Đại gia Nhật AEON 'chia tay' Fivimart
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Tập đoàn Nhật Bản AEON cho biết, công ty đã hoàn tất việc "chia tay" và nhượng lại chuỗi siêu thị Fivimart cho một doanh nghiệp trong nước. Không tiết lộ về giá trị thương vụ song lãnh đạo đơn vị này cho rằng việc ngưng hợp tác với Fivimart nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.
Về phía Fivimart, đơn vị này cũng đã công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng. Từ ngày 28/9, Fivimart sẽ chỉ sử dụng logo Fivimart mà không đặt kèm logo AEON như 3 năm hợp tác vừa qua. Trên trang fanpage chính thức của hệ thống này cũng đã cập nhật ảnh đại diện mới, và không còn thương hiệu Aeon đính phía trước. Còn trên website của hệ thống này cũng ngừng hoạt động để sửa chữa và nâng cấp.
Biển hiệu các siêu thị của Fivimart đã che đi logo của Aeon (vốn đặt tại góc trên cùng bên trái). Ảnh: Minh Sơn. |
Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon "kết duyên" cùng Công ty cổ phần Nhất Nam (Fivimart) từ năm 2015 khi mua lại 30% cổ phần. Thời điểm mới bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị, nay là 23 siêu thị.
Hợp tác với Aeon giúp doanh thu của Fivimart đi lên, có thời điểm tăng trưởng trên 20%. Dẫu doanh thu tích cực nhưng trong 3 năm qua công ty này liên tục báo lỗ. Năm 2016, công ty lỗ tới 96 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ do chi phí bán hàng lớn hơn cả lợi nhuận gộp (ở mức 280 tỷ đồng). Năm 2015, công ty lỗ 60 tỷ đồng và năm 2017 cũng lỗ 23 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.
Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Năm 2011, Ministop (thành viên AEON) hợp tác cùng G7 ra mắt chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop. Tới năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz, đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng trong vòng 8 năm tới. Còn với Citimart, đơn vị này vẫn duy trì hợp tác.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Citimart sau khi hợp tác cùng AEON cũng không mấy sáng sủa. Citimart cũng báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.
AEON hiện có 4 trung tâm mua sắm tại TP HCM, Hà Nội và Bình Dương, đang xây dựng thêm 2 trung tâm thương mại mới tại Hà Nội và Hải Phòng, đặt mục tiêu 20 trung tâm mua sắm trên toàn quốc.
Theo: Thi Hà - kinhdoanh.vnexpress.net
TIN CŨ HƠN
- Những doanh nghiệp đầu tiên công bố ước lợi nhuận quý III
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Doanh nghiệp thi nhau nhập cuộc
- Vuivui của Thế Giới Di Động đóng cửa vài ngành hàng, tập trung bán hàng tiêu dùng nhanh
- Thủy sản Mekong lãi lớn, hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng
- 30 năm thu hút FDI: Sự “kết duyên” của doanh nghiệp ngoại và nội
- Bách Hóa Xanh và bài toán lợi nhuận trong thị trường 70 tỷ USD
- Chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp: Đa dạng hóa sản phẩm chưa chắc là chọn lựa đúng
- Nước hoa Miss Sài Gòn vừa được "đại gia" đầu tư thêm hơn 21 tỷ đồng
- Bách Hóa Xanh đã chuẩn hóa mô hình 'thịt tươi, cá lội', sắp nâng cấp hàng chục cửa hàng cũ lên chuẩn mới
- Chinh phục cả thế giới nhưng chưa thành công ở Việt Nam, McDonald’s lỗ tới 500 tỷ chỉ sau 4 năm hoạt động