Đừng nghĩ nhà thông minh chỉ là sản phẩm của Mỹ, Đức hay Pháp: Một doanh nghiệp Việt đã làm tốt điều này, thậm chí còn xuất khẩu ra thế giới

Vì là giải pháp “Made in Việt Nam” nên khác với các phiên bản nước ngoài, nhà thông minh Lumi có thể được điều khiển hoàn toàn băng tiếng Việt, bất kể khách hàng nói giọng Nam, Bắc hay Trung.
Đừng nghĩ nhà thông minh chỉ là sản phẩm của Mỹ, Đức hay Pháp: Một doanh nghiệp Việt đã làm tốt điều này, thậm chí còn xuất khẩu ra thế giới
 
 Chập chững vào thị trường từ năm 2014, đã có những giai đoạn bị nhà đầu tư từ chối liên tục, thậm chí phải xoay xở "từng bữa ăn", nhưng sau quá trình khởi nghiệp đầy nhọc nhằn, đến nay Lumi đã là cái tên có chỗ đứng trên thị trường nhà thông minh Việt Nam.

Tiếp chúng tôi trong một ngày Hà Nội nóng gay gắt, anh Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc CTCP Lumi Việt Nam không ngần ngại cho biết đơn vị vừa ký kết thành công một hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang Ấn Độ có giá trị lên tới hơn 16 triệu USD. Đây là kết quả từ quá trình nghiên cứu, phối hợp giữa gần 50 kỹ sư của cả hai bên trong suốt hơn 2 năm vừa qua.

"Ấn Độ là thị trường có dân số 1,4 tỷ người, lớn gấp 15 lần Viêt Nam. Ở đây có khoảng 60 thành phố lớn, những thành phố to nhất như Mumbai, Newdeli thậm chí lớn gấp 3 lần Sài Gòn nên thị trường rất rộng".

Vậy nhà thông minh Lumi là gì?

Theo anh Tài chia sẻ, nhà thông minh là một bộ giải pháp giúp khách hàng điều khiển các thiết bị điện trong nhà như hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa, bình nóng lạnh, tivi,… thông qua phần mềm tích hợp trên điện thoại di động hoặc qua chính giọng nói của gia chủ.

Khác với các phiên bản của nước ngoài, Lumi cho phép khách hàng sử dụng tiếng Việt, dù là giọng Bắc, Trung hay Nam, để điều khiển các thiết bị điện thông qua loa thông minh có tên gọi Milo. Ví dụ khách hàng chỉ cần nói "OK Lumi bật đèn" là trong nháy mắt, hệ thống đèn sẽ được bật lên. Tương tự khi bạn nói "OK Lumi, Chào buổi sáng", rèm của cũng sẽ tự động mở ra.

"Milo có ứng dụng AI (trí thông minh nhân tạo, PV), nên khi khách hàng giao tiếp với Milo, thiết bị sẽ tự động thu giọng và dần dần hiểu được những câu nói tự nhiên nhất. Thậm chí sau này, khách hàng có thể nói nhầm nhưng Milo vẫn hiểu được".

Đừng nghĩ nhà thông minh chỉ là sản phẩm của Mỹ, Đức hay Pháp: Một doanh nghiệp Việt đã làm tốt điều này, thậm chí còn xuất khẩu ra thế giới - Ảnh 2.

Bộ sản phẩm nhà thông minh Lumi.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, anh Tài cho biết sản phẩm ra đời là kết qủa nghiên cứu của anh và 2 người bạn cùng phòng trọ, 3 cựu thành viên đội Robocon Bách Khoa Hà Nội năm 2008.

Thời kỳ 2010, 2011, khi công nghệ cảm ứng điện dung bùng nổ và gây ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng Việt, ba người cùng mày mò sản xuất ra chiếc công tắc cảm ứng, chỉ cần chạm vào là có thể bật tắt đèn. Đây cũng được coi là sản phẩm nền tảng của nhà thông minh Lumi sau này.

"Nhưng làm xong công tắc chúng tôi nhận ra chỉ chạm vào để bật tắt thì chưa hay lắm, nên chúng tôi đã nghĩ thêm tinh năng bật tắt từ xa thông qua điều khiển".

"Tình cờ trong một số lần tìm hiểu các công ty đang bán nhà thông minh trên thị trường Việt Nam, chúng tôi thấy sản phẩm của mình đang tiệm cận dần với họ. Cũng có công tắc cảm ứng, cũng điều khiển từ xa, chỉ khác là họ điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại. Để làm được như họ, chúng tôi thiết kế thêm một bộ điều khiển trung tâm, đóng vai trò là bộ não kết nối các thiết bị. Vậy là sản phẩm phát triển thành nhà thông minh", CEO Lumi nhớ lại.

Tuy nhiên không phải cứ có sản phẩm là bán được ngay. Anh Tài cho biết đội ngũ đã phải mất thêm 2 năm nữa để tiếp tục hoàn thiện thêm về tính năng, mẫu mã kiểu dáng, bao bì,... Đây cũng là thời điểm khó khăn vì doanh thu chưa có nhưng startup vẫn phải tiếp tục hoạt động, tiếp tục nghiên cứu sản xuất.

"Giờ nghĩ lại chắc không dám làm",

Nguyễn Đức Tài, CEO Lumi Việt Nam

"Giờ nghĩ lại chắc không dám làm", anh cười trừ. "Chúng tôi đã phải cố gắng xoay xở đến từng bữa ăn sau khi tiền huy động từ gia đình, bạn bè đã đổ vào startup. Rồi chúng tôi còn nhận thêm cả những dự án không liên quan như thiết kế hệ thống điện cho trạm bơm, mỏ than, nhà máy xi măng, cảng biển để có tiền tiếp tục tái đầu tư".

Đến năm 2014, sản phẩm cuối cùng chính thức ra mắt. Thương hiệu mới, nhân lực ít, bản thân những người sáng lập lại tự đi sales.

CEO Lumi cho biết trong vòng 1 năm trời, anh tự mình phóng xe máy đến gặp các kiến trúc sư, các công ty làm nội thất, những người có cùng tập khách mục tiêu để giới thiệu sản phẩm. Mỗi ngày anh đặt mục tiêu phải gặp được 6,7 người nên trong hơn 1 năm, số lượng khách anh gặp lên tới hơn 1000. Dù chỉ khoảng 10% quyết định ủng hộ sản phẩm non trẻ của người Việt nhưng như vậy đã là quá đủ.

"Có thể họ không mua về dùng nhưng mua để trưng bày thương mại. Dần dần sản phẩm có chỗ đứng, startup huy động được các nhà đầu tư nhỏ rót vốn, và đến nay chúng tôi đã đạt đến điểm hòa vốn, có thể tự xoay vốn được rồi".

Ở thời điểm hiện tại, Lumi là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ CE – tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước Châu Âu và chứng chỉ UL – được xuất khẩu đến 104 quốc gia trên thế giới. Với 135 đại lý trên toàn quốc, Lumi đang là đơn vị có kênh phân phối dẫn đầu thị trường nhà thông minh Việt Nam.

Chia sẻ bí quyết khởi nghiệp khi có nhiều người cùng đồng sáng lập, anh Tài cho biết mấu chốt là tất cả các thành viên phải luôn thẳng thắn rõ ràng, cùng nhìn về mục tiêu chung.

"Thường thì 80% startup sẽ chia tay trong vòng 5 năm đầu tiên vì không đủ sức tồn tại trước các yếu tố bên ngoài. Sau 5 năm, vấn đề sẽ nằm ở nội bộ bên trong, có chỗ đứng rồi thì bắt đầu cạnh tranh lục đục".

"Làm trong công ty ai cũng cần cái danh, cái lợi nhưng phải nhìn vào mục tiêu chung. Không phải ai thích làm giám đốc thì làm, thích làm chủ tịch hội đồng quản trị thì làm. Các vị trí phải phù hợp với sở trường thế mạnh từng người thì mới đưa công ty phát triển được",CEO Lumi kết luận.

Hồng Lam

Theo Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật