Giao nhận quốc tế: Đơn hàng tỉ USD
FedEx, hãng chuyển phát nhanh toàn cầu, vừa nâng cấp dịch vụ giao nhận từ xa (RPI) với thời gian phản hồi đơn hàng được rút ngắn từ 24 giờ xuống còn 2 giờ. Theo đại diện FedEx, dịch vụ này hứa hẹn giúp tăng năng suất và tăng phản hồi kịp thời của khách hàng.
Dịch vụ RPI ra đời không ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu mới trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là lĩnh vực sôi động, trở thành xu hướng tất yếu và không một quốc gia nào đứng ngoài cuộc chơi. DHL từng dự báo, đến năm 2020, thương mại xuyên biên giới sẽ đạt giá trị 900 tỉ USD, chiếm 22% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu. Còn theo ước tính của Accenture, có đến 900 triệu người trên thế giới sẽ trở thành người tiêu dùng quốc tế nhờ mua hàng nước ngoài qua internet.
Ở Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới từ nước ngoài về Việt Nam có nhiều tiềm năng bùng nổ. Báo cáo từ Google và Temasek cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về thương mại điện tử và ước đạt doanh thu 15 tỉ USD vào năm 2025. Còn theo Statista, năm ngoái, gần 50 triệu người Việt Nam đã mua hàng qua kênh thương mại điện tử. Đây là các con số đủ hấp dẫn bất kỳ doanh nghiệp thương mại điện tử nào, từ Amazon đến eBay, Alibaba, nhất là khi ước tính có đến 33% số người mua hàng trực tuyến từng mua một món hàng từ nước ngoài.
Trong chiến lược mở rộng toàn cầu, cả Amazon và Alibaba đều đang xúc tiến nhiều hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đại diện Amazon Global Selling từng kỳ vọng thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn 6 lần so với ngành bán lẻ offline.
Ở chiều ngược lại, bán hàng xuyên biên giới từ Việt Nam ra thị trường các nước Đông Nam Á cũng đầy tiềm năng. Doanh thu thương mại điện tử ở Đông Nam Á dự báo sẽ đạt 240 tỉ USD vào năm 2025, theo Google và Temasek. Ngoài ra, theo Maybank, với dân số hơn 600 triệu dân nhưng thương mại điện tử ở Đông Nam Á chỉ chiếm chưa tới 4% tổng doanh thu ngành bán lẻ, Đông Nam Á đã trở thành mỏ vàng trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.
Dù vậy, ông Phạm Tấn Đạt, Giám đốc sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Fado.vn, cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới có nhiều rào cản cần giải quyết. Đó là rào cản ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh, thủ tục giao dịch, thanh toán quốc tế, kiểm soát hàng hóa và khâu logistics quốc tế.
Theo Tổng cục Hải quan, có đến 80% lượng giao dịch thương mại điện tử hàng hóa xuyên biên giới có giá trị dưới 30USD. Do vậy, người mua hay người bán hàng thường không có kinh nghiệm về xuất nhập khẩu hàng hóa hay những mức thuế phải đóng cũng như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thậm chí, Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trong lĩnh vực hải quan.
Điều này lý giải vì sao ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trung gian kết nối, làm dịch vụ hậu cần như Fado, Netsale... hoặc các startup về giao nhận, hoàn tất đơn hàng xuyên biên giới BoxMe, Gido, WeShop (thuộc Tập đoàn NextTech)... đã ra đời. Các công ty này áp dụng công nghệ mới cũng như hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics và thương mại điện tử tại Việt Nam và nhiều nước... để tạo chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn thiện. Một số hãng logistics quốc tế thường được doanh nghiệp lựa chọn hợp tác để cùng triển khai dịch vụ giao nhận xuyên biên giới là SF Express, UPS, DHL, DPEX, TNT, EMS, FedEx...
Riêng BoxMe còn kết hợp với nhà cung cấp kho bãi địa phương để cung cấp dịch vụ hoàn thiện đơn hàng ra nước ngoài, hoặc thông qua Shipchung.vn để kết nối với các nhà vận chuyển trong nước. Mở rộng hơn, BoxMe cung cấp dịch vụ giao hàng xuyên biên giới cho các dự án gọi vốn cộng đồng. Đây là những dự án mà sau khi gọi vốn và phát triển thương hiệu thành công, thường đối mặt với những bài toán về xử lý đơn hàng. BoxMe có thể giúp các dự án này phân phối hàng với chi phí giao nhận tiết kiệm hơn.
Trong khi đó, Gido tận dụng hệ thống giao nhận hàng hóa của Giao Hàng Nhanh và Ahamove (cùng công ty mẹ Scommerce) với 1.000 điểm giao nhận hàng và 30.000 tài xế trên toàn quốc để giúp Gido rút ngắn thời gian nhận hàng. Gido hiện cung cấp dịch vụ giao hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Về lâu dài, Gido sẽ thử nghiệm cung cấp dịch vụ xuất hàng từ Việt Nam sang nước khác. Gido cũng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giao nhận và mở rộng thị trường. Đó là lý do trong năm 2019, Gido dự kiến kết nối với sàn thương mại điện tử lớn nhất châu Á để mang nguồn hàng quốc tế đa dạng, chất lượng cao về phục vụ Việt Nam.
Riêng các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam thì tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới theo đường bộ, sang Lào, Campuchia, có thể kết hợp đến Thái Lan. Có thể kể ra các tên tuổi như Sotrans, Hanlog, Hateco Logistics, ASL Corp, Thiên Kim và LTL...
Tại Việt Nam, ước tính doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới vào khoảng 28 triệu USD năm 2018, chiếm chưa tới 1% tổng doanh thu toàn ngành thương mại điện tử, cho thấy tiềm năng còn rất lớn. Nhu cầu thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình ước đạt 20.000 đơn hàng/ngày và ước tăng lên 100.000 đơn hàng/ngày cuối năm 2019, thị trường giao nhận xuyên biên giới hứa hẹn sẽ có thêm nhiều gương mặt mới tham gia.
Ngọc Thủy
TIN CŨ HƠN
- Mua Shopee thanh toán Airpay, Sendo thanh toán Senpay, nhưng Tiki không thể thanh toán được ZaloPay?
- Start-up SWIFT247: Du học sinh Anh giải bài toán ship hàng xuyên quốc gia với tốc độ máy bay sau một lần suýt lỡ visa du học
- Cuộc đua giao nhận hàng: Công nghệ là yếu tố bứt phá
- Thương mại điện tử khai thác mảng mua bán xe máy, khó khăn và thách thức?
- Cuộc đua đốt tiền của Lazada và Shopee tại Đông Nam Á
- Lazada nhảy vào cuộc đua ví điện tử Việt Nam
- Tủ khóa thông minh đang là tương lai của thương mại điện tử?
- Phát triển startup tỉ đô la từ nền tảng thương mại điện tử
- Quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới: Hãy học kinh nghiệm từ quốc tế
- Shopee dẫn dầu, Sendo bứt tốc cuộc đua bán hàng trên di động