Các ngân hàng đang tính toán gì khi chỉ mới vài tháng đầu năm đã mạnh tay tiêu hết quota tăng trưởng tín dụng?

Chỉ trong 5 tháng tăng trưởng tín dụng đã vượt 8%, nhiều ngân hàng đã cạn room khi nửa đầu năm chưa đi qua. Không chỉ là câu chuyện room mà vấn đề tiền các ngân hàng đã "chảy" đi đâu cũng khiến thị trường quan tâm.

Tăng trưởng tín dụng quý I/2022 là 5,04%, gần gấp 4 lần mức tăng quý I/2021 (tăng 1,26%). Xu hướng này vẫn chưa hạ nhiệt. Hiện tượng cạn room cũng đã xuất hiện ở không ít ngân hàng.

Đà tăng trưởng tín dụng mạnh vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2022, tín dụng tăng 8,04% so với cuối 2021, tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước đó trong buổi họp báo "Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%" ngày 27/05. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 7,75% gần gấp đôi mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát tại các ngân hàng, việc mở rộng hoạt động tín dụng cũng có phần chật vật hơn từ thời điểm đầu quý II do cạn room tăng trưởng.

Điều gì đã thôi thúc các ngân hàng mạnh tay tiêu hết quota khi chỉ vừa bắt đầu quý đầu tiên của năm?

Theo Thạc sĩ Trần Hương Giang - chuyên gia chính sách và kinh tế, có 3 lý do.

Thứ nhất, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch như các ngành khác. Rất nhiều nhà băng đã phải đóng cửa PGD hoặc phải kìm hãm các hoạt động, hạn chế việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ tài chính trong thời gian dịch bệnh.

Sau khi đại dịch qua đi, các ngân hàng tất nhiên sẽ nôn nóng muốn đẩy mạnh hoạt động để phục hồi. Bên cạnh đó, ngân hàng là ngành dịch vụ, một phần lớn sản phẩm dịch vụ cung ứng hướng đến thị trường trong nước nên việc khởi động lại sau đại dịch cũng sẽ dễ dàng hơn so với các ngành khác.

Hơn nữa, khi đại dịch vừa qua đi, mọi thứ gần như được trả về số 0, ngân hàng nào nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động thì sẽ mau chóng lấy lại được thị phần. Thậm chí đây còn là cơ hội mở rộng nền tảng khách hàng và nhiều lợi thế khác gắn với ưu thế của người đi đầu. Tín dụng là một trong những sản phẩm cốt lõi của ngân hàng nên việc các nhà băng đẩy mạnh hoạt động này là việc tất yếu.

Thứ hai, khi mạnh tay tiêu hết quota, có lẽ các ngân hàng đã có niềm tin gần như chắc chắn rằng NHNN sẽ nới rộng thêm room tín dụng. Một phần khác cũng là vì các nhà băng nhìn thấy thị trường rõ ràng có nhu cầu vốn rất mạnh. Tuy nhiên, việc nhu cầu sử dụng vốn đó dùng cho việc gì thì lại là một vấn đề cần được xem xét kỹ hơn.

Thứ ba, không phải bất cứ người nào hay ngành nghề nào cũng xem Covid-19 là tai họa, rất nhiều quan điểm cho rằng đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp có thể đảo ngược tình thế hay "lội ngược dòng", nói cách khác là họ nhận thấy "trong nguy có cơ". Chính vì vậy, sau khi Covid qua đi, một bộ phận không nhỏ các công ty đã nắm lấy thời cơ để mở rộng hoạt động của mình và vì thế họ cũng có nhu cầu về nguồn vốn rất mạnh.

(Thạc sĩ Trần Hương Giang - chuyên gia chính sách và kinh tế)

Tiền của các ngân hàng đã chảy về đâu?

Theo bà Giang, thời gian qua, các ngân hàng cho vay tập trung vào các lĩnh vực mang hai đặc điểm: 1) các ngành cần có nhu cầu về vốn cao và 2) nhóm có khả năng phục hồi cũng như đẩy mạnh hoặc mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng sau đại dịch.

Có thể kể đến các ngành có mô hình tổ chức hoạt động đơn giản, nhẹ nhàng (dịch vụ giáo dục, y tế, luật, tư vấn, thương mại); những ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu (như thực phẩm, ăn uống, may mặc,…); hoặc những ngành có đặc điểm linh hoạt và năng động, khả năng thích ứng cao (công nghệ, truyền thông,…).

"Thật ra bất động sản cũng tồn tại hai đặc điểm bên trên khá rõ ràng và nhiều khả năng nguồn vốn đang chảy vào ngành này. Cần phải nói thêm rằng vẫn có những công ty hoạt động trong những ngành "không nhẹ nhàng" như sản xuất máy móc thiết bị hạng nặng, xuất nhập khẩu hàng hóa quy mô lớn nhưng lại có khả năng thích ứng cao và rất năng động. Họ tất nhiên có nhu cầu về vốn rất lớn. Tuy nhiên, giai đoạn vừa mới hết dịch, có lẽ các công ty dạng này có thể mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô hoặc đẩy nhanh tăng trưởng cũng là dạng hiếm có trên thị trường" - Bà Giang nhận xét.

Kết quả kinh doanh các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng thế nào vì việc hết quota?

Theo chuyên gia, việc cạn room chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà băng hiện nay cũng đã đa dạng hóa nguồn thu nhập và không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

"Covid-19 cũng là cơ hội để các ngân hàng thúc đẩy nhu cầu khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ hiện đại, đẩy mạnh hệ sinh thái công nghệ ngân hàng và chuyển đổi số, tiến đến tài chính toàn diện. Vấn đề hiện tại là cần ưu tiên tập trung vào phục hồi nền kinh tế còn việc lợi ích của các ngân hàng bị ảnh hưởng cũng không cần quá lo lắng"- bà Giang chia sẻ.

Về những tác động đối với các doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá, có những hoạt động kinh tế cần ưu tiên và phải được bơm vốn nhanh, song vì cạn room tín dụng mà đà phục hồi đã bị giới hạn khá chặt.

Bên cạnh đó, có những ngành có độ trễ trong nhịp phục hồi. Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp này là có và sẽ xuất hiện trong tương lai. Việc sử dụng hết room tín dụng trong hiện tại cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến nhóm này.

Room tín dụng thời gian tới sẽ thế nào?

Theo chuyên gia, NHNN sẽ nới room tín dụng trong thời gian tới, song mức độ nới có thể sẽ không quá nhiều.

Việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không nới room là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu có thì chắc chắn sẽ khiến một số các hoạt động sản xuất kinh doanh hay dịch vụ thực sự cần vốn và có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế bị giới hạn phát triển.

Còn về phía các NHTM, trong điều kiện bình thường, nhóm này đóng vai trò như các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, các định chế trung gian tài chính, cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ, giải pháp hiệu quả cho việc điều phối nguồn vốn hay lưu thông các dòng tiền.

Tuy nhiên, tại thời điểm nền kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn như hiện nay thì các NHTM cần nỗ lực thực hiện một vai trò rất quan trọng mà không phải ai cũng biết đó là công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô của nhà nước.

Các NHTM hoàn toàn có thể chủ động đề ra giải pháp hay tích cực tham gia xây dựng cơ chế giúp hệ thống tài chính có thể bơm vốn hiệu quả.

"Trong giai đoạn này, có lẽ không một tổ chức nào có thể hiểu thị trường vốn và thực trạng hoạt động của nền kinh tế sau đại dịch hơn các NHTM" - Chuyên gia nhận định.

Chính vì vậy, việc thiết kế và thực thi các chính sách tín dụng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế có thể được xây dựng theo hướng từ dưới lên với sự tham gia của các NHTM. Trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò của những NHTM có thị phần lớn, dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài để các NHTM thực sự có động cơ đặt lợi ích của nền kinh tế lên trên lợi ích của mình.

Đồng thời, câu chuyện không phải chỉ là nới hay không nới room tín dụng mà còn là câu chuyện nới rồi tiền sẽ chảy đi đâu. Nếu nới rồi và lại ồ ạt giải ngân mà không tính đến các ngành quan trọng chưa kịp phục hồi thì việc cạn room lần sau có thể sẽ bóp nghẹt nhóm này.

Hòa An

Theo Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật