Founder trình bày liên tục 'chặn họng', số liệu không minh bạch, cấu trúc công ty quá rắc rối, startup này vẫn được shark Phú đầu tư 10 tỷ đồng
Theo chia sẻ của Đỗ Tú Quân - nhà sáng lập Vibec và thương hiệu yến sào Yến Quân, trung tâm này mở cửa từ tháng 6 năm 2017. Trong 6 tháng này Vibec hoạt động quảng bá và mời khách đến tham quan là chính nên hoạt động kinh doanh chỉ ở mức hòa vốn. Khi được shark Phú và shark Dũng hỏi về con số doanh thu, founder này trả lời khá "vòng vo".
"Doanh thu trên báo cáo tài chính là 20 triệu đồng. Lý do toàn bộ khách mời bọn em không ghi chi phí. Khoản này do cá nhân người quản lý công ty là em phải chịu bù lỗ cho nó lời. Nên số đó nằm trên sổ nội bộ", cô cho biết. Điều này khiến shark Dũng khá bất ngờ thậm chí cảnh báo khi phát biểu trên truyền hình như vậy "sẽ mệt đấy".
Về cơ cấu cổ đông, Đỗ Tú Quân cho biện Vibec hiện có 34 cổ đông. Dự án này được cô lập ra với mức cần đầu tư 2 triệu USD, trong đó 1 triệu USD đã kêu gọi được từ 4 cổ đông. Phần còn lại (1 triệu USD) cô gọi vốn từ cộng đồng với 1 suất đầu tư 30 triệu đồng thông qua mạng xã hội Facebook.
"Thế này chơi hụi là vi phạm luật đấy", lần thứ 2 shark Dũng cảnh báo về tính pháp lý của dự án.
Đáp lại, Tú Quân cho biết cô không rành về tài chính và việc gọi vốn này được cô tìm hiểu qua mạng để thực hiện. Hiện số vốn gọi đã được 5 tỷ đồng.
"Trong năm 2018 này toàn bộ cổ đông đã mua crowd funding đảm bảo mức 18% lợi nhuận. Em lời, em lỗ thế nào anh chị cũng được 5,4 triệu đồng (tiền lãi trên số vốn 30 triệu đồng đã đầu tư - PV)", cô cho biết thêm.
Shark Phú bình luận đây là kiểu bỏ tiền người sau trả cho người trước, còn shark Dũng cho rằng đây là kiểu "chơi hụi".
Về khoản tiền từ việc bán yến được 5 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2017 (số nội bộ-pv), shark Hưng đặt câu hỏi tại sao không ghi nhận vào doanh thu hay ít nhất là hoa hồng cho Vibec. Nhà sáng lập này cho biết trường hợp lỗ sẽ được cô bù vào còn trường hợp lời thì sẽ chia lại cho Tú Quân nhưng hiện vì hòa vốn nên chưa thể chia được.
Khi được hỏi về doanh thu từ đầu năm 2018 đến nay, founder nay cho biết cô vẫn chưa tính. Câu trả lời thật thà này khiến Shark Phú chỉ biết lắc đầu cười.
"Thế thì em lấy đâu ra tiền để trả 18%?", shark Hưng tiếp tục đặt câu hỏi về cam kết lợi nhuận cho cổ đông Vibec.
Theo giải thích của Tú Quân, trong lĩnh vực du lịch cô là người mới nhưng với ngành yến sào thì cô là chủ nhà yến lớn nhất Việt Nam. Lợi nhuận của hoạt động kinh doanh yến sào mỗi năm của Yến Quân bỏ túi là 10 tỷ đồng.
"Đầu tiên là anh không thích sự không minh bạch đấy rồi. Em lấy tiền của em đi trả cổ tức đó là không chuẩn chỉ. Anh chưa biết nguồn tiền ở đâu mà em trả được 18%", shark Phú nghi vấn.
Thậm chí shark Hưng còn lấy ngay ví dụ tại Cenland ông từng đuổi 1 giám đốc kinh doanh vì bỏ tiền túi tiền túi ra đi công tác. "Vì bạn ý có thể bỏ tiền túi cho công ty thì cũng có thể làm ngược lại lấy tiền công ty để chi tiêu cá nhân", shark Hưng cho biết. Đây cũng là điều shark Hưng nghi ngại khi Yến Quân không rành mạch giữa chuyện bỏ tiền túi để bù đắp cho trung tâm yến sào Vibec thì cũng có thể lấy tiền lời trung tâm vào túi riêng.
"Mối quan hệ giữa Vbec này với Yến Quân là sao?", shark Hưng đặt câu hỏi.
Tú Quân cho biết trung tâm triển lãm VBEC chỉ làm hoạt động du lịch cho khách thưởng thức yến tại khu đất trung tâm. Khu đất đó này được thuê 18 tỷ cho 10 năm. Khu đất này lại là tài sản của cá nhân cô. Về hoạt động, Vibec sử dụng yến mang thương hiệu Yến Quân để bán cho khách. Trung tâm triển lãm bỏ ra 20 tỷ đồng trong đó 18 tỷ để thuê mặt bằng vận hành dự án, 2 tỷ còn lại để mua nhượng quyền thương hiệu Yến Quân.
"Bây giờ anh thấy hơi mâu thuẫn. Trung tâm yến sào Việt Nam như cái phễu chảy xuống, ở dưới Yến Quân hứng hết. Đất thì là do Yến Quân, giá trị thương hiệu do Yến Quân. Nhưng cái phễu này 6 tháng chỉ ghi nhận 5 triệu - 20 triệu đồng?", shark Dũng đặt nghi vấn.
Một câu hỏi khác được shark Dũng đặt ra tại sao không gộp 2 công ty thành 1 mà phải tách ra. Tú Quân cho biết công ty Yến Quân hiện là công ty gia đình gồm 2 cổ đông là cô và chị gái. Với công ty này cô đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình tuy nhiên cô muốn phát triển thêm bán sản phẩm dưới góc độ trải nghiệm du lịch nhưng không được chị mình ủng hộ.
Tới phong cách "chặn họng" các shark và cái kết bất ngờ
Không chỉ khiến các shark đau đầu vì số liệu không minh bạch và sự nhập nhằng giữa 2 công ty, phong cách trình bày của Đỗ Tú Quân cũng khá đặc biệt.
Shark Linh sau khi nghe chia sẻ về mối quan hệ giữa Yến Quân và Vibec đưa ra lời khuyên về mô hình công ty.
Shark Linh: Em sai lầm rồi. Đây là vấn đề của em. Em có quá nhiều cổ đông.
Tú Quân: Không phải chị. Yến Quân chỉ có 2 cổ đông thôi.
Shark Linh: Thì em thấy có 2 cổ đông đã rắc rối rồi.
Tú Quân: Sẽ không có rắc rối. Em đảm bảo.
Shark Linh vừa xua tay vừa góp ý: Không, sẽ có rắc rối trong tương lai.
Tú Quân: Em đảm bảo.
Shark Linh lắc đầu: Không được.
Tú Quân: Xin phép em cãi chỗ này. Yến Quân giờ em không gọi vốn vì nó là công ty gia đình. Em học MBA rồi, em hiểu cách làm việc của các shark.
Shark Linh liên tục xua tay khi nghe Tú Quân trình bày và rồi từ chối.
"Trường nào dạy em MBA cái chiêu mà hay quá ta. Mình có nhà yến, mình mở cái du lịch, các shark bỏ tiền vô này rồi các shark đưa được khách đến thì bán yến là chính, 200 nghìn tour du lịch trải nghiệm chả để làm cái gì. Lợi nhuận bán yến thì về nhà yến. Lỗ của cái du lịch này thì các shark chịu?", shark Hưng bắt bẻ.
Câu hỏi khiến Tú Quân đuối lý còn shark Linh liên tục lắc đầu và quyết định không đầu tư vì cấu trúc công ty quá rắc rối. "Em tập trung vào trình bày cho nó đẹp nhưng cái đó dư thừa, nếu có cái đó là tốt nhưng em phải chuẩn bị cái số cho nó chuẩn", nữ doanh nhân này nhận xét.
Không chỉ nữ doanh nhân này, ngay cả shark Phú cũng có màn trao đổi bị chặn họng với Tú Quân.
Shark Phú: Anh cho em vay thì anh cho, chứ đầu tư thì lẫn lộn.
Tú Quân: Trời ơi, trường hợp các anh chị đầu tư vào là em mừng rồi. Cái em muốn là CTCP chứ không phải công ty gia đình. Em nghĩ các công ty ở đây các anh đều từng là startup Sunhouse, Cenland trước khi thành shark ngày hôm nay cũng từng có người chửi ý tưởng của các anh chị là bị điên.
Shark Phú: Anh không nói ý tưởng bị điên.
Tú Quân: Không, ý em là …
Shark Phú: Từ từ anh cắt lời em này. Anh chỉ không đồng ý cách em hạch toán cho một doanh nghiệp để dựa vào đó để định giá doanh nghiệp này.
Với shark Hưng, lý do khiến ông không đầu tư vào Vibec vì mô hình bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà yến không chỉ sản phẩm, chất lượng yến sào mà còn cả về mặt bằng kinh doanh. Để thuyết phục shark Hưng, Tú Quân cho rằng không có lý gì có nhiều người bị điên mà bỏ tiền vào đầu tư cho cô.
Để níu kéo thêm shark Hưng, Tú Quân cho biết các shark đầu tư bao nhiêu không quan trọng. Điều cô muốn là làm bạn với các shark nhưng phó chủ tịch Cenland vẫn dứt khoát không đầu tư.
Với shark Dũng, anh quyết định không đầu tư do founder nắm nhiều công ty. Điều này sẽ khiến founder tập trung lợi ích cho công ty nắm cổ phần nhiều hơn và lợi ích của các nhóm cổ đông khác sẽ bị ảnh hưởng. Đáp lại, Tú Quân cho rằng cô sẵn sàng chấp nhận cả mức 51% thậm chí bị shark sa thải. Nhưng shark Dũng lại cho rằng nhà đầu tư chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tiếp nhiên liệu cho founder làm và cất cánh.
Là người kiệm lời nhất trong 5 shark nhưng shark Đặng Hồng Anh cũng cho biết mình không đầu tư do phần trình bày cho thấy Tú Quân không hiểu gì về điều hành cũng như các con số không rõ ràng.
"Anh sẽ hỏi một câu để quyết định đầu tư hay không đầu tư. Ở nhà em với chồng như thế nào", shark Phú bất ngờ hỏi.
Sau một lúc giải thích của Tú Quân, chủ tịch Sunhouse buộc phải cắt lời và đưa ra điều kiện: Đầu tư 10 tỷ với hình thức trái phiếu chuyển đổi, lợi nhuận tối thiểu 18%/năm, điều kiện để chuyển đổi sang cổ phần sẽ đàm phán sau. Nếu trường hợp KPI đưa ra đạt được còn nếu không đó sẽ là khoản vay. Khoản trái phiếu chuyển đổi này được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của Yến Quân gồm nhà yến, thương hiệu Yến Quân. Và tài sản đảm bảo tối thiểu phải bằng 120% giá trị cho vay. Và những người liên quan tại Yến Quân gồm chị, chồng và Tú Quân phải đồng ý ký vào cam kết đó.
Với phong cách tự tin, thậm chí tự nhận mình là độc tài, Tú Quân đồng ý với đề nghị của shark Phú. Cô còn tiết lộ thêm tài sản thế chấp không phụ thuộc vào chị. Khu đất này được định giá 120 tỷ đồng trên thị trường và 50 tỷ đồng theo định giá ngân hàng. Về phía chồng, cô cho biết 2 người vẫn chưa đăng ký kết hôn và mỗi tháng cô phải đi xin chứng nhận độc thân 1 lần.
"Mục tiêu của trung tâm yên sào Việt Nam là biến một công ty quản lý theo kiểu lộn xộn của mình thành một công ty rõ ràng minh bạch, trong thời gian ngắn nhất có thể lên được sàn chứng khoán", Tú Quân trả lời đầy tham vọng sau khi gọi được vốn thành công với shark Phú.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Lê Viết Quý: Chiến binh khởi nghiệp từ nghề pha chế đồ uống
- Việt Kiều Mỹ làm bình trữ điện xanh, rẻ hơn hàng Tàu 30%, khiến Shark Hưng và Shark Phú giành giật quyết liệt, Shark Hưng thắng deal với mức đầu tư kỷ lục 1 triệu USD
- Đặng Hồng Anh - Thiếu gia nhà Thành Thành Công sẽ là vị shark mới thay thế "ghế nóng" của Shark Thuỷ trong “bể cá mập" mùa 2
- Shark Việt khuyên startup: Thị trường Việt Nam là thị trường dễ thương nhất mà startup không làm được thì đừng nghĩ đến chuyện ra nước ngoài
- Để khởi nghiệp thành công, startup của bạn cần một câu chuyện hay
- 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do đâu?
- Bỏ nghề để kinh doanh, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng!
- Shark Linh nhịn cười, Shark Hưng, Shark Dzung bày tỏ thái độ ức chế trước phần trình bày của startup cho rằng mình hơn hẳn Flappy Bird, tham vọng xây dựng đế chế tỷ USD vì thế giới “không ai thiết kế được như vậy”
- Cựu sinh viên Ngoại thương bán kem gọi vốn 5 tỷ trên Shark Tank, các Shark chỉ ra 5 tử huyệt "em tưởng" mà dân F&B hay mắc phải
- Sản phẩm bị nhận xét "chưa tới," doanh thu "quá tham vọng," Startup đồ chơi vẫn nhận được 500.000 USD từ Shark Thủy