Hai Di Lao - Đế chế lẩu hàng đầu Trung Quốc: Ông chủ không biết nấu lẩu cho ‘ra hồn’ nhưng khách vẫn nườm nượp, cứ 3 ngày mở 1 nhà hàng, vươn xa tới khắp Mỹ, Úc, Nhật, Hàn...

Từ một nhà hàng chỉ có vỏn vẹn 4 bàn, giờ đây Haidilao đã trở thành một đế chế nhà hàng hàng đầu tại Trung Quốc.

Zhang Yong từng là một học sinh bỏ học cấp ba và thậm chí mãi đến năm 19 tuổi người đàn ông này mới được đi ăn nhà hàng lần đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, gần 30 năm sau, ông đã trở thành tỷ phú sở hữu khối tài sản trị giá hơn 3,9 tỷ USD và điều hành một chuỗi nhà hàng với hơn 300 chi nhánh trên toàn thế giới.

Zhang là người đồng sáng lập kiêm CEO của Haidilao International Holding, công ty mẹ của chuỗi nhà hàng lẩu Hai Di Lao nổi tiếng. Năm 2017, doanh thu của họ đạt 1,6 tỷ USD và tháng 9 năm ngoái, Haidilao đã huy động thành công gần 1 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nâng mức định giá công ty lên gần 12 tỷ USD.

Hai Di Lao - Đế chế lẩu hàng đầu Trung Quốc: Ông chủ không biết nấu lẩu cho ‘ra hồn’ nhưng khách vẫn nườm nượp, cứ 3 ngày mở 1 nhà hàng, vươn xa tới khắp Mỹ, Úc, Nhật, Hàn... - Ảnh 1.

Chân dung "Vua lẩu" Zhang Yong.

Trả lời phỏng vấn của Forbes, Zhang tiết lộ cứ 3 ngày Haidilao lại mở một nhà hàng mới. Theo ông, sở dĩ tốc độ phát triển của công ty nhanh đến vậy là vì người nước ngoài luôn tò mò và muốn tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc thông qua các món ăn truyền thống.

Theo Bloomberg, sau đợt IPO, tài sản của Zhang và vợ ông (sở hữu tổng cộng 58% Haidilao) đã tăng lên 8 tỷ USD. Zhang gặt hái thành quả này sau hơn 20 năm đầy thăng trầm trong đó việc "liều" nhất mà ông từng làm chính là nghỉ việc tại nhà máy máy kéo ở quê nhà Jianyang để mở một nhà hàng chỉ có vỏn vẹn 4 bàn cho khách.

Mãi đến năm 19 tuổi, Zhang mới quyết định đến một nhà hàng ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Tứ Xuyên để trải nghiệm lần đầu tiên và ấn tượng duy nhất của ông là đồ ăn dở tệ còn nhân viên rất thô lỗ.

Năm 1994, do mâu thuẫn với cấp trên, Zhang đã bỏ việc tại nhà máy và bắt đầu kinh doanh nhà hàng dù ông thừa nhận mình thậm chí còn không biết cách chuẩn bị một nồi lẩu Tứ Xuyên truyền thống.

Tuy nhiên, người đàn ông này đã nhìn ra một điểm để thu hút khách hàng so với nhà hàng thông thường: Cung cấp cho họ trải nghiệm hấp dẫn và đáng nhớ. Các nhà hàng Hai Di Lao được biết đến rộng rãi với những dịch vụ miễn phí như làm móng, massage lưng, đánh bóng giày, hay biểu diễn nhạc kịch Tứ Xuyên truyền thống trong thời gian đợi của thực khách.

Nếu khách hàng gọi món mỳ, một nhân viên sẽ biểu diễn điệu "noodle dance" để họ cảm thấy hứng thú hơn với món ăn. Còn nếu đưa trẻ nhỏ đi cùng, Hai Di Lao sẽ bố trí nhân viên làm người trông trẻ và chơi với chúng. Đối với những người đi ăn một mình, nhà hàng chuẩn bị một con gấu bông để ngồi gần bầu bạn. Bên cạnh đó, mọi người có thể sử dụng máy in ảnh, chơi cờ vây hay gấp giấy origami ngay tại nhà hàng.

Tuy không nấu ăn giỏi nhưng Zhang đã cho đi nhiều hơn những gì ông bán và kết quả là khách hàng vẫn sẵn sàng quay lại. Những "fan ruột" của Hai Di Lao ở Trung Quốc đôi khi phải xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ để được vào nhà hàng yêu thích của mình. Theo một khảo sát trên 3.000 người Trung Quốc năm 2016, Hai Di Lao được xếp hạng là nhà hàng được ưa chuộng nhất tại đất nước tỷ dân.

Zhang chia sẻ với Wall Street Journal năm 2013: "Tôi đến từ vùng nông thôn nơi mọi người tin rằng nếu bạn cầm tiền của người khác mà không đem lại bất cứ lợi ích gì cho họ, bạn là một kẻ lừa đảo".

Hai Di Lao - Đế chế lẩu hàng đầu Trung Quốc: Ông chủ không biết nấu lẩu cho ‘ra hồn’ nhưng khách vẫn nườm nượp, cứ 3 ngày mở 1 nhà hàng, vươn xa tới khắp Mỹ, Úc, Nhật, Hàn... - Ảnh 3.

Các cơ sở Hai Di Lao đều trong tình trạng kín chỗ.

Ngoài một số thị trường chính như Trung Quốc, Hong Kong hay Đài Loan, Hai Di Lao đang mở rộng ra các thị trường nước ngoài như Mỹ, Singapore, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Để thu hút khách nước ngoài, Zhang cho biết nhà hàng của ông sẽ tạo ra bầu không khí sôi động hơn cũng như điều chỉnh thực đơn phù hợp với khẩu vị của họ.

Hai Di Lao - Đế chế lẩu hàng đầu Trung Quốc: Ông chủ không biết nấu lẩu cho ‘ra hồn’ nhưng khách vẫn nườm nượp, cứ 3 ngày mở 1 nhà hàng, vươn xa tới khắp Mỹ, Úc, Nhật, Hàn... - Ảnh 4.
 

Zhang chia sẻ rằng một trong những yếu tố đóng góp vào sự thành công của công ty là ưu đãi tài chính mà ông dành cho các nhà quản lý của Hai Di Lao. Được biết họ được thưởng 3% lợi nhuận của nhà hàng để tạo động lực cống hiến cho công ty.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những ý tưởng độc đáo của nhân viên Hai Di Lao như cung cấp túi nhựa cho thực khách bỏ điện thoại vào để hạn chế hỏng hóc khi chẳng may rơi xuống nồi lẩu. Một ý tưởng khác là tặng buộc tóc miễn phí cho thực khách có mái tóc dài với lý do tương tự.

Không những vậy, do xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo nên Zhang rất thấu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nhân viên. Chính vì vậy, Haidilao có chính sách cung cấp nơi ở có điều hòa, Wi-fi cho họ và dành khoản phụ cấp hàng tháng cho cha mẹ của những quản lý giỏi và nhân viên có thâm niên.

Có thể nói, bằng cái tâm dành cho khách hàng và nhân viên của mình, Zhang Yong đã xây dựng thành công đế chế lẩu hàng đầu tại Trung Quốc và đưa cái tên Hai Di Lao ngày một vươn xa trên thị trường quốc tế.

Gia Vũ

Theo: Trí Thức Trẻ/Tổng hợp

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật