời gian đầu có ý định thành lập công ty, tôi vấp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình. Vốn đã quen với cách làm nhỏ nên khi nhắc đến việc mở công ty là điều gì đó rất lớn lao. Hồi đó có card visit hoặc chức danh Giám đốc là chuyện rất lạ với bố mẹ. Thoát khỏi tư duy gia đình là cả một khó khăn lớn ở thời điểm đó", ông Nguyễn Trí Kiên – Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti) nhớ lại hành trình đến với thương hiệu Miti.
"Hồi đó, trong gia đình, bố phản đối mạnh nhất. Bố cho rằng, làm ăn nhỏ thôi cho chắc, phát triển lớn có khi phá sản. Thậm chí, ngồi lại nói chuyện với bố về việc mở công ty là chuyện vô cùng khó khăn".
Gia đình làm nhỏ quen rồi lại gắn bó với nghề cả chục năm nên nhắc đến việc mở công ty ai cũng sợ rủi ro và không quen làm lớn
Vốn xuất thân từ cơ sở gia công nhỏ lẻ vào những năm 1987, gia đình ông Kiên chuyên bỏ mối túi xách cho các chợ đầu mối, đại lý khu vực Q.6, Q.8, huyện Bình Chánh (Tp.HCM). Thời điểm đó, có được cơ sở truyền thống với 5-6 nhân công làm thuê cho mình, gia đình ông Kiên được xem là khá giả tại khu vực mặc dù chưa có thương hiệu gì.
Sau khi tạm ngưng công tác tại Bệnh viện nhi đồng 2, ông Kiên về cùng bố mẹ xây dựng cơ sở làm ăn ổn định hơn. Thế nhưng, từ khi gắn với công việc gia công túi xách, ông Kiên bị "hút" vào guồng. Tình yêu với nghề nảy sinh từ đây.
Vào khoảng năm 1996, ông Kiên đã nói với gia đình về ý định phát triển thương hiệu cho cơ sở và thành lập công ty. Vừa trao đổi, ông đã gặp ngay sự phán đối quyết liệt từ hầu hết các thành viên trong gia đình, đặc biệt người cha – người đã gầy dựng nên cơ sở gia công của gia đình 10 năm trước đó.
"Gia đình làm nhỏ quen rồi lại gắn bó với nghề cả chục năm nên nhắc đến việc mở công ty ai cũng sợ rủi ro và không quen làm lớn. Tư duy kiểu gia đình đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người nên không dễ dàng thuyết phục", ông Kiên nhớ lại.
Thế nhưng, chàng trai 28 tuổi luôn nung nấu quyết tâm phải gầy dựng thương hiệu cho cơ sở của mình. Mà muốn phát triển thương hiệu thì cần phải thành lập công ty để đảm bảo sự an tâm cho khách hàng. Ông Kiên bắt đầu thuyết phục bố bằng cách chỉ ra các cơ sở nhỏ lẻ đã phát triển mạnh ra ra sao khi có tên tuổi trên thị trường.
Đặc biệt, ông hiểu rằng, bên cạnh tư duy làm ăn kiểu nhỏ thì cái khó nữa của gia đình lúc này chính là nguồn vốn. Do đó, ông đã thuyết phục bố vay ngân hàng để đầu tư làm ăn.
"Bố lắc đầu nhưng có lẽ do mình đam mê quá, và cũng một phần chiều lòng con trai nên bố chấp nhận cho mình cầm sổ đỏ của gia đình đi "cắm" ở ngân hàng vay vốn", ông Kiên chia sẻ.
Chàng trai 28 tuổi cầm sổ đỏ đi vay 600 triệu đồng ngân hàng để thực hiện quyết tâm phát triển công ty. Thế nhưng, dù đã "miễn cưỡng" đồng ý cho con trai tạo sự nghiệp lớn nhưng bố cùng một số thành viên trong gia đình lúc này vẫn tiếp tục khuyên nhủ, thậm chí ra sức ngăn cản và cho rằng, chỉ nên làm nhỏ thôi.
"Thoát khỏi được tuy duy đó của gia đình quả là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời kinh doanh của tôi. Bởi bố mẹ là người gầy dựng nên cơ sở nếu mình phát triển tốt thì bố mẹ sẽ vui, còn nếu thô lỗ, phá sản thì sẽ phiền lòng bố mẹ", ông Kiên giãi bày.
Dù khó khăn, Nguyễn Trí Kiên vẫn quyết tâm thành lập công ty để phát triển thương hiệu. Năm 1997, ông chính thức chọn tên thương hiệu cho công ty là Miti (tên gọi tắt của công ty là Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến).
Năm 2000, công ty chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.
Từ muôn vàn khó khăn …
Ông chủ Miti cho hay: "Thời kỳ đầu mở công ty, tôi gặp vô vàn khó khăn. Phát triển công ty nghĩa là hệ thống phải khác hẳn, cách quản lý phải khác, số vốn đầu tư vào cũng lớn gấp nhiều lần. Đặc biệt khâu lập phòng ban tuyển nhân sự đào tạo cũng là một hành trình dài hơi".
Ngoài ra, vì mới thành lập công ty nên không nắm vững về thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp bị phạt vì thuế này rất nhiều, thất thoát kha khá. Chưa kể, chuyển đổi từ quy mô gia đình lên quy mô công ty, bản thân phải vượt qua giai đoạn "Trả giá".
Trước kia là cơ sở gia đình nên khi đi bỏ mối sỉ, lẻ ở các chợ thường tiểu thương sẽ trả giá sản phẩm. Tuy nhiên, khi đã là công ty thì giá sản phẩm phải được niệm yết.
"Vượt qua được suy nghĩ này của tiểu thương quả thực khá khó khăn", ông Kiên cho hay.
Dù khó khăn nhưng do quyết tâm làm cho bằng được, ông Kiên đã tự mình tìm tòi, học hỏi cách vận hành doanh nghiệp từ sách vở, phương tiện truyền thông... Ông bắt đầu tập trung mạnh vào việc đầu tư quản lý.
Thoát khỏi được tuy duy đó của gia đình quả là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời kinh doanh của tôi
Sau đó không lâu, công việc quản lý doanh nghiệp dần đi vào quỹ đạo. Lúc này, ông Kiên nghĩ, để phát triển thương hiệu cần phải phát triển được kênh phân phối riêng chứ không thể dựa vào chợ được. 2 cửa hàng túi xách Miti được mở ra tại tuyến đường sầm uất của Q.10, Tp.HCM là minh chứng cho suy nghĩ này.
"Trong khi nhiều cơ sở khác vẫn chỉ biết sản xuất rồi mang ra chợ bán thì Minh Tiến lại gầy dựng được thương hiệu riêng với tên gọi tắt Miti và câu slogan là "luôn luôn bên bạn" khiến người tiêu dùng xem Miti như là một sản phẩm cao cấp, chất lượng. Họ bắt đầu tin tưởng và lựa chọn. Thất thoát nguồn vốn thời kì đầu là kha khá nhưng do công ty sau đó dần phát triển ổn định nên gia đình bắt đầu tin tưởng", ông Kiên chia sẻ.
Sau một năm thành lập công ty, sản phẩm của Miti được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. "Khi đạt danh hiệu này là gia đình đã hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ tôi. Đặc biệt là bố tỏ ra rất vui. Do công việc kinh doanh ổn định, doanh thu mang về hàng năm đạt 100 tỉ đồng. Sau đó 3 năm, tôi lấy sổ đỏ đã cắm ở ngân hàng ra cho bố mẹ", ông chủ Miti nhớ lại.
"Tôi thấy tự hào vì đã đi đúng hướng trước sự ngăn cản cả về nguồn lực con người lẫn vật chất. Đặc biệt, khi phát triển được như hôm nay tôi lại cảm thông cho bố mẹ - thế hệ của họ quá khổ vì ngập trong thời kì bao cấp nên tư duy còn hạn chế".
…Đến thương hiệu Miti vươn tầm quốc gia
Đầu năm 2017, ông Kiên đầu tư 27 tỉ đồng xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại tỉnh Long An nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường
Từ một cơ sở chỉ 10 công nhân, hiện nay mặt hàng túi xách Miti được cả nước biết đến với chất lượng tốt. Ngoài ra, Miti còn sở hữu 2 nhà máy sản xuất lớn tại huyện Bình Chánh (4.000m2) và tỉnh Long An (7.000m2) với công suất hoạt động 1 triệu sản phẩm/năm. Ông chủ Miti cho hay, đầu năm 2017, để mở rộng quy mô và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, Miti đã đầu tư 27 tỉ đồng để mua đất và xây dựng nhà máy rộng 7.000m2 tại Long An.
Miti hiện sở hữu 86 cửa hàng, hơn 400 đại lý khắp cả nước. Trong đó, sản phẩm túi xách, va li, cặp học sinh, ba lô của Miti chiếm khoảng 30% thị trường Tp.HCM với doanh thu mang về 300 tỉ đồng/năm.
Khi phát triển được như hôm nay tôi lại cảm thông cho bố mẹ - thế hệ của họ quá khổ vì ngập trong thời kì bao cấp nên tư duy còn hạn chế
Hiện nơi đây có 300 công nhân làm việc cùng các nhân lực "ngoài" tham gia gia công các công đoạn cho túi xách nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Để giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu 20% hằng năm, ông chủ Kiên đã không ngừng phát triển các dòng sản phẩm đáp ứng thực tế nhu cầu thị trường. Dòng sản phẩm cặp siêu nhẹ và chống gù được xem là hai "phát minh" quan trọng của Miti thời gian qua, khẳng định được thương hiệu của đơn vị này trên thị trường dày da, túi xách tại Việt Nam".
"Kế hoạch năm 2018 của Miti là tập trung nguồn lực và vốn đầu tư và mở rộng sản xuất túi xách ra thị trường các nước Đông Nam Á", Ông Kiên khẳng định.
Ông chủ Miti cũng đặt mục tiêu trong vòng 2 năm tới sẽ đạt doanh thu 1.000 tỉ đồng và xuất khẩu sản phẩm ra các nước lân cận, ngoài phạm vi thị trường trong nước.
Theo Trí Thức Trẻ/Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- 13 năm lăn lộn thương trường vẫn thua lỗ "sấp mặt" 3 lần, tôi nhận ra: Khởi nghiệp đừng ham làm cánh chim đầu đàn, coi chừng "chết không kịp ngáp"!
- Khởi nghiệp ngành khách sạn trong thời đại công nghệ 4.0: Startup nên thay thế con người bằng robot?
- Khởi nghiệp thua lỗ phải sang Nhật kiếm tiền trả nợ, chàng trai này giờ là ông chủ của chuỗi cà phê Specialty, giá 100.000 đồng/ly mà khách nườm nượp, còn hỗ trợ The Coffee House mở quán
- Khởi nghiệp theo hướng tạo tác động xã hội doanh nghiệp cần gì?
- 26 tuổi thành lập được startup có người hỏi mua với giá 100 triệu USD nhưng quyết không bán, 30 tuổi trở thành ông chủ của công ty trị giá 500 triệu USD
- Sai lầm kinh điển của người muốn startup: Giỏi làm bánh và nghĩ rằng mình có thể mở hiệu bánh!
- Ngược lại với Shark Khoa, một doanh nhân top Forbes Under 30 khuyên: Hãy khởi nghiệp khi 19, 20 - độ tuổi "vàng" để phạm sai lầm, trả giá và chưa bị 'trói' bởi... gia đình!
- "Tiền đổ vào start-up Việt đang tăng đột biến"
- Những kinh nghiệm kinh doanh trong 1.5 năm đầu
- Startup Edtech Việt nhận đầu tư từ quỹ Singapore