Giải quyết tranh chấp về hoạt động đại lý thương mại
Về bản chất, hợp đồng đại lý là hợp đồng cung ứng dịch vụ trung gian thương mại, theo đó bên trung gian là bên đại lý nhân danh mình thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý nhằm hưởng thù lao, quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc về bên giao đại lý. LTM 2005 không quy định về hoạt động phân phối, nhưng trên thực tiễn kinh doanh của thương nhân thì xuất hiện loại hợp đồng này.
Trong loại hợp đồng này, nhà phân phối hoạt động độc lập, mua hàng hóa từ nhà sản xuất và nhân danh chính mình bán lại hàng hóa đó trong phạm vi hợp đồng dài hạn được ký kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất. Nhà phân phối trong trường hợp này là chủ sở hữu của hàng hóa, chịu trách nhiệm về mọi rủi ro đối với hàng hóa đó. Việc phân định giữa hợp đồng đại lý và hợp đồng phân phối phụ thuộc vào các điều khoản cụ thể mà các bên thỏa thuận có tính quyết định bản chất của hai loại hợp đồng này.
Trong hợp đồng phân phối chứa đựng các điều khoản xác lập quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán, cơ bản phản ánh tính độc lập về mặt pháp lý của các bên, sự độc lập này vẫn tồn tại ngay cả trong trường hợp các bên có những thỏa thuận mà theo đó nhà phân phối có nghĩa vụ tuân thủ một số chỉ dẫn nhất định của nhà sản xuất liên quan tới phương thức hoạt động nhưng không ảnh hưởng đến quyền định đoạt hàng hóa của nhà phân phối. Có lẽ chính những thỏa thuận này làm cho các bên nhầm lẫn giữa hợp đồng phân phối hàng hóa với hợp đồng đại lý trong quá trình giao kết hợp đồng.
Bản chất của hợp đồng phân phối chính là hợp đồng mua bán có điều kiện, thế nên, nó có dấu hiệu của quan hệ đại lý, nhưng đó là mua đứt bán đoạn.
Tranh chấp hợp đồng đại lý thể hiện trong quyết định giám đốc thẩm số 05/2011/KDTM-GĐT ngày 20/7/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là một ví dụ về sự nhầm lẫn giữa hợp đồng phân phối hàng hóa với hợp đồng đại lý. Hợp đồng có nội dung như sau: Công ty Cổ phần (CTCP) Chữ thập đỏ Việt Nam có quan hệ hợp đồng đại lý thuốc tân dược (Reamberin, Cycloferon viên và ống) với các công ty: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thương mại dược phẩm Thống Nhất, CTCP Dược phẩm Y Phương, CTCP Dược phẩm Thanh Phương, CTCP Dược Hòa Bình.
Mặc dù hình thức các bên ghi trong hợp đồng là đại lý nhưng các điều khoản trong hợp đồng lại trái với bản chất của hoạt động đại lý như chứa đựng thỏa thuận bên đại lý là chủ sở hữu hàng hóa, bên đại lý phải chịu rủi ro do hàng hóa mất mát, hư hỏng… Bên cạnh đó, một số thỏa thuận khác mang tính chất là các chỉ dẫn của nhà sản xuất đã làm các bên lầm lẫn mà xác định đây là hợp đồng đại lý.
Các bên thỏa thuận cụ thể về mức chiết khấu, tiền thưởng khi bán hàng vượt doanh số, mức phạt khi không đạt 100% giá trị hợp đồng… Sở dĩ có sự nhầm lẫn đó vì những thỏa thuận này thường có trong hợp đồng đại lý nhằm khuyến khích nỗ lực bán hàng của bên đại lý.
Nếu đây chỉ là hợp đồng mua bán thông thường thì các bên không nhất thiết phải đặt ra các điều khoản mang tính chất chỉ dẫn nghiêm ngặt giống như trên. Tuy nhiên, vì đây là hợp đồng phân phối - hợp đồng mua bán có điều kiện nên bên phân phối phải tuân thủ những chỉ dẫn nhất định của nhà sản xuất liên quan đến phương thức hoạt động. Thực tế xét xử vụ án này các tòa sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm đều giải quyết theo hướng xác định đây là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Tranh chấp thể hiện trong bản án số 80/2008/DSPT ngày 17/3/2008của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao cũng là một ví dụ khác. Nội dung bản án thể hiện ông Trần Văn Dũng đã ký kết hợp đồng đại lý độc quyền với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.
Theo hợp đồng đại lý này, ông Dũng được Công ty Coca-Cola chỉ định là đại lý độc quyền tiếp thị và phân phối các sản phẩm cho Công ty Coca-Cola Việt Nam, ngược lại ông Dũng được hưởng hoa hồng cùng các quyền lợi khác, đồng thời ông Dũng phải có các nghĩa vụ mua hàng và thanh toán các khoản tiền hàng theo đúng quy định.
Dựa vào những nội dung trên, đây là hợp đồng phân phối hàng hóa (hợp đồng mua bán có điều kiện) chứ không phải là hợp đồng đại lý như các bên ghi trong hợp đồng. Ban đầu, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp mua bán hàng hóa. Sau đó, tại cấp phúc thẩm tuyên rằng cấp sơ thẩm đã xác địnhquan hệ tranh chấp trong vụ kiện này là “Tranh chấp hợp đồng mua bán” và áp dụng Khoản 3 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự để xét xử là không đúng, bởi lẽ ông Trần Văn Dũng với Công ty nước giải khát Coca-Cola Việt Nam có ký hợp đồng kinh tế đại lý độc quyền. Theo hợp đồng đại lý này, ông Dũng được Công ty Coca-Cola Việt Nam chỉ định là đại lý độc quyền tiếp thị và phân phối các sản phẩm cho Công ty Coca-Cola Việt Nam sản xuất, ngược lại ông Dũng được hưởng hoa hồng phân phối cùng các quyền lợi khác.
Tại phiên tòa phúc thẩm hai bên đều thừa nhận đây là hợp đồng đại lý không phải hợp đồng mua bán. Như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã dựa vào tên gọi của hợp đồng và lời khai của các bên giao kết hợp đồng để xác định loại hợp đồng. Trong trường hợp này, cụ thể là lời khai của đương sự thống nhất với nhau nhưng lại khác với thỏa thuận trong hợp đồng thì ngoài xem xét hai vấn đề trên, Tòa án còn phải xem xét cả quá trình thực hiện hợp đồng để xác định đây là hợp đồng đại lý hay mua bán hàng hóa. Theo đó cần xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng có sự chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa hay không. Tuy nhiên, Tòa án đã không xem xét đến vấn đề này.
Qua thực tiễn hai vụ việc trên cho thấy không chỉ các bên trong hợp đồng nhầm lẫn hình thức của hoạt động mình đang thực hiện mà chính các cơ quan tài phán - được mặc định là phải am hiểu các quy định của pháp luật hơn cũng chưa rõ ràng trong việc xác định.
Thiết nghĩ, khi xét xử, Tòa án phải dựa vào bản chất của các thỏa thuận cũng như cả quá trình thực hiện hợp đồng để xác định cho đúng loại tranh chấp. Một khi các bên đã có các thỏa thuận mua bán và thực hiện chuyển quyền sở hữu trên thực tế thì phải xác định quyền và nghĩa vụ của các bên như là giữa bên mua và bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Thực ra, nếu phải thực hiện hợp đồng đại lý theo đúng với các đặc điểm của nó, bên giao đại lý là bên có nhiều nguy cơ rủi ro hơn cả do tính chất của việc sở hữu hàng hóa. Bên giao đại lý có thể đối mặt với các rủi ro sau:
Thứ nhất, bên đại lý bán xong hàng hóa nhưng không thanh toán lại tiền cho bên giao. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bên đại lý có hành vi bội tín, không tôn trọng đạo đức kinh doanh.
Thứ hai, bên giao đại lý phải gánh chịu những rủi ro về mất mát, hư hỏng của hàng hóa. Bên giao là chủ sở hữu nhưng trên thực tế không phải là người chiếm hữu thế nên bên giao đại lý không thể trực tiếp quản lý hàng hóa của mình. Hàng hóa trong sự quản lý của bên đại lý có thể bị tổn thất nếu có những rủi ro xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc do sự thiếu thiện chí của bên đại lý trong bảo quản hàng hóa dẫn đến cháy nổ, quá hạn sử dụng…Và một khi có tổn thất, về nguyên tắc bên giao đại lý phải gánh chịu vì hàng hóa vẫn thuộc sở hữu của bên giao đại lý.
Trên đây là hai lý do mà các thương nhân e ngại khi giao kết loại hợp đồng này. Do đó, khi soạn thảo hợp đồng thương nhân giao đại lý đã đưa ra các điều khoản có mục đích đẩy rủi ro sang cho bên đại lý.
Vậy, việc các bên thỏa thuận các điều khoản mang bản chất mua bán đứt đoạn trong hợp đồng đại lý không hẳn là nhầm lẫn do thiếu hiểu biết mà là sự nhầm lẫn một cách có chủ đích của thương nhân giao đại lý. Bên đại lý có thể không biết bất lợi này, hoặc biết nhưng vẫn chấp nhận vì họ không có quá nhiều lựa chọn: hoặc tiếp tục làm đại lý để nhận thù lao hoặc không tiếp tục giao kết với bên giao đại lý nữa.
Mỗi hoạt động thương mại đều tồn tại những ưu và nhược điểm riêng. Đại lý thương mại cũng không phải là ngoại lệ. Một khi lựa chọn kênh phân phối nào thì thương nhân phải cân nhắc các yếu tố như đặc tính hàng hóa, chiến lược kinh doanh, hệ thống cửa hàng sẵn có… chứ không nên dùng các ưu thế của doanh nghiệp dồn ép bên đại lý nhằm có lợi cho mình.
Hơn nữa, trong hình thức đại lý thương mại, bên giao đại lý đã có lợi khi không phải trực tiếp thiết lập cơ sở vật chất để phân phối hàng hóa mà vẫn thực hiện được mục tiêu bán hàng, mở rộng thị trường. Đây gọi là “được” và “mất” trong kinh doanh, thương nhân chiến lược phải biết cách dung hòa hai mặt này để đạt lợi nhuận tối đa.
Pháp luật không cấm việc các bên thỏa thuận khác bản chất đại lý trong hợp đồng đại lý nên việc các bên thỏa thuận như vậy là không vi phạm pháp luật ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định bắt buộc các bên phải giao kết với nhau dưới hình thức hợp đồng đại lý. Tuy nhiên, vai trò của pháp luật là đem lại sự công bằng cho tất cả chủ thể nên cần có những quy định có tính chất thu hẹp một số quyền của bên giao đại lý để việc thực hiện hoạt động này đi vào khuôn khổ.
Vấn đề xác định tư cách chủ thể của các bên trong hợp đồng đại lý
Về nguyên tắc, tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng đại lý là tranh chấp kinh doanh thương mại vì cả hai bên đều là thương nhân. Tuy nhiên, người làm đại lý bảo hiểm không có tư cách thương nhân, do đó tranh chấp giữa công ty bảo hiểm và người làm đại lý bảo hiểm không thể xác định là tranh chấp kinh doanh thương mại.
Mặt khác, nếu xét vai trò, chức năng của người làm đại lý bảo hiểm cũng như theo quy định của pháp luật lao động thì cũng không đủ cơ sở cho rằng cá nhân hoạt động trung gian bảo hiểm này có tư cách là người lao động của của doanh nghiệp bảo hiểm theo quan hệ lao động làm công ăn lương.
Chính vì điều này mà trên thực tế chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người trung gian bảo hiểm này không thống nhất, có doanh nghiệp áp dụng chế độ đãi ngộ như trong quan hệ lao động, có bảo hiểm xã hội, lương cơ bản và phần trăm hoa hồng trên doanh thu, có doanh nghiệp đơn thuần chỉ trả thù lao đại lý, theo đó dẫn đến quyền lợi chính đáng của cá nhân hoạt động trung gian bảo hiểm không được đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước, dẫn đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm lộn xộn và không theo một trật tự nhất định.
Trong thực tiễn xét xử, Tòa án đã mất rất nhiều thời gian để xác định loại tranh chấp vì gặp phải nhiều vướng mắc trong việc xác định tư cách của đại lý bảo hiểm trong hợp đồng đại lý bảo hiểm nhưng vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để.
Việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định loại tranh chấp trong bản án số 540/2006/DS-ST về hợp đồng bảo hiểm là một ví dụ điển hình. Tranh chấp xảy ra giữa nguyên đơn là ông Lâm Văn Vẽ và bị đơn là công ty TNHH Manulife. Theo hợp đồng đại lý ký ngày 2/1/2002, các bên thỏa thuận ông Lâm Văn Vẽ là đại lý của công ty TNHH Manulife.
Ngày 18/5/2005 Công ty thông báo chấm dứt hợp đồng đại lý với lí do ông vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty khi tham gia một số hoạt động với công ty bảo hiểm nhân thọ khác trong lúc vẫn là đại lý của công ty, đồng thời báo cáo trường hợp của ông lên Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, hiệp hội đã thông báo cho các doanh nghiệp khác không được ký hợp đồng đại lý bảo hiểm với ông trong thời hạn ba tháng. Không đồng ý, ông Lâm Văn Vẽ khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án,Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là tranh chấp dân sự.
Mặc dù xác định đây là tranh chấp dân sự nhưng Tòa án không nêu rõ căn cứ trong khi loại hợp đồng này vẫn còn nhập nhằng giữa bản chất là tranh chấp dân sự hay thương mại hay lao động. Xác định loại tranh chấp có vai trò quan trọng trong giải quyết vụ án từ xác định tòa có thẩm quyền đến luật áp dụng và các thủ tục tố tụng… Do đó, khi có tranh chấp liên quan đến hợp đồng này, cần xác định chính xác tư cách của đại lý bảo hiểm để có đường hướng xét xử chính xác và triệt để.
( Theo: Tamnhin.net.vn )