Hệ thống ngân hàng Việt qua đánh giá của Trung ương Đảng

Tính minh bạch hệ thống cải thiện, sở hữu chéo được cắt bỏ và tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát.

Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Nhìn lại 10 năm qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cơ cấu thị trường tài chính đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn.

Cụ thể, quy mô thị trường chứng khoán đã tăng mạnh từ 19,3% GDP năm 2011 lên 72,6% GDP năm 2019; năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có giảm sâu vào đầu năm nhưng đã có xu hướng phục hồi, dự báo đạt khoảng 85% GDP.

Về hệ thống các tổ chức tín dụng, dự thảo có đánh giá: Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực; số lượng các tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 17,2% năm 2012  xuống dưới 3% đến cuối năm 2020; bảo đảm an toàn hệ thống.

Cùng đó, dự thảo cho rằng tính minh bạch của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã được cải thiện; sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các tổ chức tín dụng đã từng bước được xử lý; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

Có một điểm hạn chế của dự thảo trên, dù được xây dựng vào giữa tháng 10/2020 nhưng dữ liệu cập nhật lại khá chậm.

Ví như, nói về bảo đảm an toàn hệ thống, dự thảo mới chỉ nêu đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ an toàn vốn bình quân đạt 12,14% (mức tối thiểu theo quy định là 9%). Trong khi đó, tỷ lệ này đã thay đổi rất lớn về cấu trúc và dữ liệu trong năm 2019 và 2020. Về cấu trúc, theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước, hoặc theo Basel II, tỷ lệ an toàn vốn đã thay đổi, hoặc các tham số như hệ số rủi ro các lĩnh vực… cũng có điều chỉnh. Đặc biệt, hệ thống hiện đang phải phân nhóm theo các tiêu chuẩn này khác nhau, nhóm đã đáp ứng được Thông tư 41, nhóm ứng viên và nhóm chưa…

Có một điểm nội dung được đề cập ở trên, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các tổ chức tín dụng đã từng bước được xử lý; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

Cập nhật mới nhất từ báo cáo ngày 23/9/2020 của Ngân hàng Nhà nước cho biết cụ thể hơn: khởi đầu giai đoạn chiến lược 10 năm nay, hệ thống ngân hàng Việt từng có 7 cặp sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau; đến nay đã khắc phục hết.

Tại tháng 6/2012, hệ thống có tới 56 cặp sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng đến nay đã xử lý và chỉ còn tại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (Ngân hàng Á Châu - Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu; tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,042%).

Trở lại với dự thảo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được nhận định còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng đó, quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam được đánh giá còn nhỏ so với khu vực; năng lực cạnh tranh và mức độ lành mạnh tài chính của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế. Mức độ an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng chưa bền vững so với các nước trong khu vực; dễ bị tổn thương trước tác động bất lợi, đột ngột từ bên ngoài.

"Việc thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gặp khó khăn về bổ sung vốn điều lệ. Năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng còn hạn chế; xử lý nợ xấu còn một số khó khăn, vướng mắc; tiến độ cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm", dự thảo nêu.

Theo: Minh Đức

Nhịp sống doanh nghiệp


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật