Đại lý buôn ôtô nhập lo đóng cửa hàng loạt

Quy định mới siết chặt với ôtô nhập chính hãng hay đã qua sử dụng khiến giới buôn xe cho rằng đường về của xe nhập gần như "khoá chặt".

Từ sau khi không được nhập ôtô con mới theo quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, ông Hà - chủ một showroom tại quận Long Biên chuyển hướng sang kinh doanh xe nhập cũ và vẫn không ngừng hy vọng chính sách mới sẽ phần nào cởi trói cho xe nhập về Việt Nam.

“Từ tháng 5 chúng tôi đã không nhập thêm chiếc xe nào và chờ chính sách mới thay đổi. Nhưng những quy định điều kiện kinh doanh mới với doanh nghiệp nhập khẩu ôtô gần như sẽ khiến tất cả showroom kinh doanh xe nhập như chúng tôi đóng cửa sau 1/1/2018”, ông Hà nói.

Buộc phải đóng một cửa hàng kinh doanh ôtô, ông Tuấn vẫn đang cố gắng duy trì cửa hàng còn lại trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Nhưng showroom này, theo ông, chắc sẽ không tồn tại được lâu nữa khi các điều kiện kinh doanh xe nhập tới đây còn khắt khe hơn trước.

Cách đây gần một tuần, Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô chính thức được ban hành sau 4 tháng trễ hẹn. Do kinh doanh ôtô (lắp ráp, sản xuất, hay nhập khẩu) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên những quy định tại Nghị định 116 được đưa ra khá ngặt nghèo.

Theo các doanh nghiệp, những quy định mới sẽ khiến kinh doanh ôtô nhập khẩu gặp khó khăn. "Dù xe nhập vẫn còn cửa về Việt Nam, nhưng sẽ là 'cánh cửa rất hẹp'. Thuế có về 0% từ đầu năm tới thì giá xe khó giảm mạnh do số lượng về ít, chi phí tăng lên", ông Tuấn bình luận.

Quy định mới khắt khe hơn khiến xe nhập khẩu không chính hãng khó về Việt Nam từ đầu năm 2018.

Theo Nghị định này, để kinh doanh xe nhập khẩu, các đơn vị phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu do các cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp. Doanh nghiệp phải trình bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng từ chính hãng cho cơ quan kiểm tra trước khi tiến hành thử nghiệm an toàn xe; bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cơ quan, tổ chức thẩm quyền nước ngoài cấp... Mỗi lô hàng nhập về phải được cơ quan quản lý chất lượng lấy mẫu thử nghiệm kiểm tra an toàn kỹ thuật...

Riêng với xe cũ nhập về phải có thời hạn bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km, tối thiểu một năm hoặc 20.000 km với các loại xe còn lại tuỳ điều kiện nào đến trước. Với xe nhập mới, doanh nghiệp kinh doanh phải bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km cho khách hàng.

Bình luận về những quy định mới này, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Phúc An cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu xe tư nhân sẽ “không tài nào kiếm được các văn bản xác nhận, bản chính giấy kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp nước ngoài".

Trường hợp có thể nhập được xe về thì quy định lấy mẫu kiểm định với từng lô xe cũng sẽ khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian chờ đợi có khi cả tháng trời cho việc kiểm tra kỹ thuật này. Ông phân tích: "Nếu doanh nghiệp nhập vài ba xe nhưng là các mẫu khác nhau và phải mang đi thử nghiệm (khí thải, động cơ...) hết thì vừa tốn kém từ 40 đến 100 triệu đồng một lần thử nghiệm. Chưa kể, kiểm tra an toàn kỹ thuật thường phải mất 3.000 km chạy thử, như thế từ lúc đưa xe vào kiểm tra tới khi ra kết quả phải vài tuần, thậm chí cả tháng.

Nhưng điều khiến Giám đốc Công ty Thiên Phúc An cũng như đa phần ông chủ doanh nghiệp nhỏ lo ngại, là quy định phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập bởi các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm.

"Giấy này chỉ những nhà phân phối chính thức, hoặc công ty con của nhà sản xuất tại Việt Nam mới có được. Các doanh nghiệp nhỏ thường mua xe từ các đại lý thứ cấp, hoặc nước thứ 3 thì còn lâu mới kiếm ra. Việc yêu cầu các đại lý thứ cấp lo những giấy tờ này cho doanh nghiệp Việt Nam là không thể, chính vì vậy sẽ không thể làm thủ tục nhập khẩu xe vào Việt Nam", ông Tuấn lo ngại.

Không chỉ các quy định về kiểm định xe, quy định buộc các đơn vị nhập khẩu phải có giấy uỷ quyền chính hãng về triệu hồi xe nhập khẩu cũng khiến các doanh nghiệp "lắc đầu". Nếu không thực hiện đầy đủ quy định về triệu hồi, bảo hành và thu hồi ôtô thải bỏ; không bảo cáo theo quy định..., doanh nghiệp sẽ bị tước giấy phép. Theo các doanh nghiệp, quy định này một lần nữa lại làm khó xe nhập cả chính hãng, không chính hãng. Trường hợp nếu nhà sản xuất ôtô tại nước ngoài không đồng ý cam kết triệu hồi sản phẩm, thì ngay cả những doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng, cũng sẽ không thể nhập khẩu được.

Nội dung Nghị định 116 còn quy định, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc ký hợp đồng thuê, hoặc là đại lý uỷ quyền của nhà sản xuất chính hãng ở nước ngoài. Để sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô, doanh nghiệp (lắp ráp, sản xuất hay nhập khẩu) phải đáp ứng 10 điều kiện về mặt bằng nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị công nghệ, hay điều kiện về phòng cháy, chữa cháy...

Chia sẻ với VnExpress, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ôtô hơn chục năm nay ví những hàng rào kỹ thuật mới về điều kiện kinh doanh ôtô như là dấu chấm hết cho doanh nghiệp nhỏ kinh doanh xe nhập. Theo ông, hiện đa phần các doanh nghiệp kinh doanh ôtô "đều đang rất ngán ngẩm khi nhìn về tương lai".

"Thời gian tới chắc chắn sẽ không ít doanh nghiệp kinh doanh xe không chính hãng phải đóng cửa do những quy định khắt khe của chính sách mới", ông nói.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập gần 71.600 ôtô các ngoại, đạt 1,55 tỷ USD. Cộng dồn đến 15/10 đã có trên 74.000 xe nguyên chiếc được nhập về, giá trị gần 1,66 tỷ USD. Các thị trường ASEAN như Thái Lan, Indonesia... vẫn là thị trường nhập khẩu xe chính của Việt Nam.

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật