Giới startup Việt đi qua bão táp năm 2020: Nhiều tên tuổi ghi danh trên đỉnh cao, không ít số phận rơi xuống vực sâu
Ngược lại, không ít cái tên đình đám như WeFit, Leflair, Lamita… đã không còn nữa hoặc tạm dừng lại.
Năm 2020 là một năm đầy khốc liệt với các SMEs nói chung và startup nói riêng tại thị trường Việt Nam. Khi Covid-19 ập đến một cách đầy bất ngờ, startup chính là thành phần kinh tế bị tổn thương nặng nề nhất. Với nguồn lực yếu, mô hình kinh doanh mới mẻ và đặc biệt là chưa có bất cứ kinh nghiệm nào trong việc ứng phó với các khủng hoảng mang tầm quốc tế như các “đồng nghiệp lão làng” ở các tập đoàn và công ty lớn; nhiều founder hoặc CEO đã thực sự choáng váng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các startup đều bị tác động giống nhau, tùy ngành nghề, mô hình kinh doanh và tài lèo lái của đội ngũ lãnh đạo; nhiều startup bị rơi xuống vực sâu, có người vươn đến đỉnh cao và số còn lại vẫn đang vật vã để sinh tồn.
Về những startup ghi danh trên đỉnh cao
Ngoài những cái tên sừng sỏ trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam như Tiki, VNPay, còn có nhiều startup tốt trong ngành đang hưởng lợi từ Covid-19 như y tế, sức khỏe, giải trí số, thương mại điện tử, cùng những ngành vốn được ưa chuộng trước đại dịch như proptech, fintech, nhân sự…
Ở thời điểm nào, dù trước hay sau Covid-19, các nhà đầu tư cũng tìm kiếm các startup tốt trong các thị trường tiềm năng để ‘đánh cược’, chỉ là trong Covid-19, họ sẽ ưa chuộng các startup đang tăng trưởng vượt bậc ‘nhờ’ khủng hoảng so với trước kia. Các nhà đầu tư mạo hiểm thường nhìn vào dài hạn khi đầu tư, nhưng trong Covid-19, chỉ cần một chút lơ đễnh, startup nào có thể chết ‘bất đắc kỳ tử’.
Trong khủng hoảng, kết quả tức thời cũng quan trọng không kém tương lai dài hạn, muốn thành "Kỳ lân" hay "Siêu kỳ lân" gì đó thì trước tiên phải sống cái đã.
Có thể nói, tin tức quan trọng nhất của giới startup Việt Nam trong năm nay chính là việc VNPay trở thành "Kỳ lân" thứ hai sau VNG. Đã lâu lắm rồi, Việt Nam mới có thêm "Kỳ lân" nữa! Báo cáo eConomy SEA 2020 thực hiện bởi Google, Temasek và Bain & Company vào cuối năm 2020 cho thấy, Đông Nam Á hiện có 12 startup ‘Kỳ lân’, tăng thêm 1 startup so với năm ngoái, đó là VNPay của Việt Nam. Trong 6 thương vụ đầu tư ‘khủng’ nhất tại Việt Nam trong năm 2019, VNPay đứng đầu với 300 triệu USD huy động từ Vision Fund (SoftBank) và GIC Pte.
Trước đó, danh sách 11 startup kỳ lân theo báo cáo eConomy SEA 2019 gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka, Tokopedia và VNG. Nhìn vào danh sách, chúng ta có thể thấy các công ty có ‘quốc tịch’ Indonesia và Singapore chiếm đa số, đặc biệt không thấy xuất hiện các startup đến từ Malaysia và Thái Lan.
Còn Tiki chính là quán quân của công cuộc gọi vốn năm nay, khi vào giữa tháng 6/2020, theo nguồn tin của tờ Dealstreet Asia, Tiki đã huy động thành công thêm 130 triệu USD trong vòng huy động vốn mới nhất, dẫn đầu bởi quỹ tư nhân Northstar Group. Được biết, vòng huy động vốn này dự kiến sẽ có thể thu về 150 triệu USD nếu có thêm các nhà đầu tư quan tâm.
Vòng gọi vốn này của Tiki đã diễn ra khá lâu, kéo dài từ năm 2019 sang 2020, nên rất khó để xác định nó thuộc năm nào, cũng như số tiền cụ thể.
Siêu Việt Group nhận 34 triệu USD tiền đầu tư trong năm 2020.
Tiếp theo là Siêu Việt Group nhận 34 triệu USD. Vào tháng 2/2020, Affirma Capital công bố thông tin đầu tư 34 triệu USD vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) - đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Thương vụ này là khoản đầu tư thứ 5 của Affirma Capital tại Việt Nam kể từ năm 2014, sau N Kid Corporation, Online Mobile, Tập đoàn Lộc Trời và Golden Gate Group.
Propzy – startup trong lĩnh vực proptech kêu gọi thành công 25 triệu USD tiền đầu tư trong vòng gọi vốn Serie A, do Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia dẫn đầu. Các nhà đầu tư khác gồm Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia.
OnPoint cùng Beta Media cũng gọi thành công 8 triệu USD, VN Trip được rót 7 triệu USD từ vòng gọi vốn Serie B, F88 cũng thông báo nhận thêm 6 triệu USD trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ ba từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III và Granite Oak, Okxe Việt Nam huy động được 5,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A từ các nhà đầu tư nước ngoài…
3 thương vụ đầu tư còn lại trong Top 10 (không kể Tiki) trong năm nay là: Riviu có 3,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, BuyMed nhận 2,5 triệu USD trong vòng tiền Serie A – được dẫn dắt bởi chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Ventures; JobHopin được đầu tư 2,45 triệu USD từ Sema Translink, KK Fund, Mynavi Corporation, Edulab Capital Partners, NKC Asia, Canaan Capital và một số nhà đầu tư thiên thần của Việt Nam.
Về những startup rơi xuống vực sâu
Trừ những startup bị Covid-19 đánh trực tiếp như du lịch – xuất khẩu, giáo dục, bất động sản văn phòng…; những người còn lại chết là bởi tình hình kinh doanh đã tệ trước đó và con virus Corona chỉ là giọt nước làm tràn ly. Tức là, nếu không có Covid-19, các startup đang trên đà lụn bại may ra có thể lay lắt thêm 2 đến 3 năm nữa, chứ không phải chết ngay trong năm 2020.
Thêm nữa, với những ‘bê bối’ của WeWork, Uber ở thị trường quốc tế hay Món Huế tại Việt Nam trong năm 2019, các nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn khi xuống tiền khiến quá trình gọi vốn của startup ngày càng khó khăn hơn.
Việc WeFit phá sản khiến nhiều người trong giới startup cảm thấy nuối tiếc.
Dù không có con số chính thức đã có bao nhiêu startup ‘hy sinh’ trong năm 2020, nhưng chắc chắn 3 cái tên ‘xuống vực sâu’ và gây tiếc nuối nhất chính là WeFit, Lefair và Lamita. Một câu bông đùa thịnh hành gần đây chính là: Startup miễn sao không nổi tiếng trên truyền thông - như được Forbes bình chọn, hay gọi vốn thành công ở Shark Tank - là không chết. Ai cũng có thể chết vào bất kỳ lúc nào nếu không tỉnh táo.
Nguyễn Khôi – Founder kiêm CEO WeFit từng được Forbes bầu vào danh sách 30 Under 30 năm 2018. Đầu năm 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A tiếp theo từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác. Và cũng trong năm 2019, họ chính thức lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp và đổi tên công ty thành WeWow.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ vào cuối năm 2019, khi có rất nhiều đối tác đứng lên tố WeFit không trả tiền đúng hạn cũng như nhiều khách hàng bắt đầu phàn nàn về dịch vụ của doanh nghiệp này. Đến tháng 11/5/2020, Công ty công nghệ Onaclover – chủ sở hữu của ứng dụng WeFit, tuyên bố chính thức phá sản.
Ở đây, chúng tôi sẽ không bàn về nguyên do khiến WeFit phá sản, vì truyền thông đã nói rất nhiều về đề tài này trong suốt một năm qua; chúng ta chỉ nói đến cảm xúc của giới khởi nghiệp khi chứng kiến startup hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ không còn nữa.
Theo đó, hầu hết mọi người đều cảm thấy bất ngờ và vô cùng tiếc nuối khi biết WeFit bỏ cuộc chơi. Bởi, để giữ cho một startup sống sót trong 4 năm và gầy dựng được lượng khách hàng vài trăm ngàn người là điều không hề dễ dàng. Khôi Nguyễn vẫn "im thin thít và lặn mất tăm” kể từ khi WeFit giải thể đến nay, tuy nhiên, với kinh nghiệm – tài năng – những mối quan hệ đã gầy dựng trong suốt nhiều năm vừa qua, có thể anh sẽ trở lại sớm thôi.
Giống WeFit, một startup nổi tiếng khác ở miền Bắc là Lamita đã có một năm 2020 vô cùng tồi tệ. Trong năm 2019, họ từng gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank khi Shark Liên và Shark Hưng đồng ý đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% vốn cổ phần.
Hành trình đóng cửa của Lamita: từ bệ phóng Shark Tank, tới cuối 2019, startup này đã có 60 điểm tập trên toàn quốc, 60.000 khách hàng, tỷ lệ khách hàng ở lại đạt 65-70%. Tận dụng sức nóng của chương trình, Lamita cũng ra mắt mô hình nhượng quyền mới, với kỳ vọng hoàn vốn trên mỗi địa điểm từ 12 -18 tháng, tỷ suất lợi nhuận dự kiến đạt từ 250% - 300% sau 36 tháng.
Tuy nhiên sang đến 2020, dưới tác động của Covid-19, mô hình mới của Lamita Fitness bắt đầu lao đao. Khi làn sóng Covid-19 lên cao, startup phải đóng cửa toàn bộ 65 điểm tập, doanh thu offline về 0, lương nhân viên giảm 30-50%. Các hoạt động lập luyện của học viên cũng phải chuyển hết lên kênh online.
Song song đó, founder Vũ Thị Thùy Linh cho biết: thương vụ đầu tư với Shark Liên và Shark Hưng cũng không đi đến cuối cùng. Dù đã tới giai đoạn chốt ký nhưng do có sự thay đổi trong chiến lược lựa chọn nhà đầu tư cũng như tồn tại một số vấn đề không phù hợp nên cuối cùng startup phải từ chối nhận vốn.
Tưởng như việc chuyển đổi mô hình, đẩy mạnh kênh online là hướng đi giúp startup sớm lấy lại phong độ sau dịch, giúp Lamita vượt qua được giai đoạn khó khăn, tuy nhiên sự thật ngược lại. Vào ngày 4/1/2021, Lamita bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động hệ thống phòng tập này.
Startup cho hay việc đi đến quyết định này xuất phát từ "những khó khăn, vướng mắc nội bộ không thể giải quyết", đồng thời còn kỳ vọng quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Lamita mất 7 năm để xây song chỉ cần 1 năm để suy sụp. Tuy nhiên, theo Vũ Thị Thùy Linh, đây có thể chỉ là bước lùi tạm thời của chị, trong tương lai gần, chị sẽ quay trở lại với một diện mạo khác.
Leflair là một cái tên khác được ‘tử thần’ gọi tên trong năm 2020. Leflair từng là một cái tên đình đám ở mảng thương mại điện tử Việt Nam, là cái tên đại diện cho sự thành công của những nhà sáng lập nước ngoài khi đến khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhưng, cuối cùng, doanh nghiệp 5 năm tuổi này vẫn không thể vượt qua được thời điểm khủng hoảng.
Hơn nữa, hồi kết của Leflair cũng dính nhiều thị phi hơn 2 cái tên kể trên, khi nhiều nhà cung cấp tố startup này quỵt nợ họ 2 triệu USD hồi đầu năm 2020 đến lệnh truy tìm của cảnh sát TP. HCM sau đó.
Giới truyền thông cho rằng, cái chết của Leflair đến từ 2 vấn đề: "nghiện" quảng cáo trên mọi mặt trận như Facebook, Google và “đốt tiền” thuê văn phòng đẹp, trả lương cao cho nhân viên; nên dù đã gọi được vốn họ vẫn chết như thường.
"Chúng tôi quay trở lại con đường gọi vốn vào cuối năm 2019, khoảng cuối tháng 10. Năm 2019, chúng tôi dự đoán doanh thu của Leflair sẽ vượt 100 - 200 triệu USD.
Chúng tôi sử dụng vốn để nâng cấp hoạt động cho công ty, như về công nghệ, hệ thống, nhân sự và mở rộng mạng lưới sang Philippines. Vì vậy, chúng tôi muốn kêu gọi đầu tư trong 2019 để có thể nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nếu nhận được khoản đầu tư 30 - 40 triệu USD, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng cáo, marketing và tăng doanh thu gấp 2, 3, 4, thậm chí 5 lần.
Đây không phải chiến lược xa lạ, mà là một cách thức vẫn hay sử dụng cho các startup như chúng tôi. Nhưng thật không may, đây là một năm rất-rất-rất khác, xu hướng kinh doanh cũng thay đổi.
Chúng tôi đã thảo luận với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và quỹ đầu tư tư nhân (PE) ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và nhận được rất nhiều sự quan tâm. Bởi rõ ràng, tôi không phải người duy nhất đặt niềm tin vào kinh tế Việt Nam. Cả thế giới đều quan tâm đến Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhưng cùng lúc đó, ngày càng có nhiều tranh cãi xung quanh những gì đã xảy ra với các doanh nghiệp như WeWork…", ông Loic Gautier – Co-founder kiêm CEO kể về những ngày tháng trước khi Leflair phá sản.
Theo ông Loic Gautier, sở dĩ doanh nghiệp của mình sụp đổ là bởi không chứng minh được mô hình của mình sẽ nhanh chóng sinh lời và phát triển bền vững, cộng với ảnh hưởng xấu của Covid-19 lên thị trường cũng như khả năng tiêu dùng của người dân; khiến các nhà đầu tư ngại ngùng và hậu quả là không ai chịu xuống tiền cho Leflair.
Một lùm xùm khác trong giới startup năm nay có thể kể đến trường hợp của Vilabe – startup đã đạt giải nhất cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020", với sản phẩm hộp chén dĩa được làm từ lá chuối thay thế hộp chén dĩa giấy đang bán trên thị trường, nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Ngay sau khi đoạt giải, Diệu Linh – một trong những người khởi xướng dự án đã lên tiếng ‘tố’ rằng: ngoài kia, đang có khoảng 10 bên tranh đăng ký thương hiệu và tên miền cũng bị mua sạch.
Ngay sau khi đoạt giải, startup Vilabe đã gặp phải những lùm xùm không đáng có.
Tuy nhiên, chỉ ngay hôm sau, có một Facebooker tên Gia Tường đã bất ngờ đăng status nói về việc Vilabe và Diệu Linh đã nhờ người khác chỉnh sửa hình ảnh của sản phẩm rồi mới mang đi thi. Thực tế, sau khi ra thành phẩm, lá chuối sẽ ngả vàng và sản phẩm của Vilabe có màu vàng chứ không phải màu xanh mát mắt như trong các bức ảnh mà startup này giới thiệu.
Ngoài ra, theo nhiều người, công nghệ để sản xuất loại sản phẩm như của Vilabe không mới, nhiều cơ sở đã sản xuất được và rất dễ bắt chước. Và sở dĩ, chúng ta vẫn chưa thấy hộp chén dĩa làm từ lá chuối hoặc các loại thực vật khác xuất hiện nhiều trên thị trường, là bởi giá thành sản xuất của chúng cao hơn nhiều so với hộp chén dĩa nhựa đang lưu hành phổ biến trên thị trường.
Và những startup vật vã để sinh tồn
Những startup đang vật vã để sinh tồn thường là các startup bị tác động rất xấu bởi Covid-19, nhưng có founder tài giỏi và nhà đầu tư hùng mạnh hoặc những startup hoạt động trong thị trường tiềm năng nhưng đội ngũ lãnh đạo hoặc vận hành chưa tốt. Đây là thành phần đang hiện diện nhiều nhất trên thị trường khởi nghiệp Việt và họ chính là những người đang phải chiến đấu sinh tồn vất vả hơn tất cả.
Hậu Covid-19, chắc chắn số lượng startup nằm ở ‘mảnh đất’ này sẽ biến động dữ dội, kẻ yếu sẽ chết và kẻ mạnh sẽ sống, cũng như có cơ hội bùng nổ sau khi hoạn nạn đi qua.
Về thị trường vốn khởi nghiệp
Năm 2020 là năm không có nhiều thương vụ đầu tư lớn như năm 2019. Năm 2019, Việt Nam có 3 thương vụ đầu tư từ 100 triệu USD trở lên, bao gồm đầu tư vào VN Pay, Momo và Giao Hàng Nhanh; ngoài ra còn có Sendo nhận 61 triệu USD, Telio nhận 25 triệu USD. Thực tế, hầu hết thương vụ lớn thành công trong năm nay như của Tiki hay Siêu Việt, Propzy… đều bắt đầu từ năm ngoái hoặc trước đó, nhà đầu tư và startup đã quen biết nhau.
Covid-19 buộc các nước phải ‘bế quan tỏa cảng’, ngành hàng không quốc tế dường như bị tê liệt. Hậu quả, các founder và quỹ đầu tư rất khó gặp gỡ, mà như người ta hay nói, quỹ đầu tư tìm startup để đầu tư giống như đi tìm vợ và chẳng ai đủ can đảm cưới người mình chưa trực tiếp mặt đối mặt bao giờ. Theo một vài thống kê, thì số thương vụ đầu tư vào startup trong năm 2020 chỉ bằng 1/4 năm trước Covid-19. Như thế, lượng tiền đổ vào các startup trong năm 2020 không chỉ giảm về chất lượng mà còn cả số lượng.
"Thật ra, ở phần thẩm định, đa phần quỹ đều muốn về Việt Nam gặp trực tiếp công ty để trao đổi này kia, rồi gặp nhân viên và xem công việc kinh doanh thực tế của startup như thế nào. Nhưng tôi nghĩ, với những công cụ hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại như bây giờ, chúng ta có thể thực hiện một phần công việc thẩm định từ xa.
Hơn nữa, theo tôi, các quỹ sẽ linh hoạt thôi! Các quỹ thường có những đối tác và những mối quan hệ tại Việt Nam hoặc họ sẽ cử đại diện đến Việt Nam bằng cách nào đấy. Nếu muốn thì vẫn có cách. Nếu cần thiết, người của quỹ sẽ bay vào Việt Nam và cách ly 14 ngày. Nếu thật sự có một deal mà 2 bên đều mong muốn ký kết, mọi người sẽ có cách", Cao Trọng Kim Trí (Trí Cao), Phó Giám đốc Citigo – đơn vị sở hữu KiotViet cho biết.
Cũng theo anh Trí Cao, trong năm 2020, anh thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm tuyển nhân sự tại Việt Nam rất nhiều. Thật ra, các tổ chức tài chính đã lên kế hoạch một thời gian rồi chứ không phải vì Covid-19 họ mới bắt đầu tìm người hoặc thành lập quỹ ở Việt Nam. Anh Trí Cao đã gặp một vài bên và họ chia sẻ với anh như thế. Có nhiều quỹ lớn, họ thậm chí còn chia ra kinh phí – lập quỹ nhỏ chỉ chuyên đầu tư vào Việt Nam. Ngoại trừ những quỹ trong nước như Do Venture của anh Dzũng Nguyễn, còn những quỹ nước ngoài chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam.
Trong thời gian tới, có thể sẽ có làn sóng đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Hơn nữa, trước khi dịch bùng phát, anh Trí Cao cảm nhận được rằng, đang có làn sóng nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Do các thị trường trong khu vực đang có giá khá cao, trong khi thị trường Việt Nam tiềm năng hơn. Cụ thể: giá startup ở thị trường Indonesia hiện đang mắc hơn Việt Nam vì thị trường của họ rất to. Còn với Singapore, chỉ mảng công nghệ là họ mạnh, còn các mảng khởi nghiệp khác liên quan đến tiêu dùng không tốt như nhiều nước trong khu vực. Việt Nam là thị trường lớn chỉ đứng thứ hai sau Indonesia.
Một minh chứng cho nhận định của anh Trí Cao, ngay từ đầu năm 2021, Momo đã hoàn tất vòng gọi vốn Series D. Mặc dù ví điện tử này không công bố cụ thể số tiền mà họ nhận được, song theo các hãng truyền thông nước ngoài như Bloomberg, con số vào khoảng 100 triệu USD.
TIN CŨ HƠN
- Nhóm bạn trẻ TP.HCM đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nhờ ép thân cây chuối thành túi giấy: Kiểu dáng đẹp bất ngờ, hoàn toàn thân thiện với môi trường
- 9X khởi nghiệp trong năm Covid: “Đứa con sinh ra trong khó khăn bao giờ cũng có bản lĩnh phi thường"
- Startup Việt Nam sẽ nhận 815 triệu USD vốn đầu tư
- Việt Nam có 3 startup công nghệ "lọt mắt xanh" Microsoft vào danh sách "Highway to a 100 Unicorns" khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Nhìn từ một cuộc thi khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn: Các startup miền Nam đang thắng thế trong mảng nông nghiệp?
- Nhóm bạn trẻ TP.HCM đạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp nhờ ép lá chuối thành hộp, đĩa đựng thức ăn: Tự phân hủy, thay thế hoàn toàn hộp xốp, hộp nhựa
- Startup bí ẩn của ông Đinh Anh Huân vừa được quỹ đầu tư do Jack Ma sáng lập rót 50 triệu USD
- 2 triệu USD đã sẵn sàng đến tay các startup Thái Bình
- DiDi Chuxing tạo ra 'điều thần kỳ' trong giới startup giữa bão Covid-19: Tự tin chuẩn bị IPO sau khi bất ngờ có lãi vào quý 2, dự kiến giá trị đạt 60 tỷ USD
- 6 startup sẽ được rót 840.000 USD