USD kết thúc tháng 6 tăng mạnh, euro và giá vàng giảm sâu, Bitcoin lại lao dốc xuống dưới 19.000 USD
Những lo lắng ngày càng tăng về suy thoái trong khu vực đồng euro liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine đã khiến dòng tiền ồ ạt chảy vào những nơi trú ẩn an toàn – điều gây bất lợi cho đồng euro.
Theo đó, đồng tiền chung châu Âu lúc kết thúc ngày 36/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,24% so với USD, xuống 1,0414 USD, tính chung trong quý 2/2022 giảm 6%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016.
Bipan Rai, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của CIBC Capital Markets, cho biết: "Có cảm giác như không gian giao dịch tỷ giá chéo rộng lớn đang bất lợi cho các tiền tệ rủi ro cao, và điều đó làm tăng nhu cầu đối với các loại tiền tệ được coi là nơi trú ẩn an toàn.
Đồng euro trong phiên cuối cùng của tháng 6 có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm rưỡi so với đồng franc Thụy Sĩ, ở mức 0,9942 franc, trong bối cảnh đồng tiền Thụy Sĩ vẫn chìm trong ánh hào quang sau đợt tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cách đây hai tuần. Đồng euro lúc kết thúc ngày 30/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,19% so với đồng franc Thụy Sĩ, xuống ở mức 0,995 franc.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm của khu vực đồng euro vừa công bố cho thấy lạm phát của Pháp đã tăng lên mức cao kỷ lục 6,5% trong tháng 6, trong khi Hy Lạp hạ dự báo tăng trưởng từ 3,8% xuống 3,2% trong năm nay.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong tháng 5 do nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngay cả khi lạm phát trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine - dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Alex Livingstone, người đứng đầu bộ phận giao dịch của Titan Asset Management, cho biết tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến có thể củng cố niềm tin của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, về việc tăng lãi suất. "Tuy nhiên, ECB sẽ cần phải cực kỳ thận trọng trong động thái tiếp theo của mình, cố gắng tránh việc làm giảm tốc độ tăng trưởng."
ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 7/2022, lần tăng đầu tiên trong một thập kỷ, nhằm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát đang tăng nhanh, mặc dù các nhà kinh tế chưa ngã ngũ dự đoán về mức độ của kỳ đợt tăng lãi suất nào.
Trong một diễn biến khác, đồng đô la đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần so với rổ các đồng tiền khác, với chỉ số Dollar index lúc kết thúc ngày 30/6 tăng 0,095% lên 105,140, so với đầu năm hiện cao hơn gần 10%. Chỉ số này đã có một chút thay đổi sau một báo cáo mới công bố hôm thứ Năm (30/6) về chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Năm, cho thấy giá tăng buộc người tiêu dùng phải giảm mua hàng hóa.
Đồng USD phiên vừa qua cũng giao dịch ở gần sát mức cao mới trong vòng 24 năm so với yen Nhật, là 137 JPY/USD. Khoảng cách chính sách giữa một bên là Fed đang rất ‘diều hâu’ và một bên là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ôn hòa tiếp tục đè nặng lên tỷ giá đồng yên. Lúc kết thúc ngày 30/6 theo giờ Việt Nam, JPY giao dịch ở mức 135,89 JPY.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Các tiền tệ châu Á trải qua nửa đầu năm đầy sóng gió, với hầu hết các loại giảm giá trị so với USD. Nhưng khó khăn vẫn chưa qua, các nhà phân tích dự báo tiền tệ châu Á sẽ suy yếu trong thời gian tới, và bất cứ khi nào các đồng tiền này tạm ngừng giảm đều chỉ có khả năng xảy ra dưới hình thức các ngân hàng trung ương khu vực chủ động bình thường hóa chính sách kết hợp với sự phục hồi của Trung Quốc.
Sự kết hợp giữa giá hàng hóa tăng cao và chênh lệch lãi suất thu hẹp dần đã gây áp lực lên hầu hết các đồng tiền châu Á, với một số loại chạm mức thấp nhất nhiều năm trong trong những tuần gần đây.
Dòng tiền nước ngoài đã chảy ra khỏi các nền kinh tế châu Á mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, trong 5 tháng liên tiếp khi các ngân hàng trung ương trong khu vực lưỡng lự trong việc tăng lãi suất.
Đồng đô la Đài Loan, won Hàn Quốc và peso Philippines đều đã suy yếu hơn 6,8% so với đồng USD trong năm nay, trong khi đồng rupee Ấn Độ INR gần chạm mức thấp kỷ lục lịch sử.
Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD đồng loạt tăng trở lại. Cụ thể, ngày 30/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.110 VND/USD (tăng 11 đồng so với phiên liền trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán). Tỷ giá USD tại thị trường ngân hàng cũng tăng trở lại từ 10 - 20 đồng.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin đã mất mốc 20.000 USD khi có lúc giảm xuống dưới 19.000 USD. Lúc kết thúc ngày 30/6 theo giờ Việt Nam. Bitcoin giảm 6,68% so với phiên trước đó, xuống 18.841,26 USD.
Thị trường tiền điện tử đang bị ảnh hưởng bởi việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ từ chối đề xuất niêm yết một quỹ giao dịch trao đổi bitcoin giao ngay của nhà quản lý tài sản kỹ thuật số Grayscale.
Giá bitcoin ngày 30/6.
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua, kết thúc quý giảm mạnh nhất trong 1 năm do thái độ "diều hâu" phát đi từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, làm giảm sức hấp dẫn của vàng với vai trò là tài sản phi lợi suất.
Cụ thể, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 30/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% xuống 1.811,95 USD/ounce. Tính chung cả tháng 6, giá vàng giảm hơn 6%. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 phiên vừa qua cũng giảm 0,2% xuống 1.813,40 USD.
Tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Bồ Đào Nha, các giám đốc ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cho biết nỗ lực giảm lạm phát sẽ gây khó khăn và thậm chí có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng cần phải thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn tốc độ tăng giá nhanh trở nên cố hữu.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff thuộc công ty Kitco Metals cho hay: ""Dữ liệu ban đầu cung cấp cho các nhà giao dịch ý tưởng rằng vì lạm phát không tồi tệ hơn tháng trước, có thể Fed sẽ không mạnh tay như vậy để giúp vàng. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang giảm và những người bán đầu cơ đã nhảy vào để đẩy giá xuống.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- USD và Bitcoin giảm, vàng tăng do triển vọng lãi suất "nguội dần" và kinh tế chậm lại
- USD và vàng tăng do nhu cầu mạnh mẽ đối với tài sản trú ẩn an toàn
- USD giảm ngay phiên đầu tuần, Euro tăng mạnh, Bitcoin tiếp tục biến động mạnh quanh "đáy"
- Đua nhau bán, giá vàng SJC bất ngờ “bốc hơi” cả triệu đồng/lượng
- Giá vàng sẽ tiếp tục hồi phục, lực đẩy đến từ đồng USD?
- Giá vàng, đô và Bitcoin biến động mạnh do dữ liệu lạm phát Mỹ
- USD tạm nghỉ tăng, giá vàng đảo chiều đi lên, Bitcoin đi ngang trước khi Fed công bố dữ liệu lạm phát
- Dự báo mới nhất về giá vàng từ nay đến cuối năm
- Người Việt tiêu thụ gần 20 tấn vàng trong quý 1/2022
- USD và Bitcoin quay đầu giảm, vàng tăng khi thị trường chờ đợi kết quả họp của Fed