CEO Tiki nói về cái bắt tay biến Thế Giới Di Động, Shopee,... từ đối thủ thành đối tác ngay trong đại dịch

"Đây là nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sự sống và cái chết nên không có sự cạnh tranh gì ở đây cả", CEO Tiki chia sẻ.

Tối 14/10, buổi Open Talks #3 với chủ đề: "Mặt trời" ló dạng nơi đâu?" đã được tổ chức bởi Vietnam CEO Forum và Hội doanh nhân trẻ TP HCM, có sự tham gia của ông Trần Ngọc Thái Sơn, Founder và CEO Tiki.

Từ đối thủ thành đối tác

Chia sẻ về quá trình chiến đấu của Tiki để đón "ánh mặt trời" ngay trong đại dịch COVID-19, ông Sơn cho biết: "Mọi người thường nghĩ khi đại dịch bùng phát, các công ty online hay những sàn thương mại điện tử sẽ có lợi. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Chắc chắn đây là những trải nghiệm mà chúng tôi không muốn gặp lại".

Trong mùa dịch, sẽ có những thay đổi nhất định về nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng. Thậm chí, số lượng đơn hàng tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, số lượng nhân viên Tiki phải nghỉ ở nhà vì giãn cách xã hội tương đối cao, qua đó không thể phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Ngoài ra, các kho bãi Tiki mặc dù được nhà nước ưu tiên không phải thực hiện 3T (3 tại chỗ), nhưng vẫn có những kho bãi phải đóng cửa, đồng thời chuỗi cung ứng cũng phải phụ thuộc khá nhiều vào các đối tác bên ngoài. Vì vậy, việc vận hành xuyên quốc gia của Tiki gặp khá nhiều khó khăn.

Ông Sơn nhận định đại dịch cũng là thời điểm để các doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Theo lãnh đạo Tiki, dù doanh nghiệp bán bất cứ hàng hóa gì hay cung cấp dịch vụ nào, việc chuyển đổi số ít nhiều sẽ giúp ích quá trình vận hành của công ty trong những thời điểm bất ngờ như đại dịch COVID-19.

"Từ xưa đến nay, Tiki chú trọng vào công nghệ. Trước khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đầu tư vào hệ thống robot. Nhiều người khi đó còn hỏi rằng: Dùng robot để làm gì? Còn lâu mới đến thời điểm dùng.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy. Chúng tôi đánh giá đã đến thời điểm để đầu tư những mảng như vậy. Do đó, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, chúng tôi không đến nỗi phải "bó tay", ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, ông Sơn chia sẽ không chỉ Tiki, mà những đối thủ trong ngành như Lazada, Shopee, Giao Hàng Nhanh,… đều chung tay làm việc, học hỏi kinh nghiệm để lưu trữ hàng hóa tươi sống, vận hành kho bãi trước khi có đợt bùng phát gần đây, qua đó có kinh nghiệm nhất định để vận hành trong mùa dịch.

Trong hai năm qua, ông Sơn cho biết ưu tiên số 1 của Tiki là tăng cường năng lực phục vụ khách hàng. Tiki cũng thay đổi quan điểm từ cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ sang phục vụ họ, có thể thấy rõ ràng nhất là trường hợp của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động. "Đây là nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sự sống và cái chết nên không có sự cạnh tranh gì ở đây cả", CEO Tiki chia sẻ.

Vẫn ấp ủ tham vọng IPO Tiki

Ông Sơn chia sẻ rằng trước khi đại dịch bùng phát, các nhà đầu tư nước ngoài đã có những cái nhìn tích cực về Việt Nam. "Việt Nam như một ngôi sao sáng của khu vực, chỉ sau Indonesia.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở nước ta rất tốt, nhanh nhạy. Thậm chí, nguồn vốn đầu tư đổ vào nước ta có thể còn cao hơn trong nửa đầu năm nếu không có đại dịch COVID-19", ông Sơn chia sẻ.

Thực tế, niềm tin của nhà đầu tư trong vài năm qua ngày càng tăng lên. Vì vậy, bất kể doanh nghiệp online hay offline, chỉ cần tăng cường áp dụng công nghệ, khả năng phục hồi sẽ càng nhanh.

Ông Sơn cho biết tầm nhìn Tiki sẽ không thay đổi sau đại dịch. (Ảnh: Tiki).

Ngoài ra, Việt Nam hiện nay có những doanh nghiệp vươn tầm thế giới trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như blockchain. Theo ông Sơn, đó vừa là hình mẫu, vừa là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực hơn nhằm phát triển theo hướng mới.

Nhận được câu hỏi từ bà Trương Lý Hoàng Phi – Phó Chủ tịch YBA về việc liệu rằng Tiki có tận dụng những cơ hội sẵn có để tiến thêm những bước mới, chẳng hạn như IPO hay không, ông Sơn trả lời:

"Thực ra các doanh nghiệp sẽ không vịn cớ COVID-19 để thay đổi định hướng kinh doanh. Một doanh nghiệp không thể ngay lập tức thay đổi, chuyển qua lĩnh vực khác. Chuyện đó rât khó, và lãnh đạo cần kiên định. Vì vậy, tầm nhìn Tiki vẫn như vậy, không có chuyện thay đổi. Còn chuyện IPO đã là ước mơ của tôi từ 10 năm trước, khi doanh nghiệp mới chỉ có vài ba người".

Đại dịch giúp ngành bán lẻ đi nhanh gấp đôi

Thực tế, đại dịch đã thay đổi xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Từ việc chủ yếu mua hàng offline, nhiều người đã chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng hoặc sàn thương mại điện tử.

Ông Sơn cho biết đại dịch thực ra chỉ đẩy nhanh tốc độ của sự chuyển dịch qua các kênh bán lẻ. Tại Việt Nam, cơ cấu bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại vẫn là những kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa,…

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ bán hàng truyền thống sang các mô hình bán lẻ hiện đại, online, online mới. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng với một số mặt hàng như hàng tươi sống, y tế,… phải mất tới 10 năm để chuyển dịch hình thức này khi chưa có COVID-19 thì nay chỉ mấy khoảng 5 năm.

Dự báo về xu hướng phát triển sau đại dịch, ông Thái Sơn nhận định sẽ có thái cực khác nhau của khách hàng khi bước vào trạng thái bình thường mới: Nhóm thứ nhất, những người sẽ ngay lập tức đặt lịch đi chơi, đi mua sắm, thỏa mãn nhu cầu đã bị dồn nén bấy lâu bởi dịch COVID-19 và nhóm thứ hai, những người tiết kiệm, thường rơi vào những lao động vùng quê.

Vì vậy, ông Sơn khẳng định tất các các nhóm ngành nghề đều có những cơ hội mới và doanh nghiệp có thể dựa những phân tích về nhóm khách hàng để đưa ra những chiến lược dài hạn và ngắn hạn phù hợp, mặc dù các xu hướng dài hạn vẫn còn tương đối mơ hồ.

"Trong tương lai, khách hàng sẽ có xu hướng tìm kiếm sự an toàn và rẻ hơn. Ở đâu cung cấp những thứ như vậy? Chỉ có thể sử dụng công nghệ để làm điều này, bất kể là doanh nghiệp lớn hay nhỏ", CEO Tiki khẳng định.

"Có một lĩnh vực mà tôi cho rằng có cơ hội rất lớn, đó là dịch vụ số (digital), chẳng hạn như phim, ảnh, game, bảo hiểm,… Tất cả những gì không phải là hàng vật lý", ông Sơn nói thêm.

"Những ngành càng ở trên cao, càng sớm thấy sánh sáng mặt trời. Những ngành liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin là những lĩnh vực sẽ có sự phục hồi nhanh, thậm chí trong suốt cả giai đoạn khó khăn vừa qua", lãnh đạo Tiki chia sẻ về những lĩnh vực sớm phục hồi trong trạng thái bình thường mới.

Quốc Anh

 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật