Hàng được tín nhiệm trên Amazon, chắc chắn ngày làm giàu sẽ không xa với doanh nghiệp

Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hiện có hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt đang bán hàng trên Amazon, phần lớn gặt hái thành công.

Trong điều kiện kinh doanh khó khăn hiện nay, nếu muốn tồn tại, không cách nào hơn doanh nghiệp (DN) phải đầu tư mạnh vào thương mại điện tử (TMĐT) đưa hàng hoá ra nước ngoài.

Tăng doanh thu từ Amazon

Tháng 6/2020, Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên chính thức đưa các sản phẩm cà phê lên kệ hàng của Amazon sau khi hoạt động xuất khẩu của công ty gặp khó khăn bởi Covid-19. Đến nay, sản phẩm của Trung Nguyên đã bắt đầu tiếp cận thêm nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Cũng như thế, đầu năm 2020, Biti’s đưa các sản phẩm của mình lên sàn TMĐT lớn nhất thế giới này. Chưa công bố số liệu cụ thể bán được bao nhiêu nhưng đại diện Công ty Biti’s cho biết “đang tiến triển rất tốt và sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới”. 

Đây là hai trong số rất nhiều DN Việt đưa hàng lên Amazon thời gian qua. Bởi như khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam: “Đưa sản phẩm lên amazon, dù chưa bán được sản phẩm nào đến tay người Mỹ, DN cũng sẽ bán được sản phẩm nhiều gấp 10 lần”. Lý do, nếu muốn bán được hàng qua Anmazon, DN phải thay đổi rất nhiều, từ phương sản xuất cho đến giới thiệu sản phẩm cũng như sự chuyên nghiệp trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời sở hữu nền tảng sản xuất vững mạnh. Các sản phẩm “Made-in-Vietnam” như đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, dụng cụ nhà bếp và tiện ích gia đình... trên Amazon luôn được ưa chuộng bởi khách hàng trên toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT xuyên biên giới trong năm nay đã đưa đến cơ hội vàng cho người bán hàng chuyển đổi sang hình thức trực tuyến và phát triển kinh doanh toàn cầu.

Cùng nhận định này, ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc phụ trách thị trường phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định, với việc sở hữu những lợi thế cạnh tranh về sản xuất cũng như thị trường nội địa triển vọng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển TMĐT xuyên biên giới. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm đa dạng của DN Việt được ưa chuộng trên toàn cầu nhờ chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Những lợi thế này tạo nền tảng vững chắc đưa sản phẩm Việt vượt ra quốc tế. Đây là lý do vì sao có sự gia tăng nhanh chóng trong số lượng các DN tham gia bán hàng trên Amazon, bao gồm các thương hiệu quốc gia như Trung Nguyên, Biti’s...

Thời gian qua, cộng đồng DN Việt đã có bước chuyển mình đáng kể khi tham gia bán hàng trên nhiều sàn TMĐT, trong đó có Amazon.

Vượt trở ngại đưa hàng ra thế giới

Bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới giúp DN đưa thương hiệu ra toàn cầu. Thế nhưng, hiện nay, vẫn còn nhiều “chướng ngại vật” buộc DN phải vượt qua. Đó là kiến thức và kỹ năng bán hàng trên các sàn TMĐT. Kế đến là sự học hỏi, tìm hiểu để nắm vững và khai thác một cách tốt nhất những công cụ đó nhằm tối ưu hoá được khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Thế nhưng, những yếu tố kể trên, các DN vừa và nhỏ của việt Nam thường thiếu.

Dưới góc độ của một DN đưa hàng vào Amazon, ông Nguyễn Nguyên - Phó tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn  Trung Nguyên đề cao yếu tố con người. Cụ thể, đội ngũ nhân sự phải có kiến thức để nắm được những nền tảng mới, có thể phối hợp của DN với hệ thống hoàn hảo của Amazon. Đây là điều rất thiếu của các DN Việt Nam hiện nay. 

Bên cạnh đó, DN cần có chiến lược phát triển TMĐT và phải lựa chọn đối tác chiến lược tầm cỡ toàn cầu. DN cũng cần nắm rõ về các hiệp định, thuế quan để từ đó, kết hợp được thế mạnh của nền tảng TMĐT nhằm tối ưu hoá chi phí, giá thành khi đưa sản phẩm đến các tận hộ gia đình trên toàn cầu.

“Khác với xuất khẩu truyền thống, xuất khẩu qua TMĐT hướng đến người tiêu dùng cuối cùng, do đó đòi hỏi DN phải nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng thế giới. Làm sao để định vị được sản phẩm, duy trì được thương hiệu, uy tín sản phẩm để đạt được sự tăng trưởng lâu dài và bền vững”, bà Lại việt Anh nói.

Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng nữa đó là DN phải có trong tay sản phẩm chiến lược đặc trưng khi tham gia Amazon. Bởi theo kinh nghiệm, những sản phẩm giống nhau bán trên Amazon đều được so sánh về giá cả và giá trị. Do đó, nếu DN có sản phẩm giống với đối thủ sẽ phải cạnh tranh kịch liệt.

Hiện Amazon được tín nhiệm khắp thế giới. Có thể bước đầu, DN không lời nhiều và phải thực hiện mọi ghi nhận từ khách hàng nhằm cải tiến hàng hóa. Nhưng một khi sản phẩm được tín nhiệm, chắc chắn DN sẽ có nhiều cơ hội bán hàng, ngày làm giàu không xa.

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật