Để thương mại điện tử Việt trở nên hấp dẫn với "người khổng lồ"

Thiếu hành lang pháp lý là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều "người khổng lồ" về thương mại điện tử (TMĐT) như Alibaba, Amazon vẫn chưa hiện diện ở Việt Nam.

Để khắc phục lỗ hổng pháp lý và thúc đẩy TMĐT phát triển, gần đây Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới trong lĩnh vực hải quan.

Nỗi lo ngoài vòng pháp luật

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết thị trường TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30% trong giai đoạn 2017-2019, với quy mô thị trường bán lẻ ước tính 7,8 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam đã lọt vào tốp 6 nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2018(1) và dự kiến có thể tiếp tục bứt phá do mới ở giai đoạn đầu phát triển.

Trong khi TMĐT Việt Nam tăng trưởng nhanh thì hành lang pháp lý vẫn chưa thể theo kịp. Các văn bản pháp quy đang áp dụng về TMĐT đã ban hành từ 5-15 năm trước nên tỏ ra không phù hợp và lạc hậu(2), đặc biệt là các quy định liên quan tới TMĐT xuyên biên giới.

Có một câu chuyện thực tế là nhiều doanh nghiệp TMĐT Việt Nam tuy kinh doanh chân chính, bằng công sức, trí tuệ nhưng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo... nằm ngoài vòng pháp luật. Mô hình kinh doanh của các nhóm này giống như trung gian bán lẻ, mua hàng từ các nhà cung ứng khắp nơi trên thế giới và bán hàng tới các cá nhân, thường là ở các thị trường phát triển, thông qua các nền tảng như Amazon, eBay. Đặc thù của mô hình này là các hoạt động giao dịch hoàn toàn không phải tiến hành tại Việt Nam, không phát sinh chi phí gì và cũng không rõ phải đóng thuế như thế nào. Do đó, các doanh nghiệp đối mặt với rủi ro bị ngân hàng, hay cơ quan chức năng giữ lại khoản thanh toán từ khách hàng quốc tế do nghi ngờ trốn thuế hay thậm chí là rửa tiền.

Thách thức đối với quản lý nhà nước

Câu chuyện về các startup “đem chuông đi đánh xứ người” chỉ là một trong số muôn vàn khó khăn các doanh nghiệp TMĐT phải đối mặt do thiếu khung pháp luật. Về phía quản lý nhà nước, Việt Nam chưa có các quy định riêng về TMĐT đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý TMĐT đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu như đối với hàng hóa thông thường. Khi đó, hàng hóa xuất, nhập khẩu phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế như đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thông thường.

Hiển nhiên là nếu quản lý thương mại trong thời đại 4.0 theo quy trình 1.0 thì sẽ dẫn tới nhiều điểm bất cập.

Thứ nhất, các khách hàng cá nhân chỉ mua sắm hàng hóa nhỏ lẻ, giá trị thấp nên không thể đáp ứng được một rừng các quy định về khai báo thông tin, hồ sơ tuân thủ, xin giấy phép xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành... Trường hợp có đáp ứng được các quy định đó thì chi phí cũng đội lên rất cao. Mặt khác, ngay cả các cơ quan quản lý cũng không đủ nguồn lực để để làm “đúng quy trình” với vô số các lô hàng nhỏ.

Thứ hai, số lượng các giao dịch thanh toán quốc tế rất lớn khiến cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được. Ngoài ra, quy định của pháp luật ngoại hối khiến các sàn TMĐT trong nước không thể mua được ngoại tệ một cách chính thức để trả cho nhà cung ứng quốc tế do chi phí tuân thủ quy định quá cao so với giá trị đơn hàng.

Thứ ba, việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT và thực tế hàng hóa là rất khó khăn. Tình trạng hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái xảy ra nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được. Kết quả là người tiêu dùng không được bảo vệ quyền lợi mỗi khi có tranh chấp.

Các giải pháp mới

Dự thảo nghị định mới của Bộ Tài chính về quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới trong lĩnh vực hải quan đã đưa ra một số giải pháp hứa hẹn để giải quyết các khó khăn trên.

Dự thảo nghị định mới của Bộ Tài chính về quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới trong lĩnh vực hải quan đã đưa ra một số giải pháp hứa hẹn để giải quyết các khó khăn trên.

Điểm mới thứ nhất là hệ thống quản lý thông tin hoạt động TMĐT sẽ được áp dụng nhằm thúc đẩy thông quan nhanh chóng, hiệu quả. Các đối tác trong chuỗi giá trị TMĐT như thương nhân, chủ sàn giao dịch TMĐT; chủ sở hữu trang web TMĐT; doanh nghiệp vận chuyển, đại lý làm thủ tục hải quan; chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan phải tiến hành cập nhật thông tin về đơn hàng. Trong khi đó, cơ quan quản lý phải xác nhận, phản hồi và cảnh báo về thuế quan, thủ tục kiểm tra cho doanh nghiệp.

Điểm mới thứ hai là hàng hóa TMĐT được miễn kiểm tra chuyên ngành nếu có trị giá hải quan dưới 1 triệu đồng. Nếu hàng có trị giá hải quan trên 1 triệu đồng nhưng thuộc danh mục hơn 1.000 hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định thì được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm (tuy nhiên, nếu đặt hàng nhiều sản phẩm giá trị trên 1 triệu đồng và nhiều lần trong năm thì chỉ được miễn kiểm tra 1 sản phẩm/lần và không quá 3 lần/năm). Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn kiểm tra chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua TMĐT khác để thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng quy định rõ thủ tục, hồ sơ hải quan với các loại hàng hóa cũng như trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan.

Các vấn đề còn bỏ ngỏ

Dự thảo nghị định về quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới trong lĩnh vực hải quan nếu được thực hiện tốt rõ ràng sẽ là một cú hích cho TMĐT Việt Nam. Song có một số vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ, hoặc chưa giải quyết thỏa đáng.

Thứ nhất, về phạm vi áp dụng, dự thảo nghị định mới chỉ tập trung khá hạn chế vào các giao dịch được thực hiện trên các sàn giao dịch TMĐT hoặc các trang web TMĐT bán hàng qua biên giới. Các mô hình kinh doanh kiểu trung gian bán hàng hay kinh doanh TMĐT qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... chưa được xét tới. Hơn nữa, ngay cả định nghĩa thế nào là sàn giao dịch TMĐT hay trang web TMĐT bán hàng qua biên giới cũng chưa được quy định rõ.

Thứ hai, các quy định chưa tính nhiều đến việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà mới chỉ tập trung giải quyết các khó khăn của quản lý nhà nước. Trong khi đó, khách hàng là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ nhất vì đơn giản chính họ là người trả tiền cho TMĐT. Một giải pháp đơn giản nhưng chưa được tính đến là cho phép khách hàng phản ánh, tố giác hàng giả, hàng nhái, đánh giá nhận xét chất lượng doanh nghiệp lên Hệ thống quản lý thông tin quốc gia về TMĐT.

Thứ ba, định mức miễn giảm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng có trị giá hải quan dưới 1 triệu đồng là quá thấp, ngay cả với khách hàng cá nhân. Lưu ý rằng trị giá hải quan còn bao gồm cả phí vận chuyển, phí bảo hiểm nên mức miễn giảm thực tế còn thấp hơn nữa. Với định mức thấp như vậy thì sẽ tạo ra gánh nặng kiểm tra hàng hóa rất lớn, làm tăng thời gian, chi phí thông quan.

 

Thứ tư, dự thảo nghị định chưa đưa ra một gói giải pháp toàn diện bao gồm cả thủ tục hải quan, thuế, thanh toán quốc tế... Gánh nặng tính, xác định số tiền thuế được “bàn giao” lại cho chính người nộp thuế. Dự thảo nghị định cũng chưa đưa ra giải pháp nào cho vấn đề thanh toán quốc tế mà bàn giao lại cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xử lý.

Trong lúc chờ đợi hành lang pháp lý được hoàn thiện, có lẽ doanh nghiệp TMĐT Việt Nam vẫn phải tiếp tục nuôi hy vọng.

(1) Theo hãng nghiên cứu thị trường Đức Statista
(2) Luật Giao dịch thương mại điện tử (2005) và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng

 

Thuê dịch vụ trọn gói của công ty vận chuyển

Chị Ngân, một người chuyên nhận đặt hàng từ Đức cho biết, lâu nay toàn bộ hàng hóa chị đặt cho khách về Việt Nam bằng đường hàng không, dao động từ 10-20 ki lô gam mỗi tuần. Chị chưa bao giờ trực tiếp làm các công đoạn, thủ tục liên quan, mà giao hết cho công ty vận chuyển. Đây là một công ty ở Đức và có mối quan hệ với một công ty ở Việt Nam. Phí dịch vụ được bao trọn gói là 9 euro cho mỗi ki lô gam hàng (là các loại hàng hóa thông thường như thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, giày dép). Giá có thể giảm xuống nếu số lượng hàng về nhiều hơn. Với những sản phẩm như nước hoa, rượu thì phụ thu thêm từ 10-20 euro/chai. Vật liệu nổ, chất cấm thì chắc chắn không nhận vận chuyển. Các công ty, theo chị Ngân biết, chắc chắn có khai báo, đóng thuế với Nhà nước. Nhưng, mức độ như thế nào thì chị không rành và chắc chắn là không thể chi li, cụ thể từng món hàng.

Chị Ngân lý giải, chọn thuê dịch vụ ngoài thay vì tự làm thủ tục là cách nhanh nhất. “Họ làm ăn lớn, đường đi nước bước móc nối được hết, chịu mọi trách nhiệm về hàng hóa cho mình. Tự làm vẫn được, thì cứ hình thức quà tặng của người thân từ nước ngoài gửi về nhưng lên phải nhận hàng, đóng thuế, mất thời gian”, chị nói.

MT ghi.

 

Trông chờ hệ thống quản lý tập trung

Ông Phạm Tấn Đạt, Tổng giám đốc của Fado (hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử qua biên giới), chia sẻ dự thảo nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới trong lĩnh vực hải quan là một bước tiến lớn với nhiều điểm cởi trói so với những gì đang vận hành.

Trong đó, phương thức quản lý bằng hệ thống dữ liệu tập trung sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ nhất, thông tin về đơn hàng được kê khai trên hệ thống sẽ là cơ sở về giá trị hàng hóa tại thời điểm phát sinh giao dịch cho mục đích tính thuế, tránh được tình trạng cơ quan hải quan áp giá cao khi làm thủ tục (đặc trưng của thương mại điện tử là giá thay đổi theo giờ, theo ngày).

Thứ hai, dữ liệu trên hệ thống tập trung cũng sẽ giúp việc thanh toán bằng ngoại tệ cho người bán, vốn rất khó khăn lâu nay, được dễ dàng nhờ cơ quan thuế, ngân hàng và hải quan kết nối.

Tuy nhiên, có những điểm việc cởi trói lại chưa được hoàn toàn. Ví dụ, về định mức giá trị hàng hóa sẽ được miễn kiểm tra chuyên ngành (dưới 1 triệu đồng/sản phẩm) hay danh mục các mặt hàng và định mức được miễn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm (trong danh mục hơn 1.000 mặt hàng hiện hành, nếu trị giá hải quan trên 1 triệu đồng/sản phẩm sẽ được miễn kiểm tra một sản phẩm/lần, không quá ba lần/năm).

Định mức một triệu đồng như trong dự thảo nghị định hiện thấp hơn định mức miễn kiểm tra với hàng quà biếu (hai triệu đồng); hàng của cư dân qua biên giới. Điều này cho thấy thương mại điện tử xuyên biên giới dường như không được ưu tiên bằng và rất dễ dẫn đến việc nhiều người sẽ chọn kênh khác, lợi dụng kênh khác để đưa hàng về. Lúc đó, Nhà nước không thu được thuế mà tình trạng tham nhũng vặt, tiêu cực lại phát sinh. Do vậy, định mức này cần được tăng lên, ít nhất là bằng với các hình thức khác. Bởi lẽ, thương mại điện tử qua biên giới cần được khuyến khích để Nhà nước thực thu được thuế.

Tương tự, với danh mục hàng được miễn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong năm, tuy nhiều nhưng lại tập trung là hàng quần áo, vải vóc, mỹ phẩm. Điều này sẽ kích thích nhập khẩu các mặt hàng vốn đã có nhiều trong nước. Danh mục ưu tiên nên là những mặt hàng người dân có nhu cầu nhưng trong nước chưa sản xuất được.

Tóm lại, cần xác định việc tạo thuận lợi đến mức nào để vừa thu được thuế, vừa bảo vệ được sản xuất trong nước. “Chúng tôi rất mong chờ hệ thống quản lý tập trung. Nhưng có lẽ, sẽ còn rất lâu”, ông Đạt nói.

Minh Tâm ghi -  Văn Thịnh

Theo guồn: Saigon Times


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật