“Công thức thành công” cho Bách hóa Xanh
Một tối cuối tuần tại cửa hàng Bách hoá Xanh đối diện chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận, TP.HCM) khách vào khá đông. Trái ngược với khu chợ đóng cửa, tắt đèn vào buổi tối, cửa hàng bách hoá của Thế Giới Di Động đèn sáng rực, khoảng chục khách lựa hàng hoá trong không gian gần 100 m2 cả tầng trệt và lửng. Giữa khu chợ vốn thường ngày đông đúc nhưng ban đêm im ắng, cửa hàng của Thế Giới Di Động rộn ràng nhất.
Tại cửa hàng này, Bách hoá Xanh trưng bày cả đồ khô, đồ đóng gói, rau củ lẫn một quầy tươi sống với các loại hải sản bơi lội. Ở quầy thu ngân có khoảng vài nhân viên đang tính tiền cho khách, trong khi đó một nhân viên nữ khác rảo bước ở tầng trệt để tư vấn cho khách khi cần.
Trong lúc khách mua sắm và nhân viên thu ngân bận bịu, chiếc loa bên trong cửa hàng liên tục phát các bài vè, các đoạn quảng cáo. Khách mua sẽ nghe loáng thoáng các câu “giá rẻ hơn ngoài chợ lại an toàn”, “rau mồng tơi ở chợ 20 ngàn một ký, Bách hoá Xanh 16 ngàn một ký…”, “thịt tươi cá sống giảm sốc không phanh... mua gì cũng có”.
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết cửa hàng này có doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng tháng, gần gấp đôi so với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách hoá Xanh hiện vào khoảng 800 triệu đồng/tháng.
Sau khi mở đến hàng trăm cửa hàng, Bách hoá Xanh bắt đầu nhận ra những cửa hàng nằm ở mặt tiền trục đường lớn thường thu hút khách, như cửa hàng trên đường Lê Trọng Tấn (Bình Tân), cửa hàng ở Nguyễn Thượng Hiền (Gò Vấp), hay cửa hàng ở đường Trần Hữu Trang này.
Trước đây, Bách hoá Xanh thử nghiệm nhiều cách khác nhau, trong đó chú ý mở ở các đường nhỏ thọc sâu vào khu dân cư nhưng nay bắt đầu chuyển hướng mở ở các trục đường phụ lớn hơn.
Trong báo cáo kết quả doanh thu 5 tháng đầu năm 2018, Thế Giới Di Động cho biết lần đầu tiên kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, chuỗi Bách hoá Xanh vượt ngưỡng doanh thu 300 tỷ đồng/tháng.
Với 372 cửa hàng hiện diện tại 20/24 quận-huyện ở TP.HCM, chuỗi này ghi nhận doanh thu trong tháng 5/2018 đạt 324 tỷ đồng, tương đương với mức doanh thu bình quân tính cho các cửa hàng đã hoạt động tối thiểu 30 ngày đạt trên 800 triệu đồng/cửa hàng.
Từ việc chiếm 1% doanh thu tổng cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu năm nay Bách hoá Xanh chiếm 3% tổng doanh thu tập đoàn, gồm doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh (cả Trần Anh), bán hàng online.
Trong báo cáo của Thế Giới Di Động, công ty cho biết từ 47 cửa hàng cuối 2016, Bách hoá Xanh đã vươn lên là chuỗi cửa hàng mini-mart/food-store có số lượng cửa hàng lớn nhất cả nước với 283 cửa hàng tại thời điểm 31/12/2017, tương đương với tốc độ mở mới khoảng 1,5 ngày/cửa hàng trong năm 2017, sau chỉ 2 năm chính thức đi vào hoạt động.
Trong bối cảnh thị trường điện thoại di động chững lại, không tăng trưởng mạnh như trước, Thế Giới Di Động chọn Bách hoá Xanh là mục tiêu phát triển chính trong năm 2020. Do đó, việc tìm được “công thức thành công” cho chuỗi này là cực kỳ quan trọng trước khi mở rộng ra toàn quốc.
Sau 3 năm thử nghiệm và bắt đầu ghi nhận lượng khách hàng tăng lên ở các cửa hàng cụ thể, bài toán đi tìm “công thức thành công” mà các lãnh đạo Thế Giới Di Động hay nhắc đến có vẻ đã được giải phần lớn tại chuỗi Bách hoá Xanh.
Mô hình “chợ hiện đại” Bách hoá Xanh được Thế Giới Di Động đưa vào thử nghiệm cuối năm 2015. Chuỗi này chuyên bán lẻ thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng thiết yếu (“mini-mart/food- store”) với diện tích khoảng 150-300 m2, đặt tại các trục đường phụ (trên đường khách hàng đi qua khi trở về nhà nhưng không phải là các con đường thương mại sầm uất) và khu dân cư. Mỗi cửa hàng có từ 2.000 đến 3.000 mặt hàng, trong đó hàng thực phẩm tươi sống đóng góp khoảng 1/3 doanh thu.
Từ mục tiêu mở được 1.000 cửa hàng trong năm 2018, Bách hoá Xanh giảm mục tiêu xuống còn 500 nhằm tập trung vào chất lượng điểm bán. Các vị trí mở mới sẽ ưu tiên nằm ở các trục đường phụ, tại các vị trí có khả năng thu hút số lượng khách hàng đến tham quan mua sắm cao và chú trọng phục vụ khách hàng tốt hơn để đảm bảo mức doanh thu giúp cửa hàng hoà vốn và bắt đầu có lời.
Theo báo cáo của Thế Giới Di Động, sự thay đổi này đang mang lại những tín hiệu tích cực khi tất cả các cửa hàng mở mới từ thời điểm tháng 4/2018 đến nay đều đạt doanh số trên 1 tỷ đồng/ tháng.
Bách hoá Xanh cũng đang chuyển đổi một số cửa hàng chưa khai thác hết tiềm năng sang mô hình “thịt tươi, cá lội” với hơn 150 chủng loại hàng tươi sống. Số lượng khách đến mua sắm và doanh thu trung bình của các cửa hàng này cao hơn khoảng 20% so với cửa hàng thông thường.
Trong tháng 05/2018, chuỗi Bách hoá Xanh có hơn 4,5 triệu giao dịch thành công. Nếu mỗi ngày một cửa hàng hoạt động hết công suất liên tục từ 6:30 đến 21:30 (giờ mở cửa) thì cứ mỗi 2 phút có 1 giao dịch thành công.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu 2018 của Thế Giới Di Động, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.080 tỷ đồng, doanh thu online đạt 4.578 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.289 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 43% doanh thu thuần, 110% doanh thu online và 44% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2017.
Chuỗi Điện máy Xanh (bao gồm Trần Anh) đóng góp 56% doanh thu thuần của MWG, tiếp theo là chuỗi Thế Giới Di Động với 41% và chuỗi Bách hoá Xanh với 3%.
Hải Đăng
* Nguồn: ICT News
TIN CŨ HƠN
- Không chịu bán mình và bị Sunlight đánh bật khỏi vị trí số 1, Mỹ Hảo vẫn sống tốt với lợi nhuận cả trăm tỷ đồng
- Cuộc chiến giành miếng bánh gần 2 tỷ USD của trà đóng chai Việt
- Nguyễn Phi Phi Anh - Giám đốc 9x của Vintata: Chúng mình sẽ xóa bỏ định kiến về hoạt hình Việt
- Đưa phồng tôm Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể, doanh nghiệp Đồng Tháp thu về tiền tỷ mỗi ngày
- Trung Nguyên thay đổi diện mạo chuỗi cà phê
- Chuyển shop từ ngõ ngách khu dân cư ra đường lớn, bán 'thịt tươi cá lội' thay vì mổ sẵn, các cửa hàng mới của Bách Hóa Xanh đã đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng
- Doanh thu Điện máy Xanh lần đầu vượt mốc 5.000 tỷ đồng/tháng, Bách Hóa Xanh vượt điểm hòa vốn sau nỗ lực đổi mới
- Digiworld mở cửa hàng Xiaomi thứ 8 tại Việt Nam
- Bí cửa cạnh tranh với Trung Nguyên, VInacafe Biên Hòa bất ngờ tìm thấy "mỏ vàng" khi quay sang đấu với Red Bull
- Hảo Hảo và hành trình 18 năm ghi dấu ấn tại thị trường Việt