Chàng trai lên Shark Tank bán dừa bật nắp: Sang Mỹ du học nửa năm thì phụ huynh cắt trợ cấp, phải dọn vệ sinh để kiếm tiền, bố mẹ từng thất vọng vì cho ăn học đàng hoàng mà cứ làm "linh tinh"

Khi Lộc qua Mỹ học được 6 tháng, tưởng ba mẹ chỉ dọa cắt tiền trợ cấp, nhưng phụ huynh đã... làm thật.
Chàng trai lên Shark Tank bán dừa bật nắp: Sang Mỹ du học nửa năm thì phụ huynh cắt trợ cấp, phải dọn vệ sinh để kiếm tiền, bố mẹ từng thất vọng vì cho ăn học đàng hoàng mà cứ làm "linh tinh"
 

Nguyễn Tấn Lộc, sáng lập thương hiệu Cocolala, đem đến chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 với sản phẩm dừa bật nắp. Sau quá trình thương thuyết, Lộc cùng với người bạn cố vấn Hồ Diễm Phượng đã thuyết phục được Shark Thái Vân Linh rót 2 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần, mỗi tháng, shark sẽ rút lại 30% doanh số bán ra, đến khi hết 2 tỷ đầu tư thì cổ phẩn giảm xuống còn 15%. 

Sinh năm 1988, chàng thanh niên quê ở Châu Thành, Bến Tre, hiện sống với cha mẹ tại TP HCM. Trước khi làm dừa bật nắp, Tấn Lộc từng khởi nghiệp nhiều lần như sản xuất và bán online áo cho dân đua xe hay làm bánh cho các sự kiện khai trương... Trong câu chuyện kể lại về hành trình khởi nghiệp của mình từ những ngày đầu tiên sống trên đất Mỹ cho tới khi xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam, một trong những chi tiết gây chú ý với chúng tôi là cách dạy dỗ và "huấn luyện" con cái của cha mẹ chàng trai này.

Năm 18 tuổi, ba mẹ tôi cắt trợ cấp sau 6 tháng tôi qua Mỹ du học. Tôi “đói quá” nên đi dọn vệ sinh kiếm tiền

“18 tuổi, tôi du học bên Mỹ, ngành Quản lý khách sạn. Ba mẹ tôi nói là sau 6 tháng chu cấp tiền ăn ở bên đó để tôi quen sẽ cắt khoản này, học phí thì vẫn cho. Tôi nghĩ: Chắc phụ huynh đùa thôi, sao cắt tiền đó được”.

“Sau 6 tháng, ba mẹ tôi cắt viện trợ thật. Tôi bắt đầu đi làm”, Tấn Lộc nhớ lại.

Theo lời của Lộc, thấy Lộc đang kiếm việc, một chị bạn quan biết đã giới thiệu Lộc dọn nhà vệ sinh cho một công ty ở Mỹ. Thời gian làm từ 23h đến 3h sáng ngày hôm sau vì khi đó, nhân viên nghỉ nên thuận tiện cho việc dọn vệ sinh.

Làm vệ sinh cho công ty bên Mỹ từ 23h đến 3h ngày hôm sau. Công việc không được sạch sẽ lắm nhưng tôi đói quá nên phải kiếm tiền.

“Công việc không được sạch sẽ cho lắm. Nhưng tôi đói quá nên phải làm để kiếm tiền”, Lộc vừa nhớ lại những ngày tháng vừa học vừa làm bên Mỹ. Nhưng nhờ những trải nghiệm và sự chăm chỉ, Lộc đã tích lũy được tiền cho riêng mình.

Một lần khác, Lộc kể rằng khi du học, bố mẹ có cho Lộc tiền mua xe. Và Lộc đinh ninh nghĩ rằng đó là xe của mình vì bố mẹ cho mình rồi. Học xong, Lộc bán chiếc xe rồi về nước.

Khi trở về Việt Nam, một ngày đẹp trời mẹ hỏi Lộc.

- Mẹ: Tiền đâu Lộc?

- Lộc: Dạ, tiền gì ạ?

- Mẹ: Tiền bán xe.

- Lộc (ấp úng): Ơ, ơ

Sau một hồi “ơ ơ”, Lộc phải gửi lại mẹ “thứ” mà cậu từng nghĩ thuộc về mình.

Lần xin việc đầu tiên tại một khách sạn ở TP HCM năm 2010, Lộc thất bại vì bất đồng quan điểm. Nhà tuyển dụng. Họ cho rằng Lộc nói nhỏ quá, còn Lộc thì cho rằng nói nhỏ không phải là yếu tố quyết định đến việc phục vụ ở một khách sạn, quan trọng là thái độ và cách phục vụ.

Sau lần phỏng vấn đó, Lộc quyết định khởi nghiệp. Cậu thích áo phông "hầm hố" mà kiếm ở Việt Nam vừa khó vừa đắt. Lộc bắt đầu tìm cách sản xuất và in áo phông bán cho dân đua mô tô. Những đồng tiền từ thuở đi dọn vệ sinh lúc nửa đêm, rồi đi bồi bàn ở các khách sạn hồi ở Mỹ đã giúp cậu có tiền để tự khởi nghiệp.

"Học phí" từ lần mua vải, in ấn... đều rất đắt. Lộc đi chợ Tân Bình, bị bán cho vải kém chất lượng, lỗ cả chục triệu... Cứ như vậy, ngã đâu lại đứng lên ở đó, Lộc đi qua những ngày khởi nghiệp đầu tiên với những bài học đến từ môi trường "chợ búa" như vậy.

"Bố mẹ có hỗ trợ tài chính cho Lộc khi bạn khởi nghiệp sản xuất và bán quần áo không?", tôi hỏi. Lộc đáp: "Bố mẹ đâu có ủng hộ tôi khởi nghiệp mà cho tiền, phụ huynh muốn tôi làm việc trong một tổ chức, công ty có tên tuổi nào đó".

Chàng trai lên Shark Tank bán dừa bật nắp: Sang Mỹ du học nửa năm thì phụ huynh cắt trợ cấp, phải dọn vệ sinh để kiếm tiền, bố mẹ từng thất vọng vì cho ăn học đàng hoàng mà cứ làm linh tinh - Ảnh 2.
 

Ba mẹ từng thất vọng vì tôi vì cho con ăn học đàng hoàng mà Lộc toàn làm những thứ “linh tinh”

Những ngày Lộc làm quần áo bán online cho dân chơi xe máy, sự khó chịu của ba mẹ càng lúc càng nhiều hơn khi nhìn thấy khách đến nhà  nhận hàng.

“Khách xăm mình, đeo bông tai hầm hố đến nhà tôi ở TP HCM mua hàng. Ba mẹ tôi bắt đầu cấm vì không thích điều đó. Ba mẹ mong muốn tôi tìm được một công việc ổn định tại một cơ quan nào đó. Rồi tôi thuyết phục rằng: Giờ con không bán ở đây thì biết bán ở đâu. Ba mẹ chấp nhận nhưng tỏ thái độ không thích”, Lộc kể lại tình cảnh của mình 8 năm trước.

Thời điểm đó, ba mẹ rất thất vọng về Tấn Lộc khi "cho con ăn học đàng hoàng" nhưng khi về nước thấy con trai toàn làm những công việc “linh tinh”.

Nhưng vài năm sau, cậu con trai của họ vẫn chưa vào một công ty "đàng hoàng" nào hết. 

Sau dự án bán áo phông in hình cho dân đua xe, Lộc bén duyên với nhiều công việc khác như trang trí tiệc, làm đường từ sáp dừa và sau này là làm dừa bật nắp. 

Thích nấu ăn, làm bánh từ nhỏ lại tận dụng trong thời gian học ở Mỹ, thỉnh thoảng Lộc lại xin vào khu nấu ăn dành cho người Mỹ và Mexico để "học lỏm" nên Lộc cũng tích lũy được ít nhiều. Một lần làm bánh cho đám cưới của một người bạn. Người đến dự đám cưới thấy "ưng mắt" những kiểu bánh nhỏ xinh trên bàn tiệc nên đã nhờ kết nối với Lộc để nhờ Lộc làm cho họ. Cậu thanh niên này sau đó được giao việc thiết kế bàn tiệc cho nhiều sự kiện khai trương các cửa hàng thời trang của vị khách kia.

Rồi Lộc lại thấy Thái Lan, Philippines bán đường làm từ sáp dừa với giá cao ngất ngưởng, cậu lại một mình đi lại ngược xuôi TP HCM - Bến Tre để tìm nguyên liệu. Nhiều nông dân nói với Lộc "Mầy bị điên à, sao tao có thể cắt hoa dừa lấy sáp đưa cho mầy?" khi cậu đến hỏi mua hoa dừa để lấy sáp...

Sau đó Lộc làm dừa tươi bật nắp, cũng trả "học phí" nhiều lần, từ chuyện vận chuyển hàng ra Hà Nội bị mốc nguyên cả thùng, rồi đối tác đánh tráo dừa khiến sản phẩm của cậu kém chất lượng... Sản phẩm dừa tươi bật nắp của Lộc đã được bán ở nhiều kênh, trong đó có cửa hàng tiện lợi như Circle K, các khách sạn lớn. Cậu nói đang thương thảo với Jetstar để đưa dừa lên máy bay...

Ba mẹ đã tin tôi hơn nhưng chưa khen tôi câu nào

Bố mẹ Lộc giờ đã tin cậu con trai của mình hơn, nhưng theo lời Lộc, phụ huynh "chưa khen tôi câu nào". Nhưng trong từng lời nói, dù không khen, vẫn là tình thương bao la của cha mẹ, để Lộc cố gắng từng ngày.

Cách đây vài tuần, TV phát sóng thương vụ Lộc gọi vốn trên Shark Tank. Cha mẹ đã ghi nhận những nỗ lực của con trai nhưng vẫn là "kiểu nói" riêng riêng của cha mẹ Lộc. 

"Ba mẹ chỉ nói mỗi câu: Mày không có chị Phượng thì mày chết chắc rồi Bin (tên Lộc ở nhà - PV) ơi! Bố mẹ vừa nói vừa cười. Trong lời nói của bố mẹ, ánh mắt của bố mẹ, tôi thấy sự động viên ở trong đó, dù không khen", Lộc tâm sự.

Lộc đã khởi nghiệp nhiều dự án và tiết lộ, từ giờ tới cuối năm cậu sẽ có thêm một sản phẩm nữa liên quan đến nông nghiệp. “Còn máu nên tôi còn làm. Tôi sợ khi nhiều tuổi hơn, sự nhiệt huyết sẽ giảm xuống”, Lộc nói khi chúng tôi sắp chia tay.

Lan Đỗ. Thiết kế ảnh: Xuân Trần

Theo: Trí Thức Trẻ

 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật