Cơ hội xuất khẩu thông qua kênh bán lẻ
Triệu đô cho hàng Việt
Hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ đã hiện diện tại nhiều nước ở châu Á. Chẳng hạn như hàng Việt đã thông qua kênh phân phối của Tập đoàn Aeon đã có mặt tại Nhật Bản với một số lượng khá lớn. Theo ông Shibat Eiji - Trưởng Phòng Kinh doanh và Hậu cần Tập đoàn Aeon, năm 2017, thông qua Aeon, đã xuất khẩu gần 250 triệu USD hàng Việt sang Nhật Bản, trong đó 70% là hàng dệt may, riêng mặt hàng cá tra đạt 1.500 tấn với kim ngạch 9 triệu USD. Hiện hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại 14.000 của hàng Aeon tại châu Á và Nhật Bản. Aeon đang có kế hoạch nâng hàng hóa của Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.
Cùng với hàng hóa qua Nhật, đã có khoảng 50 sản phẩm Việt Nam có mặt ở các siêu thị thuộc Central Group tại Thái Lan. Thông qua Big C Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, tập đoàn này đã nhập 46 triệu USD hàng hóa Việt mỗi năm và đang đẩy con số này lên nhiều hơn, nhất là hàng dệt may, nông sản.
Hay như MM Mega Market sau khi thuộc về Tập đoàn BJC đã thành lập 4 trung tâm mua nông sản ở Việt Nam. Hiện kênh phân phối này xuất khẩu nhiều mặt hàng đặc trưng của Việt Nam như cá basa, thanh long, khoai lang... Trong năm 2017, MM Mega Market đã xuất khẩu hơn 1.200 tấn thanh long và một số mặt hàng nông sản khác. Doanh nghiệp này đang phấn đấu mỗi tuần xuất 10 container hàng hóa Việt Nam sang các nước. Ông Phidsanu Pongwatana - Tổng giám đốc Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Ngay sau khi nhận được giấy phép xuất khẩu, chúng tôi đã xúc tiến tìm hiểu nhu cầu của đối tác tại Thái và tìm kiếm các mặt hàng trong có lợi thế cạnh tranh để cung ứng. Điều này không chỉ mang lại nguồn hàng phong phú cho hệ thống Big C Thái Lan mà còn hỗ trợ được nông dân Việt Nam đưa sản phẩm nông sản chất lượng cao ra các nước trong khu vực”.
Góp phần đáng kể vào việc đưa hàng Việt xuất ngoại, mỗi năm, Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của Co.opmart) mỗi năm xuất khẩu hàng triệu USD hàng hóa đến Singapore. Chỉ riêng với bưởi, thanh long, khoai lang, mỗi năm đơn vị này đã mang về kim ngạch gần 2 triệu USD.
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hai nhà bán lẻ có vốn FDI ở Việt Nam là Big C (thuộc Central Group) và Aeon (thuộc Tập đoàn Aeon) đã ký với Bộ Công Thương về việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam cũng như thu mua xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á. “Hiện nay, đã có nhiều siêu thị Việt Nam tại nước ngoài hoạt động hiệu quả. Vì vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể phối hợp, kết nối qua kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam đến các nước” - bà Lê Việt Nga chia sẻ.
Tiếp cận trong nước trước
Cơ hội hàng Việt xuất khẩu qua kênh bán lẻ là rất lớn. Tuy nhiên, muốn hàng Việt xuất ngoại, trước tiên hàng hóa phải thâm nhập được vào các hệ thống siêu thị tại Việt Nam.
Bà Lê Mai Linh - Phó chủ tịch Điều hành - Quan hệ đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam cho rằng, muốn xuất khẩu được nhiều hàng hóa, doanh nghiệp cần phải cải thiện mẫu mã, bao bì, cách trưng bày để truyền tải thông điệp thương hiệu và chú trọng tín hiệu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Theo đại diện Aeon, hiện nay, doanh nghiệp này có gần 2.700 nhà cung cấp hàng hóa Việt Nam, hơn 80% sản phẩm được bán tại các trung tâm thương mại Aeon là hàng sản xuất trong nước. Đến nay, Aeon đã có 4 trung tâm tại TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội. Và dự kiến, đến cuối năm nay sẽ khai trương thêm trung tâm tại Hà Nội và Hải Phòng.
Chia sẻ về tiêu chuẩn hàng Việt vào hệ thống Aeon, ông Ikeda Masahito - bộ phận chất lượng của Tập đoàn cho rằng, doanh nghiệp phải cải tiến hàng hóa để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu của Aeon. Cụ thể, phải đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội về nhân quyền, điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn đánh giá nhà máy về trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm Aeon.
Nhật Bản là thị trường khó tính, vì thế, để đưa hàng vào thị trường này, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe cả về kỹ thuật, chất lượng, mẫu mã và đơn giá. Để đạt được các yêu cầu đó, ngoài việc nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cấp vể dây chuyền sản xuất, quy mô nhà xưởng, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng sản xuất và sản phẩm.
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thông qua kênh bán lẻ, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, hệ thống siêu thị trong nước và của các tập đoàn nước ngoài là một kênh tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp Việt và việc kết nối này cần được đẩy mạnh, vì hệ thống các siêu thị này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực và thế giới. Vì thế, cơ hội cho hàng Việt đi xa là rất lớn.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Bán hàng online lên ngôi, tại sao vẫn cần cửa hàng offline hiện diện? Đây là lý giải của doanh nhân Lý Quí Trung
- Để “Make in Vietnam” thành công, điều kiện đủ là thị trường Việt cần yêu sản phẩm nội địa
- Muốn thành công, doanh nghiệp nên lựa chọn ngành sản xuất, kinh doanh nào?
- Chủ tịch Unilever Việt Nam: Trong lĩnh vực marketing, công nghệ là cơ hội hay thách thức tùy vào sự lựa chọn của bạn, và data chính là "nhiên liệu" cho tương lai
- Chủ tịch Thế giới Di động: Rất dễ để một nhân viên đuổi một khách hàng đi và cũng rất dễ để có khách hàng, tất cả đều xuất phát từ yếu tố này
- Cửa hàng tiện lợi thay đổi hành vi người tiêu dùng tại Việt Nam như thế nào?
- Lỗ hổng pháp lý khiến nông sản nhập khẩu đua nhau “đội lốt” hàng Việt
- Vì sao nông sản Việt chưa được quan tâm đăng ký bảo hộ?
- Trồng lúa hữu cơ: Cần sự tham gia của nhà phân phối
- Ra đường có thể quên ví chứ không được phép quên điện thoại di động, giới trẻ và Tencent cùng Alibaba đang dẫn dắt cuộc cách mạng không tiền mặt bùng nổ ở Trung Quốc