Trước Adayroi, đây là một loạt các trang thương mại nổi tiếng khác cũng bất ngờ rời khỏi thị trường
Ngày 17/12, nhiều nhà cung cấp đang có hợp tác hoạt động trên sàn thương mại điện tử Adayroi.com bất ngờ nhận được thông báo của Vincommerce về việc dừng bán hàng trên sàn này. Vingroup cho biết "mong muốn đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới" nên tạm ngừng toàn bộ hoạt động bán hàng trên website Adayroi kể từ 18h hôm qua.
Dù vậy, các nhà cung cấp cũng cho biết thông tin họ nhận được là sàn Adayroi không hẳn dừng hoạt động mà chỉ tạm ngưng để chuẩn bị hạ tầng cho một thương vụ sáp nhập/mua lại. Theo số liệu của nền tảng tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá iPrice, lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6-7 triệu lượt/quý, đứng sau các tên tuổi lớn khác trong ngành như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc một trang thương mại điện tử nào đó bất ngờ dừng cuộc chơi đã không còn là câu chuyện hiếm.
Ví dụ như cuối quý I/2019, sàn thương mại điện tử thời trang Robin Online, tiền thân là Zalora, cũng bất ngờ tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng. Theo số liệu của iPrice, trong quý IV/2018, Robins.vn website thương mại điện tử về thời trang có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt mỗi tháng.
Kể từ thời điểm đóng cửa, Zalora đã gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam được 7 năm, và 3 năm trước bị thâu tóm về tay của đại gia Thái Lan – Central Group. Central Group đã mua lại Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim từ năm 2016, đổi tên sàn thương mại điện tử này thành Robins, đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống của tập đoàn.
Ở thời điểm đóng cửa, Robins Online khiến nhiều khách hàng cảm thấy cực kỳ bất ngờ và hụt hẫng. Một số khác cũng tỏ ra lo lắng về phương án xử lý số tiền ảo vẫn nằm trong ví điện tử của trang này. Phía Robins Online sau đó đã hoàn lại tiền cho khách hàng vào tài khoản ngân hàng và sau thời điểm đóng cửa, bộ phận chăm sóc khách hàng vẫn hoạt động để hỗ trợ.
4 tháng trước động thái đóng cửa của Robins Online, thị trường cũng đón nhận một tin khá bất ngờ đến từ Vuivui.com. Trang này chính thức bị đóng cửa vào 27/11/2018, thay vào đó là trang bán hàng của Bách hóa Xanh (bachhoaxanh.com) - một thành viên của Thế giới Di Động phục vụ việc bán lẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày.
Vuivui.com là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng), được Thế giới Di động thành lập từ năm 2017. Từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, kỳ vọng có thể đạt doanh thu vượt chuỗi cửa hàng Thế giới Di động sau 5 năm. Công ty này cũng không giấu tham vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử với đích đến vào năm 2020, cùng với đó là kế hoạch trở thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên năm 2017 của công ty, doanh thu trong năm của kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com chỉ dừng ở mức khiêm tốn 73 tỷ đồng. Con số này chỉ tương đương khoảng 0,1% tổng doanh thu của Thế giới Di Động trong năm 2017. Sau 2 năm hoạt động, trang thương mại điện tử của Thế giới Di Động đã đóng cửa khi mới đi chưa được nửa chặng đường đề ra theo kế hoạch ban đầu.
4 năm trước, trang Beyeu.com của Project Lana cũng đã gây sốc cộng đồng khi ra đi và để lại lời nhắn nhủ "đau thương" dành cho những "người chơi" ở lại. Họ viết: "Ecommerce requires lots of money. Many companies will decide to stop burning. Good luck to the rest who are still trying". Tạm dịch: "Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng".
Beyeu.com thuộc một dự án do webtretho kết hợp với quỹ đầu tư IDG đầu tư. Dù có nền tảng hậu thuẫn rất mạnh như vậy, nhưng kết quả vẫn là sự thất bại. Tại thời điểm đó, Project Lana - vốn dĩ được phát triển từ cộng đồng Webtretho – có lượng thành viên lên tới hơn 1 triệu, được biết tới là website dành cho phụ nữ lớn nhất Việt Nam.
Đội ngũ quản lý của Project Lana đã lần lượt mở ra 3 website TMĐT là Lamdieu, Beyeu và Foreva tương ứng với các mặt hàng thời trang - mỹ phẩm, đồ trẻ em, đồ lót. Tuy nhiên, thị trường TMĐT luôn khốc liệt và cần rất nhiều vốn, trong khi ai cũng hiểu rằng, tại thời điểm đó Project Lana đã cạn kiệt về tài chính và dẫn tới đóng cửa.
TIN CŨ HƠN
- Adayroi.com ngừng hoạt động?
- Thương mại điện tử bùng nổ, Shark Bình chơi lớn đầu tư 10 tỷ đồng vào startup chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán hàng online
- Sáng kiến logistics 'chiều' người dùng thương mại điện tử
- Phó Tổng giám đốc Sendo: Chúng tôi tăng trưởng gấp 3 một năm, nếu cắt bỏ hết chi phí về phát triển người dùng thì Sendo có lãi rồi
- Số nhà bán hàng Việt trên Amazon tăng nhanh hàng đầu châu Á
- Lazada, Shopee so kè trong cuộc đua bán hàng trên di động
- Tăng trưởng 30%/năm nhưng doanh thu TMĐT tại Việt Nam hiện chỉ đạt 4% tổng mức bán lẻ hàng hoá
- Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, cơ hội cho Viettel Post bứt phá?
- Joolux - nền tảng thương mại điện tử cho hàng hiệu
- Tăng trưởng thương mại điện tử thúc đẩy Viettel Post?