Ngược lại với Shark Khoa, một doanh nhân top Forbes Under 30 khuyên: Hãy khởi nghiệp khi 19, 20 - độ tuổi "vàng" để phạm sai lầm, trả giá và chưa bị 'trói' bởi... gia đình!
Trong một talk show gần đây, doanh nhân trẻ Lê Đăng Khoa từng khẳng định: "Kinh doanh phức tạp hơn mọi người nghĩ rất nhiều, nó cay đắng hơn rất là nhiều. Nó không phải là bể cá mập, vậy nó là bể cá gì, bao nhiêu con cá trong đó. Nếu mình muốn tồn tại, sống còn trong kinh doanh gần như là điều viễn tưởng với người vừa tốt nghiệp đại học".
Theo anh những sinh viên mới ra trường kinh nghiệm không có, chưa có bản lĩnh để điều hành, để đi thuyết phục đối tác, cộng sự. Việc "tay không tấc sắt", chỉ dùng lời nói rất khó lòng thuyết phục được ai về đội ngũ của mình.
Thế nhưng cũng có người không đồng ý với quan điểm này. Anh khởi nghiệp từ năm 19 tuổi và từng lọt danh sách Forbes Under 30 cũng như được CSIP, British Council và World Bank chứng nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam. Đó là Tạ Minh Tuấn, thành viên đồng sáng lập IDEE Corporation, Chủ tịch sáng lập HELP International, chủ tịch điều hành - sáng lập quỹ từ thiện "Giấc mơ đôi chân thiên thần".
"Là sinh viên, đồng nghĩa với việc chúng tôi chưa có gì trong tay. Có thể nói là Khởi nghiệp với 3 Không: Không kinh nghiệm, Không quan hệ, Không tiền tệ. Có lẽ số đông sẽ không đưa ra quyết định như vậy!
Song tôi hiểu rằng nếu muốn thành công, không thể cứ tư duy như số đông. Mà đôi khi cần có đủ dũng khí đi ngược lại số đông. Warren Buffet, nhà đầu tư vĩ đại luôn có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới thời gian gần đây, cũng từng nói: "Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác tham lam"", Tạ Minh Tuấn nhớ lại trong cuốn tự truyện của mình.
Tất nhiên anh cũng đồng ý một điều, khi còn là sinh viên, họ chưa có đủ những nguồn lực cần thiết. Nhưng đến khi nào mới được xem là có đủ nguồn lực cần thiết? Sự thật là chẳng bao giờ có thời điểm hoàn hảo, khi mà tất cả mọi nguồn lực đều hội tụ lại, để chúng ta có thể bắt đầu. Cứ đi rồi sẽ tới. Cứ làm rồi sẽ nảy ra nguồn lực. Lựa chọn thời điểm để khởi nghiệp là một điều rất quan trọng. Với anh, sớm thì tốt hơn.
"Nếu được làm lại, tôi vẫn lựa chọn y như vậy. Tôi vẫn khởi nghiệp từ rất sớm, từ khi còn là sinh viên. Vì khi là sinh viên, tôi chẳng có gì cả. Chẳng có gì cả tức là cũng chẳng có gì để mất. Nếu không có gì để mất thì tại sao tôi còn phải sợ hãi?", Tạ Minh Tuấn khẳng định.
35 hay 40 tuổi sẽ bị "trói buộc" quá nhiều trách nhiệm trong cuộc đời này
"Trách nhiệm làm chồng cần sự ổn định để mang lại an toàn cho vợ và gia đình, trách nhiệm làm cha phải nuôi nấng và giáo dục những đứa con thơ, trách nhiệm làm con cái phụng dưỡng cha mẹ lúc này đã già yếu, trách nhiệm làm người nhân viên đắc lực trong doanh nghiệp, trách nhiệm làm người công dân tốt trong xã hội. Có quá nhiều trách nhiệm như vậy, làm sao tôi có thể tập trung để khởi nghiệp? Làm sao tôi có thể xử lý tốt khi có quá nhiều trách nhiệm "đè nặng" lên đôi vai của mình? Làm sao tôi có đủ dũng khí để buông bỏ tất cả và theo đuổi đam mê "ích kỷ" của mình?", doanh nhân trẻ này phân tích.
Con đường khởi nghiệp giống như một chiếc máy giặt. Khi bị "ném" vào, ta sẽ bị giày vò, mệt mỏi và khổ tâm. Nhưng sau đó ta trở nên "sạch" hơn và "sáng" hơn rất nhiều.
Bởi vậy tuổi trẻ mới là thời điểm vàng để khởi nghiệp khi còn chưa phải đương đầu với tất cả những trách nhiệm đó. Có thể khởi nghiệp muộn hơn một chút sẽ giúp anh có nhiều kinh nghiệm hơn. Song là kinh nghiệm gì? Có nhiều kinh nghiệm khi làm thuê trong công ty lớn hoàn toàn không áp dụng được, nếu không muốn nói là việc áp dụng sẽ mang lại những kết cục tai hại với một công ty khởi nghiệp.
"Có thể khởi nghiệp muộn hơn một chút sẽ giúp tôi chín chắn hơn và trưởng thành hơn. Có thật như thế không? Hay vẫn chỉ là một đứa bé lớn xác hơn, sống lâu hơn, chứ vẫn chưa một lần vượt qua giới hạn của mình, chưa từng bước ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình", Tạ Minh Tuấn đặt câu hỏi về tuổi khởi nghiệp. Do đó anh quyết định biến điểm yếu thành điểm mạnh. Điểm yếu là không có gì. Điểm mạnh là vì không có gì nên mình cũng không có gì để… mất – nên mình không sợ mất, và có thể khởi nghiệp một cách rất "hồn nhiên".
Một lý do khác anh chọn tuổi trẻ để khởi nghiệp để đây trở thành con đường trưởng thành của mình. Anh cho rằng bí mật lớn lao nhất của con đường khởi nghiệp không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền ở cuối con đường, mà là bạn thay đổi và phát triển bản thân, trở thành con người tốt hơn như thế nào khi sống với lựa chọn của mình, khi đi trên con đường khởi nghiệp.
Con đường khởi nghiệp biến đổi ta thành con người tốt hơn. Vì nó đủ khó. Mà dân gian ta thì có câu "cái khó ló cái khôn". Con đường khởi nghiệp giống như một chiếc máy giặt. Khi bị "ném" vào chiếc máy giặt, ta sẽ bị giày vò, mệt mỏi và khổ tâm. Nhưng sau đó, cũng như quần áo được giặt, ta trở nên "sạch" hơn và "sáng" hơn rất nhiều.
Hãy phạm sai lầm và trả giá ở tuổi 20
Tạ Minh Tuấn cho rằng nếu phải thất bại, vấp ngã, nếu phải rơi xuống hố sâu của bùn lầy thì anh cầu mong những điều ấy xảy ra khi còn trẻ. Độ tuổi mười chín, đôi mươi với anh là độ tuổi vàng để phạm sai lầm. Vì khi đó anh còn có sức khỏe, còn có thời gian và còn nhiều cơ hội ở phía trước, để đứng dậy và làm lại tất cả. Người trẻ có nhiều năng lượng. Họ cũng chưa có quá nhiều ràng buộc trong các mối quan hệ cuộc sống nên có thể toàn tâm toàn ý dồn hết năng lượng của mình vào cuộc chơi. Hai mươi là độ tuổi tuyệt đẹp để phạm sai lầm và trả giá!
Nếu bạn đạp xe với vận tốc 5 cây số/giờ, và bạn phạm sai lầm, sai lầm này khiến tay lái của bạn lắc lư, có lẽ chiếc xe sẽ chao đảo nhẹ rồi cũng lấy lại thăng bằng. Nếu lái xe máy với vận tốc 50 cây số/giờ, cùng một sai lầm như vậy có thể khiến bạn té lăn ra đường, không khéo còn gãy cả tay, chưa bị chấn thương sọ não là may.
Còn nếu bạn tham gia đua xe thể thức 1, với vận tốc 500 cây số/giờ, một sai lầm như vậy có thể là… thảm họa với cả cuộc đua. Càng lên cao, những sai lầm bạn phạm phải càng gây ra hậu quả nặng nề hơn, vì hành động của bạn ảnh hưởng đến nhiều người hơn.
Vì khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên nên Tạ Minh Tuấn cho rằng mình "chật vật" quen rồi. Nhờ vậy, sau này anh có lợi thế về khả năng chịu đựng áp lực, rèn luyện được tư duy kinh doanh và có những kỹ năng chuyên nghiệp từ khi còn trẻ. Anh chọn đi con đường khó nhằn hơn, nên cũng học được nhiều hơn.
* Bài viết tham khảo nội dung cuốn sách Trước bình minh luôn là đêm tối - Tạ Minh Tuấn.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- "Tiền đổ vào start-up Việt đang tăng đột biến"
- Những kinh nghiệm kinh doanh trong 1.5 năm đầu
- Startup Edtech Việt nhận đầu tư từ quỹ Singapore
- Những lĩnh vực khởi nghiệp hay năm 2018
- Sắp diễn ra cuộc thi khởi nghiệp cho người Việt toàn cầu
- Sai lầm của các Startup: Tay trắng khởi nghiệp, quá tập trung xây dựng team trong 1-2 năm đầu, lập công ty quá mau rồi phải chết sớm
- 500 Startups tăng tốc đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam năm 2018
- Phương pháp 120 chiếc kẹp giấy và bí mật tăng doanh số lên 5 triệu USD sau 18 tháng của một môi giới mới vào nghề
- Những gã khổng lồ như Tesla, Uber liên tiếp dính bê bối, phải chăng bong bóng startup công nghệ sắp vỡ tung?
- Startup Việt WisePass mở rộng hoạt động đến Philippines