Điểm yếu chết người của các startup: Không tìm hiểu về pháp luật, mù quáng tin vào người truyền cảm hứng kiểu "hãy cứ thất bại đi" nên chuốc lấy thất bại

Nhà khởi nghiệp trẻ chỉ biết tới ý tưởng của mình, không tìm hiểu về môi trường kinh doanh, thiếu kiến thức pháp luật và quá cả tin vào lời khuyên "hãy thất bại đi" đã khiến cho startup của họ nhận lấy thất bại thật sự.

Chỉ có ý tưởng nhưng thiếu hiểu biết về môi trường kinh doanh, non kém trong nhận thức pháp lý

Đi sâu vào bài toán quản trị, các nhà tư vấn khởi nghiệp khuyến cáo những người đang xây dựng startup phải ngồi vạch ra chiến lược, chứ không nên nhắm mắt chạy theo những ý tưởng hay sự vụ kinh doanh. 

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế phân tích: "Trong thực tế, hoạt động marketing ồ ạt có thể dễ dàng giết chết doanh nghiệp khởi nghiệp nếu như họ không chứng minh được tính ưu việt của sản phẩm trên thị trường".

Ngoài cách thức đốt tiền như các "ông lớn" Grab, GoViet, chuyên gia này khuyến nghị hoạt động marketing của startup chỉ cần thực hiện một cách đơn giản là duy trì các buổi chia sẻ thông tin với cộng đồng, doanh nghiệp, báo chí. Đó là con đường nhanh nhất để tiếp cận khách hàng.

Bàn về "tử huyệt" của các startup, TS Bùi Quang Tín cho rằng doanh nghiệp startup mãi lo khởi nghiệp mà quên mất nhiều vấn đề pháp lý quan trọng như lựa chọn hình thức công ty, nguyên tắc góp vốn, sở hữu trí tuệ…

Trường hợp điển hình về rắc rối liên quan đến sở hữu trí tuệ mà ông Tín chia sẻ là tranh chấp của một doanh nghiệp cà phê startup đình đám ở Việt Nam.

"Doanh nghiệp này từng đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cà phê chồn ở Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm đối tác phân phối cà phê trên đất Mỹ, họ quên mất việc đăng ký sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị ở Việt Nam chứ không được công nhận ở Mỹ. Kết quả là doanh nghiệp vướng vào vụ tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ với đối tác, phải mất 150.000 USD mới lấy lại nhãn hiệu về", TS Bùi Quang Tín dẫn chứng.

Điểm yếu chết người của các startup: Không tìm hiểu về pháp luật, mù quáng tin vào người truyền cảm hứng kiểu hãy cứ thất bại đi nên chuốc lấy thất bại - Ảnh 1.

Cho đến năm 2018, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không thừa nhận tiền ảo là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp.

Câu chuyện blockchain: Nhà khởi nghiệp mù mờ quy định 

Giữa năm 2018, một startup Singapore muốn đưa nền tảng ứng dụng gọi xe blockchain vào Việt Nam. Ứng dụng này hứa hẹn miễn hoàn toàn chiết khấu của tài xế và thu cước phí rẻ hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác.Theo các chuyên gia công nghệ lý giải, lợi nhuận tiềm năng của startup đến từ dòng tiền chạy trong hệ sinh thái blockchain.  

Ví dụ, một khách hàng sử dụng dịch vụ và tài xế phục vụ cùng "chấm sao" cho nhau thì hai bên sẽ nhận được điểm tích lũy vào ví điện tử. Tiếp đó, tài xế trong trạng thái nghỉ (non-driving), dùng app để tìm kiếm đối tác là gara sửa xe, bãi rửa xe và sau đó thực hiện ghi lại dữ liệu giao dịch thì hai bên cũng có thêm điểm thưởng.

 Theo nguyên tắc vận hành của hệ thống blockchain, toàn bộ lịch sử của một chiếc xe được lưu trữ, theo dõi và liên kết với nhu cầu mua bán, bảo hiểm. 

Qúa trình xác thực giao dịch nói trên tạo nên một loại tiền ảo và trong tương lai, hoạt động chuyển đổi, mua - bán lớn dần có thể hình thành thị trường thứ cấp.

Tuy nhiên, cho đến năm 2018, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không thừa nhận tiền ảo là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp. Thậm chí, trong khuôn khổ pháp lý đang soạn thảo, Bộ Tư pháp đề nghị xem xét quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm (tuyệt đối hoặc tương đối). 

Bên cạnh đó, việc quản lý ứng dụng gọi xe công nghệ hiện nay vẫn đang có nhiều tranh cãi. Hướng phát triển gắn liền với hệ sinh thái blockchain lại càng phức tạp hơn. Như vậy, startup Singapore đã không tính đến hàng loạt trở ngại nói trên. 

Sau khi ra mắt vào đầu tháng 8 năm 2018, nền tảng gọi xe blockchain đã "mất tăm" một thời gian khá dài. Mãi đến đầu năm 2019, startup này lại bất ngờ tổ chức họp báo, hợp tác với một hãng vận tải tại TP.HCM để cho ra mắt một ứng dụng "bình mới rượu cũ".

Mặc dù tuyên bố mình tuân thủ các chính sách pháp luật tại Việt Nam cũng như dẫn chiếu hàng loạt các điều khoản, nhưng startup vẫn chưa thể làm rõ bản chất của hệ thống giá trị liên quan đến blockchain. Kết quả là dự án tiếp tục im tiếng cho đến nay.

Ở một trường hợp khác, người viết bài từng tham dự sự kiện blockchain quốc tế diễn ra tại TPHCM và có cơ hội trao đổi với ba nhà khởi nghiệp trẻ nước ngoài. Họ muốn đem đến Việt Nam hệ thống thanh toán được quy đổi thành tiền ảo và loại trừ bên thứ ba tài chính trung gian. 

Tuy nhiên, khi được hỏi rằng có nắm được thông tin về việc cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam không thừa nhận tiền ảo thì startup này trả lời sẽ nghiên cứu phát triển ở thị trường Thái Lan trước. Như vậy, công cán tham gia vào buổi roadshow hóa ra uổng phí?

Đừng mù quáng tin những người truyền cảm hứng "hãy thất bại đi"

Tiếp nối câu chuyện thất bại của các startup, ThS Nguyễn Hoàng Dũng - chuyên gia kinh tế cảnh báo người làm startup nên nhìn nhận thực tế là tỉ lệ thành công trên 5 năm của doanh nghiệp startup là rất thấp, dưới 1%. 

Bởi vậy, các startup đừng quá mù quáng nghe theo lời khuyên của những người truyền cảm hứng "hãy thất bại đi". Mỗi lần thất bại là rất đau đớn và thất bại nhiều lần sẽ lãng phí tuổi trẻ. 

"Trừ một vài trường hợp cá biệt như Bill Gates nghỉ học Đại học và khởi nghiệp thành công, còn lại những tấm gương thành công khác đều trải qua sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Không nên mất thời gian đi tin vào những câu chuyện thất bại. Trước khi muốn kiếm tiền phải hiểu rõ về mô hình doanh nghiệp, phải nghiên cứu kỹ pháp luật", ông Dũng nói.

Vị chuyên gia này cũng bác bỏ luôn câu chuyện huyễn hoặc "đứng trên vai người khổng lồ". Ông Dũng phân tích rằng một doanh nghiệp lớn muốn khẳng định vị thế của mình phải tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Không ai đem kinh nghiệm xương máu đó chia sẻ không công với người khác và cho họ có cơ hội ngồi lên trên mình. Chính vì vậy, các startup đừng trông mong vào một sự giúp đỡ hoàn hảo từ bên ngoài

Chị Phạm Lan Khanh - nhà khởi nghiệp từng 100 lần bị từ chối đầu tư, bày tỏ quan điểm ngược lại: "Trong khởi nghiệp, có một thuật ngữ là fail-fast, nghĩa là thất bại nhanh đi. Sự thất bại vốn dĩ không thể tránh khỏi, kể cả các mô hình đang thành công như Tiki, Shopee, Lazada. Thực tế, 100% doanh nghiệp khởi nghiệp thì có đến 90-95% thất bại. Đừng nói là không nên học theo sự thất bại mà muốn học cũng không được vì thất bại khởi nghiệp là con đường riêng của mỗi cá nhân, không ai có thể dạy ai bài học thất bại".

"Tôi đã chứng kiến nhiều founder (nhà sáng lập) từng startup đến lần thứ 5 mới thành công. Tất nhiên, không có ai làm bất kỳ chuyện gì để mong muốn thất bại. Tôi không khuyến khích thất bại nhưng cũng không khuyến khích nỗi sợ hãi sự thất bại", chị Khanh chia sẻ.

Theo: cafebiz.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật