Doanh nghiệp Việt chen chân vào cuộc đua trên thị trường OTT

Bất chấp sự có mặt của YouTube và Nexflix đã đầu tư vào thị trường OTT (các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet), một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tìm kiếm lợi nhuận.
Doanh nghiệp Việt chen chân vào cuộc đua trên thị trường OTT

Viettel ra mắt dịch vụ OTT Keeng Movies

Đầu tháng 6/2018, Viettel đã ra mắt dịch vụ OTT có tên Keeng Movies, chuyên cung cấp xem phim trực tuyến. Keeng Movies đi theo chiến lược cung cấp phim có bản quyền với sự hợp tác của các hãng phim lớn tại Hollywood như 20th Century Fox, NBC Universal, Warner Bros... và các đài truyền hình lớn của Hàn Quốc như KBS, MBC.

Không công bố số tiền đầu tư nhưng để có được bản quyền của những hãng phim như Hollywood, Viettel phải cam kết sử dụng công nghệ bảo vệ, mã hóa bản quyền... với giá ước tính không dưới 1 triệu USD.

Theo ông Võ Thanh Hải - Giám đốc Viettel Media (đơn vị vận hành Keeng Movies), người dùng internet tìm kiếm phim trực tuyến với tốc độ tăng trưởng lên đến 20%/năm. Đây là một trong những lý do để Keeng Movies ra đời. "Hiện nay, xem phim trực tuyến có bản quyền chỉ chưa đến 8%, còn lại là phim lậu. Do đó, việc đầu tư kho phim có bản quyền là để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng", ông Hải cho biết.

Viettel không phải là đơn vị duy nhất đầu tư mạnh vào OTT. Thời gian qua, thị trường OTT tại Việt Nam đã bùng nổ với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước như VTV, VTC, K+, SCTV, FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy và các nhà đầu tư nước ngoài như iFlix, Netflix.

Chia sẻ sự phát triển của OTT, bà Trần Thị Thanh Mai - Giám đốc Công ty Kantar Media cho biết: "Với tốc độ tăng trưởng của internet cộng với sự phổ biến thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng tích hợp nhiều chức năng, Smart TV, HD box cùng với sự dịch chuyển của người trẻ dành nhiều thời gian hơn cho internet đã hỗ trợ OTT phát triển mạnh". Hiện ở Việt Nam đã có đến 30 sản phẩm OTT. Và theo tổ chức nghiên cứu Muvi, trong 3 năm tới, ước tính doanh thu của thị trường OTT ở khu vực Đông Nam Á có thể đạt 650 triệu USD/năm.

Theo giới phân tích, thị trường Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị nội địa và nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT. Tuy nhiên, ưu thế vẫn thuộc về các doanh nghiệp ngoại vì không bị đánh thuế cũng như kiểm duyệt nội dung, chưa kể sức ép đến từ các trang web cung cấp OTT vi phạm bản quyền.

Để vượt qua đối thủ, các doanh nghiệp OTT phải tìm lợi thế cạnh tranh riêng. Chẳng hạn như FPT Play cung cấp dịch vụ nhờ vào hợp tác với các đơn vị sản xuất nội dung có chất lượng cao. Hay VTVCab cung cấp dịch vụ OTT miễn phí, và nhờ vào lượt xem (view) cao để tìm quảng cáo bù đắp chi phí.

Trong khi đó, trước khi cung cấp dịch vụ OTT về phim, Viettel đã chạy dịch vụ OTT âm nhạc với tên gọi là Keeng Music. Kho nhạc Keeng Music có trên 1 triệu bài hát từ các đối tác Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và các ca sĩ Việt Nam. Đây là dịch vụ OTT thu phí sử dụng và đã có hơn 10 triệu khách hàng.

"Chúng tôi cạnh tranh bằng cách xây dựng kho phim đa dạng trên 10.000 giờ phim, cung cấp những bộ phim bom tấn, có chất lượng hình ảnh tốt. Thậm chí những bộ phim yêu thích đang phát sóng tại Hàn Quốc hay Hong Kong cũng trình chiếu song song trên Keeng Movies", ông Hải chia sẻ.

Không chỉ vậy, để chuyển đổi thói quen xem phim miễn phí sang chấp nhận trả phí, Viettel xây dựng chiến lược giá với nhiều gói lựa chọn phù hợp với tài chính và nhu cầu khách hàng cộng với chính sách khuyến mãi. Chẳng hạn như khi mua phim lẻ hoặc đăng ký gói dịch vụ trên Keeng Movies, người dùng sẽ được miễn cước data 3G, 4G của Viettel. Doanh nghiệp này còn xây dựng kho phim riêng bằng việc đầu tư sản xuất một loạt phim theo thể loại sitcom đang hấp dẫn giới trẻ.

Ông Hải cho biết, về lâu dài, Keeng Movies sẽ hướng tới thị trường toàn cầu. Trong thời gian đầu, Keeng Movies sẽ cung cấp dịch vụ ở các thị trường do Viettel đầu tư ở một số nước châu Phi và châu Á với quy mô hơn 500 triệu dân và hơn 35 triệu thuê bao di động. Thành công với các thị trường này, Keeng Movies sẽ đến các thị trường phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua các đối tác cung cấp viễn thông của Viettel và các nhà sản xuất phim. 

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật