CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn: Dư địa TMĐT vẫn còn ở thị trường “ngách” nhưng rất khó cạnh tranh, muốn tồn tại phải tập trung đầu tư về “chất”

“Khó khăn lớn nhất của TMĐT hiện nay là cạnh tranh, nếu như chỉ nhìn TMĐT là xây dựng sàn bán lẻ thì hiện nay rất nhiều đơn vị đã làm tốt. C

Cái mà người tiêu dùng cần hiện nay đó là những cái khác, không lặp lại những thứ mà đơn vị cũ đã làm tốt”, ông Trần Ngọc Thái Sơn phân tích.

Theo số liệu từ Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ - B2C (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam năm 2018 ước đạt 8,06 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017.

Năm 2018, thị trường TMĐT Việt Nam cũng đón nguồn vốn khổng lồ trong và ngoài nước. Đồng thời, năm 2018 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có 5 đơn vị lọt vào top website TMĐT có lượng truy cập lớn nhất Đông Nam Á. Điều này cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam đang bùng nổ và sôi động. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu thị trường này còn dư địa để startup có thể phát triển?

Cần có sự khác biệt và chọn thị trường "ngách"

Tại talk show "Cơ hội nào cho startup tham gia lĩnh vực thương mại điện tử?" do Vnexpress tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập kiêm CEO Tiki nhận định: "Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn với 100 triệu dân, dân số trẻ, mua sắm nhiều. Hàn Quốc hay Đài Loan thì dân số của họ ít hơn và độ tuổi tiêu dùng trung bình của người Việt Nam là khoảng 30, trong khi các quốc gia đó là 40. Đây chính là sự khác biệt.

Một điều nữa hiếm  thấy là Việt Nam và Indonesia là 2 quốc gia có những trang TMĐT cạnh tranh nội địa rất dữ dội, không thua kém những đại gia như Alibaba. Những quốc gia khác là không có chuyện đó".

Theo CEO Tiki, hiện nay, trên thế giới đã có những mô hình chuyên sâu phục vụ người dân nội địa, chẳng hạn như khu vực nông thôn hoặc phục vụ những nhu cầu rất chuyên biệt như về thời trang. Tương tự như vậy, ở Việt Nam, sớm hay muộn cũng có những startup làm điều này.

Vậy với những startup có tham vọng cạnh tranh trực tiếp với những "ông lớn" trong ngành thì còn cơ hội nào cho họ hay không?

"Sẽ luôn có những người có thể làm tốt hơn và cơ hội thường đến từ một góc nhìn rất mới. Có thể người thay đổi TMĐT không phải công ty làm TMĐT mà có thể đến từ một công ty làm mạng xã hội, một công ty làm phần mềm cho doanh nghiệp chẳng hạn?", CEO Tiki nói.

Vị này dẫn chứng, Alibaba, Amazon hiện nay cũng những đối thủ đáng gờm. Còn Pindoudou của Trung Quốc là một mô hình mới, với phương thức mua chung cũng đã thách thức Taobao. Có nhiều mô hình mới đang trỗi dậy.

CEO Tiki cũng đưa ra lời khuyên, nếu muốn lấn chân vào lĩnh vực TMĐT startup nên chọn thị trường và có tầm nhìn đủ lớn. Đồng thời, cũng phải tìm ra thị trường ngách để tạo sự khác biệt và ít cạnh tranh.

Cạnh tranh gay gắt, để có thể tồn tại cần đầu tư và "chất"

Ông Trần Ngọc Thái Sơn nhận định: "Hiện nay, phát triển TMĐT tập trung vào 4 xu hướng quan trọng đó là: hàng hóa, giá cả, chất lượng và dịch vụ chăm sóc".

Theo lời vị này, thứ nhất là xu hướng về hàng hóa, nếu như trước đây không ai nghĩ có thể bán ô tô trên các trang TMĐT, thì giờ đây đã làm được điều đó, hàng hóa cần đa dạng và phong phú. 

Thứ hai, giá cả trên TMĐT lúc nào cũng tốt hơn mua tại các cửa hàng vật lý. 

Thứ ba, hàng hóa trên TMĐT chất lượng hơn vì có sự cạnh tranh. 

Thứ tư là dịch vụ chăm sóc khách hàng, giờ đây, giao hàng và đổi trả đã có những bước tiến nhảy vọt.

Tiềm năng, dư địa thì vẫn còn tuy nhiên cuộc chiến của TMĐT rất khốc liệt. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các ông lớn hay startup đều phải phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho riêng mình. CEO Tiki cho rằng: "Quan trọng là mình mang lại cái gì cho người dùng".

Theo vị CEO này, để mang lại lợi ích cho người dùng hiện nay thì công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần phải có kỹ sư giỏi. Doanh nghiệp nào thu hút được nhiều nhân tài giỏi sẽ xây dựng được sự khác biệt trong công nghệ của mình.

Như hiện nay, Tiki đang tập trung vào xây dựng công nghệ tự động hóa kho bãi, giao hàng nhanh và công nghệ chống hàng giả. Bên cạnh đó, thì có những doanh nghiệp khác xây dựng công nghệ giúp người bán bán được hàng thật nhanh. Mỗi doanh nghiệp đều có những chiến lược riêng, tuy nhiên, chung quy lại vẫn cần tập trung vào 4 yếu tố đã nêu trên.

CEO Tiki tiết lộ rằng: "Hiện nay, các công ty TMĐT đầu tư rất nhiều vào marketing. Chúng ta đều thấy quảng cáo và giảm giá là hai chiến lược mà các trang TMĐT thường xuyên sử dụng. Đây là những phương pháp nhanh chóng để thu hút khách hàng và có được doanh thu lớn.

Tuy nhiên, khi bắt đầu thì có thể sử dụng chiến lược này còn về lâu về dài, để có thể tồn tại thì cần đầu tư về "chất", hàng hóa phải chất lượng, dịch vụ tốt và giao hàng nhanh".

Vị CEO này cũng khẳng định, TMĐT là một lĩnh vực khó cạnh tranh vì biên lợi nhuận thấp. Không giống như bất động sản hay tài chính, biên lợi nhuận cao còn đối với bán lẻ thì biên lợi nhuận chỉ có hơn 1%. Để sống sót thì phải rất tiết kiệm và chi ly. Thường các doanh nghiệp TMĐT ở giai đoạn đầu chưa có lời ngay, biên lợi nhuận thấp nên đòi hỏi khả năng xoay sở và tiết kiệm cao.

"Khó khăn lớn nhất của TMĐT hiện nay là cạnh tranh, nếu như chỉ nhìn TMĐT là xây dựng sàn bán lẻ thì hiện nay rất nhiều đơn vị đã làm tốt. Cái mà người tiêu dùng cần hiện nay đó là những cái khác, không lặp lại những thứ mà đơn vị cũ đã làm tốt", ông Trần Ngọc Thái Sơn phân tích.

Theo: Khởi Minh - Trí Thức Trẻ

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật