Cạnh tranh khốc liệt, bản đồ TMĐT Việt Nam lộ nhiều khoảng trống
Thấy gì từ Top 10 Việt Nam và Đông Nam Á?
Trong Top 50 doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam, nhóm 10 doanh nghiệp dẫn đầu về lượng truy cập website trong quí I/2019 lần lượt là Shopee, Tiki, Lazada, Thế Giới Di Động, Sen Đỏ (Sendo) Điện Máy Xanh, FPT Shop, A Đây Rồi, CellphoneS và Vật Giá. Như vậy trong Top 10 này tại Việt Nam theo lượt truy cập, có đến 4 website bán hàng trực tuyến thuộc về các chuỗi bán lẻ.
Đáng chú ý, lượng theo dõi trên mạng xã hội trong nhóm ba sàn TMĐT đứng đầu lại có nhiều khác biệt. Dù đứng vị trí thứ ba về lượng truy cập website nhưng Lazada có lượng theo dõi cao nhất trên mạng xã hội Facebook với hơn 28,2 triệu lượt, tiếp đến là Shopee với hơn 14,3 triệu lượt, Tiki chỉ ở mức khiêm tốn gần 2,8 triệu lượt. Chỉ số này cho thấy, lượng theo dõi trên Facebook cao có thể do việc đổ tiền chạy quảng cáo Facebook Ads. Lazada và Shopee hiển thị quảng cáo trên Facebook Ads nhiều hơn hẳn so với Tiki.
Nếu không tính các sàn TMĐT đến từ nước ngoài như Lazada, Shopee, Top 5 sàn TMĐT nội địa hàng đầu Việt Nam trong quí I/2019 chính là Tiki, Thế Giới Di Động, Sendo, Điện Máy Xanh, FPT Shop. Chỉ tiêng Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động đã có tới hai website lọt vào Top 5. Cùng với đó, Top 5 này cũng ghi nhận có tới ba website TMĐT của các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ hàng đầu Việt Nam (Thegioididong.com, Dienmayxanh.com, Fptshop.com.vn) vốn dĩ TMĐT không phải là chủ lực, chỉ chiếm từ 10-20% tổng doanh thu.
Điều này cho thấy, các chuỗi bán lẻ hàng công nghệ nhanh nhạy và thích nghi tốt hơn với phương thức bán hàng mới online từ năm, bảy năm về trước. Từ đó, họ đã xây dựng website bán hàng trực tuyến hỗ trợ cho chuỗi bán lẻ offline mang lại hiệu quả ngày một rõ rệt. Điển hình như Fptshop.com.vn doanh số bán hàng online đóng góp đến gần 20% vào tổng doanh thu, trong khi với Thegioididong.com và Dienmayxanh.com đều đóng góp trên 10% vào tổng doanh thu.
Thị trường TMĐT Việt Nam hiện không chỉ có nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều sàn TMĐT, mà còn cạnh tranh khốc liệt và phát triển rất sôi động. Cuối năm 2018, theo thống kê 10 website TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á từ iPrice, Việt Nam đóng góp tới năm cái tên, trong đó có hai cái tên đến từ nước ngoài là Lazada và Shopee, còn lại là ba cái tên doanh nghiệp Việt: Tiki, Thegioididong và Sendo.
Những khoảng trống…
Thị trường TMĐT Việt Nam trong 6 tháng đã chứng kiến sự "thất thủ" của hai "ông lớn". Đầu tiên là sàn TMĐT Vuivui.com của "ông lớn" Thế Giới Di Động đang dẫn đầu trên thị trường bán lẻ điện thoại di động và phụ kiện, điện máy. Đáng nói là mặc dù Thế Giới Di Động có tới hai website bán hàng trực tuyến là Thegioididong.com và Dienmayxanh.com đạt cả lượt truy cập và doanh số rất khả quan nhưng website chuyên về TMĐT của họ thì lại thất bại toàn tập, khiến Thế Giới Di Động phải "mở lối" cho website này chuyển sang Bachhoaxanh.com.
Tiếp đến là sàn Robins.vn do Central Group mua lại của tập đoàn Rocket Internet và đổi tên từ Zalora, cũng ngừng hoạt động sau vuivui.com đúng 4 tháng. Trong khi đó, một nhóm nhân sự chủ chốt tách ra từ Zalora thành lập một start-up có tên Leflair chuyên bán hàng hiệu thì đang phát triển có triển vọng, bằng chứng là họ đã thành công trong hai vòng gọi vốn.
Mức tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực Châu Á, đạt 30% vào năm 2018 vừa qua. Thế nhưng, nếu quan sát từ Bản đồ TMĐT Việt Nam của iprice.vn, có thể thấy những khoảng trống các website TMĐT ở phân khúc từ 10-25 triệu lượt truy cập. Tương ứng từ vị trí thứ 6 trở đi có cách biệt khá xa về lượng truy cập so với Top 5. Tương tự, từ vị trí thứ 10 với gần 3,8 triệu lượt truy cập cũng có khoảng cách khá xa so với các website ở vị trí từ 6-9.
Các khoảng trống tạo ra thực tế tách nhóm giữa các top website TMĐT. Tuy nhiên, với những website hoặc nhóm website càng về cuối bảng trong Top 50 website TMĐT tại Việt Nam, khi chúng ta cần tìm đến những website TMĐT bán các loại hàng hóa, dịch vụ chuyên dụng thì lại chưa thể tìm thấy website nào khẳng định được chiều sâu hay nổi bật khác biệt. Nhìn chung, hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ từ những website này đều có tại các website lớn bán hàng tổng hợp là Top 5 hay Top 10.
Nhưng tồn tại lớn nhất dường như chưa thể cải thiện của các website bán hàng online từ Top 10 trở xuống chính là kênh thông tin liên lạc và chăm sóc khách hàng không được chú trọng, các chính sách về bán hàng, giao hàng và hậu mãi cũng khiến khách hàng chưa thực sự hài lòng. Chính vì thế, nhiều website TMĐT tại Việt Nam cho dù được iPrice xếp vào Top 20, 30 hay 50 về lượng truy cập đi nữa, thì trên thực tế vấn đề kinh doanh và phục vụ khách hàng vẫn còn rất nhiều yếu kém và bất cập.
TIN CŨ HƠN
- Thanh toán không tiền mặt: Cần cơ chế chia sẻ dữ liệu
- Những bài học thành công trong thương mại điện tử
- Hàng giả gia tăng mạnh mẽ vì thương mại điện tử
- Amazon lãi tỷ đô 6 quý liên tiếp
- Grab vừa "bắn phát súng" cảnh báo Giao Hàng Nhanh, Viettel Post: Bắt tay với Ninja Van, nhắm vận chuyển toàn quốc, phục vụ hàng triệu người Việt bán hàng online
- GrabFood vừa hoàn thành tham vọng giao hàng với tốc độ kỷ lục 20phút/đơn, giúp đối tác nhà hàng tăng trưởng doanh thu 300%
- Sau khi bắt tay Nguyễn Kim bán hàng online, FPT Shop lại tiếp tục chơi lớn: Cho khách đặt hàng từ Mỹ, Nhật, Đức, 2 tuần có sản phẩm đến tay
- 4 quyền lợi khi mua hàng trên Adayroi khách hàng thường bỏ lỡ
- Sendo đón đầu tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam
- Lazada không cho kiểm hàng khi nhận, nhiều người lo mua nhầm hàng giả