Coupang - 'Amazon của Hàn Quốc': Giao hàng trong 1 ngày, mở rộng nhanh gấp 3 lần tốc độ thị trường, bí mật nào đứng sau kỳ lân hiếm hoi của xứ sở toàn chaebol?

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nếu Mỹ có Amazon, Trung Quốc có Alibaba thì Hàn Quốc có Coupang. Đây là startup bán lẻ trực tuyến lớn nhất xứ sở kim chi với doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ đô.

Coupang thành lập năm 2010, bán hơn 120 triệu hàng hóa từ thiết bị điện tử đến thực phẩm và thậm chí còn được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc". Công ty cho biết 50% dân số nước này đã tải về và sử dụng ứng dụng di động của họ. Có lẽ đó lý do chính khiến gã khổng lồ Amazon của Mỹ vẫn chưa thể đặt chân vào thị trường Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, nơi 10 tập đoàn gia đình (Chaebol) lớn nhất nắm giữ 25% tổng tài sản của các doanh nghiệp, Coupang được coi là một startup thành công cực kỳ hiếm  hoi.

Đây là startup lớn nhất trong số sáu "kỳ lân" (công ty có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) ít ỏi của Hàn Quốc. Tuy chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể nhưng nhiều khả năng công ty sẽ IPO trong năm nay hoặc năm sau.

 

CEO Bom Kim của Coupang.

Huy động được 3,4 tỷ USD từ các quỹ mạo hiểm và được định giá 9 tỷ USD, Coupang đang là công ty thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, được đầu tư nhiều nhất và thống trị thị trường 51 triệu dân tại Hàn Quốc.

Quốc gia này hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á với nền tảng công nghệ cao phát triển. Thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc hiện lớn thứ 5 trên thế giới với giá trị thị trường lên tới 56 tỷ USD.

Trong 5 năm tới, Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành thị trường lớn thứ 3 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Điều đó sẽ là cơ hội để Coupang tiếp tục phát triển hơn nữa bởi họ vốn có lợi thế quan trọng liên quan đến khả năng kiểm soát giao hàng và dịch vụ khách hàng.

Người sáng lập và CEO của Coupang, Bom Kim cho biết 99,6% lượng đặt hàng sẽ được chuyển đến tay khách hàng trong vòng 24 giờ và hướng tới mục tiêu giảm thời gian chuyển phát trên toàn quốc xuống còn vài giờ bằng hàng triệu đầu hàng hóa trong kho của công ty.

 

Đội ngũ "shipper" chuyên nghiệp của Coupang.

Để đạt được hiệu quả đó, Coupang đã đầu tư thực sự nghiêm túc vào công nghệ và tự xây dựng hệ thống cho tới khâu cuối cùng. Họ có đội ngũ xe chở hàng riêng với 4.000 lái xe và hơn 10.000 nhân viên khác. Tuy chú trọng vào công nghệ nhưng Coupang vẫn không quên tập trung vào dịch vụ khách hàng bằng cách ghi nhận mọi giao dịch và thiết lập hồ sơ khách hàng riêng biệt. Theo Bom Kim, đầu tư vào khách hàng là một hướng đi dài hơi của công ty.

 Trước đây, Bom Kim từng bỏ học Harvard để tìm kiếm cơ hội tại quê nhà. Ban đầu, ông kinh doanh hàng giảm giá rồi chuyển sang nền tảng bán hàng như eBay. Một trong những vấn đề khiến ông đau đầu nhất là hơn nửa những lời phàn nàn của khách hàng đều đến từ khâu vận chuyển. Từ đây, vị CEO nhận ra cách để tạo sự khác biệt cho Coupang.

Dịch vụ khách hàng tốt đã giúp công ty thống trị mảng bán lẻ trực tuyến ở Hàn Quốc. Họ thường xuyên được bình chọn là công ty bán lẻ hàng đầu bởi khách hàng trẻ trong độ tuổi 20.

Tháng 4 năm ngoái, Coupang huy động được 1,4 tỷ USD trong đó 1 tỷ USD đến từ tập đoàn SoftBank của Nhật Bản. Thời điểm đó, công ty được định giá 5 tỷ USD. Và chỉ hơn 7 tháng sau, họ lại tiếp tục nhận 2 tỷ USD từ quỹ Vision Fund của SoftBank. Khoản đầu tư mới nâng mức định giá của Coupang lên 9 tỷ USD, giúp họ trở thành startup có giá trị nhất Hàn Quốc và lọt top 10 châu Á.

 
Ông chủ SoftBank, tỷ phú Masayoshi Son và Bom Kim.
 

Coupang dùng 400 triệu USD từ Sequoia và BlackRock để tăng cường hàng tồn kho với mục tiêu giao các nhu yếu phẩm như nước đóng chai, gạo hay tã bỉm cho khách hàng nhanh chóng và rẻ nhất có thể. Còn số tiền 1 tỷ USD từ SoftBank, công ty đã chi cho cơ sở hạ tầng logistics gồm xe tải chuyên dụng, nhà kho và nhân viên vận chuyển.

Các khoản đầu tư đã được sử dụng một cách hợp lý để củng cố nền tảng công nghệ của Coupang, cho phép giao hàng nhanh hơn, phát triển để hệ thống thanh toán một chạm dễ dàng hơn đồng thời tạo ra chức năng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nhiều mặt trong kinh doanh.

Năm 2017, doanh thu của công ty đạt 2,4 tỷ USD nhưng trong 5 năm qua, họ đã lỗ tổng cộng 1,7 tỷ USD vì phải đầu tư xây dựng mạng lưới vận chuyển rộng khắp. Coupang sở hữu mạng lưới chuyển phát xe tải tùy biến, các nhà kho do thuật toán điều khiển và hàng nghìn "Coupangmen"- đội ngũ giao hàng và chat với khách hàng.

Trung bình ở Hàn Quốc, một bưu kiện mất khoảng 2-3 ngày mới đến nơi nhưng với Coupang, thời gian đã giảm xuống 1 ngày hoặc thậm chí là chưa đến 1 ngày mà không mất thêm khoản phí nào. Một điều đáng chú ý nữa là người mua có thể hủy đơn hàng dù chúng đang trên đường vận chuyển hay thay đổi nơi nhận hàng vào phút chót. Đây là những điểm mà Coupang nổi trội hơn so với Amazon.

Hàn Quốc là một quốc gia lý tưởng cho thương mại điện tử với dân số giàu có và tỷ lệ tiếp cận với Internet ở mức cao. Tuy nhiên, đến nay Amazon vẫn vắng mặt tại đây có lẽ vì họ vẫn còn dè chừng sự thống trị của Coupang.

Bom Kim cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư không ngừng vào công nghệ, con người và cơ sở hạ tầng". Coupang ghi nhận khoản lỗ hoạt động lớn nhất từ trước đến nay trị giá 883 triệu USD trong năm 2018, chủ yếu do việc đầu tư lớn vào năng lực logistics của công ty. Mặc dù vậy, công ty cho biết đây là một phần của khoản đầu tư mà họ đang thực hiện để tăng doanh số.

Năm ngoái, công ty của Bom Kim đã đầu tư mạnh vào dịch vụ giao hàng siêu tốc "Rocket Delivery" và mở rộng thêm hàng triệu lựa chọn sản phẩm. Dù đã sở hữu hệ thống logistics và công cụ chuyển phát tương đối lớn nhưng Coupang vẫn tăng gấp đôi từ 12 lên 24 trung tâm trên toàn quốc.

Theo ước tính của Forbes, mức định giá mới của Coupang đã giúp CEO Bom Kim, người sở hữu 19% cổ phần công ty trở thành tỷ phú mới nhất và trẻ thứ hai Hàn Quốc ở tuổi 40.

Mục tiêu của Bom Kim là "tăng trưởng theo cấp số nhân" trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng gần 70% trong năm ngoái, vị CEO cho biết Coupang đang mở rộng với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với thị trường thương mại điện tử rộng lớn của toàn bộ đất nước Hàn Quốc. Dù tập trung khai thác thị trường Hàn Quốc, công ty này cũng có mặt tại Bắc Kinh, Los Angeles, Seattle, Thượng Hải và Thung lũng Silicon.

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…

Gia Vũ

Theo: Trí Thức Trẻ/Tổng hợp


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật