Vì sao NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành?
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng là xu hướng của các NHTW trên thế giới, bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa để đối phó với tác động của dịch Covid-19.
Chiều ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2020. Đây là lần thứ 3 trong năm 2020 và lần thứ 4 trong vòng 1 năm qua NHNN có động thái như vậy.
Bộ phận phân tích của KB Securities (KBSV) cho rằng, trong bối cảnh lạm phát 9 tháng thấp hơn kỳ vọng (CPI trung bình 9 tháng tăng 3,85%), quyết định trên của NHNN là hợp lý và tương đồng với kịch bản cơ sở của KBSV. Tất cả các biện pháp trên đều nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho NHTM, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng là xu hướng của các NHTW trên thế giới, bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa để đối phó với tác động của dịch Covid-19.
KBSV cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn và OMO sẽ chỉ mang tính định hướng do thanh khoản trong hệ thống vẫn dư thừa trong suốt nhiều tháng qua
Việc hạ lãi suất mua kỳ hạn OMO (reverse repo) và các lãi suất chính sách khác như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường 1 ở thời điểm hiện tại. Hoạt động OMO không được thực hiện thành công mặc dù NHNN vẫn đều đặn gọi thầu trong nhiều tháng qua, cũng như lãi suất liên ngân hàng rơi về mức thấp nhất trong vòng 3 năm cho thấy thanh khoản đang dư thừa tương đối nhiều ở các NHTM.
Trong khi đó, lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm sau lần hạ lãi suất điều hành lần này, tuy nhiên tốc độ sẽ không rõ rệt như trước đó do mặt bằng hiện đã duy trì ở mức thấp.
Nguyên nhân thứ nhất, về phía cung, nguồn vốn đầu vào đang rất dồi dào, từ cả phía NHNN (nghiệp vụ mua ngoại tệ) lẫn từ phía dân cư và doanh nghiệp (huy động vốn 9 tháng tăng khá, ở mức 7,7%) và về phía cầu, đầu ra tín dụng yếu (tín dụng 9 tháng chỉ tăng 5,12%).
Nguyên nhân thứ hai, áp lực duy trì tỷ lệ NIM phù hợp để bù đắp cho việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50- 200bps ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,50%- 4,00%/năm, đã thấp hơn khá nhiều mức trần mới 4,00%/năm của NHNN, do vậy dư địa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng để tiếp tục giảm mạnh sẽ không còn nhiều.
Nhóm phân tích cũng chỉ ra, xu hướng giảm cũng rõ rệt hơn ở lãi suất huy động trung và dài hạn trong vòng 3 tháng qua, với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 12 tháng hiện phổ biến ở 6,00 – 7,00%/năm.
"Dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại phần nào trong 3 tháng cuối năm (với các chỉ số chỉ báo như sản xuất công nghiệp, PMI và tăng trưởng bán lẻ đã phục hồi trong tháng 9), chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn sẽ có xu hướng giảm nhẹ (10-20 bps)", KBSV nhận định.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Vì sao lãi suất của Việt Nam vẫn cao?
- Mở toang room ngoại: Ngân hàng không đồng tình!
- Ngân hàng thừa tiền, lãi suất tiếp tục giảm mạnh
- Ngân hàng duy trì lợi thế tăng trưởng trong bối cảnh bất thường
- Tiền vẫn vào ngân hàng dù lãi suất thấp
- “Lãi suất cho vay mua nhà hiện tương đối hấp dẫn”
- VIB chuẩn bị đại hội cổ đông bất thường
- Ngân hàng siết chặt cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng
- Tiền gửi không kỳ hạn hồi phục
- Không ít ngân hàng công bố lợi nhuận khả quan