Hoa Nắng bị người nhà hất hủi sau khi lên sóng, Shark Louis Nguyễn vẫn rót chục tỷ, nâng sở hữu quyết "đi đến cùng" với startup gạo hữu cơ
Shark Tank mùa 2 đã khép lại nhưng chặng đường đầu tư dường như chỉ mới bắt đầu, đây là quá trình các Shark và founder ngồi lại để tính toán đường đi nước bước, và việc xuống tiền có hiện thực hoá hay không.
Tiền lệ của Shark Tank – Startup gần như tan rã sau khi gọi được vốn
Gây nhiều chú ý trong mùa 2 này, Shark Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Saigon Asset Management (SAM) – đã mạnh dạn chấp nhận đầu tư cho startup gạo hữu cơ Hoa Nắng, trong khi các Shark còn lại đồng thuận lắc đầu về tính rối ren, phức tạp của tổ chức.
Hơn nữa, sau khi lên sóng, cổ đông lớn nhất của Hoa Nắng (nắm 94% vốn) đã rút chân, founder gần như làm lại từ đầu với pháp nhân mới, vị Shark này vẫn quyết định rót vốn, và đã chính thức ký kết hợp tác đầu tư mặc dù từng chia sẻ rất "run" với thương vụ này.
Chi tiết, với lý do không còn đủ kinh phí duy trì và không có niềm tin sẽ được đầu tư nên cổ đông chính của Hoa Nắng quyết định rút lui, khiến Công ty phải dừng hoạt động. Đối mặt với tình cảnh đội ngũ bị tan rã, còn dự án thì thất bại, founder Anh Tú đã đưa ra quyết định táo bạo là cùng với ê kíp thành lập nên một Hoa Nắng mới.
Điều này đồng nghĩa với việc Hoa Nắng sẽ thay đổi toàn bộ về cơ cấu tổ chức, vốn góp… Và như vậy, lời đề nghị "4 tỷ cho 51% cổ phần Hoa Nắng và số tiền còn lại chuyển thành trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15%"của Shark Louis không còn giá trị, thay vào đó là tỷ lệ nắm giữ gần mức "thâu tóm" với số tiền đến nay được biết sẽ là 10 tỷ đồng. Đây là tiền lệ trong chương trình Shark Tank Việt Nam, và điều gì đã khiến Shark Louis Nguyễn quyết định đi đến cùng mặc cho nhiều biến cố như vậy?
Sự trung thành vượt lên ngoại cảnh
Điểm lại về Hoa Nắng, founder Anh Tú đặt vấn đề về thực trạng xuất khẩu gạo tại Việt Nam, đáng chú ý sự kiện 10 ngàn tấn gạo bị trả về năm ngoái vì vi phạm về dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là lý do Hoa Nắng ra đời, nhằm mang đến những sản phẩm nông sản hữu cơ chất lượng, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật.
Founder Anh Tú cho biết: "Chúng tôi vẫn nắm giữ số tỷ lệ đủ phủ quyết, tức hơn 36% vốn Hoa Nắng".
Phần mở đầu đầy tiềm năng đã khiến các Shark hứng thú với startup, tuy nhiên khi nghe đến thực tế 2 founder chỉ chiếm 6% cổ phần, thậm chí Hoa Nắng hiện tại không có vốn thực góp, kêu gọi 10 tỷ cho 30% tương đương mức định giá Công ty lên đến 30 tỷ, sự sửng sốt hiện rõ trên gương mặt những "cá mập".
Giải thích, founder Anh Tú và Trường An phân trần Hoa Nắng được tách ra từ Công ty Phân bón hữu cơ Greenfield vào đầu năm nay, trong đó cựu Phó TGĐ của Greenfield hiện đang là người nắm 94% cổ phần nhưng ông không hề góp bất cứ nguồn vốn nào. Đến đây, hầu hất các Shark công nhận tính trung thành của 2 founder song đều dứt khoát lắc đầu. "Trên nguyên tắc khi làm việc phải chấm dứt chuyện tình cảm",Shark Hưng thẳng thừng từ chối đầu tư.
Ngược lại, đánh giá cao tính tiềm năng trong bối cảnh bất cập của nông sản Việt Nam, và đặc biệt ghi nhận tính trung thành từ 2 founder, Shark Louis Nguyễn quyết định đầu tư. Sự chân thành và trung thành cũng chính là yếu tố khiến Shark tiếp tục đi cùng Hoa Nắng mặc cho nhiều sự cố sau đó.
"Chúng ta không thể đòi hỏi sự chính xác đối với một startup, mà nên ghi nhận việc người chủ đó có sự nhiệt huyết hay không? Cùng với đó, chúng ta cũng không thể yêu cầu tính kiểm toán trong BCTC của một startup vì thực tế nếu có cũng không thể đạt tính chính xác được. Tôi thích sự trung thành của 2 founder Hoa Nắng, các bạn rất chịu khó đi ruộng với bà con",Shark Louis Nguyễn nhấn mạnh.
Sẽ làm tốt trong nước trước, và dần tìm đường xuất khẩu
Thực tế, không chỉ đánh giá cao founder, Hoa Nắng còn ghi điểm bởi tình hình vận hành hiện tại. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận khá thấp, tuy nhiên Hoa Nắng đã có mặt tại những đơn vị phân phối tên tuổi trong nước.
Chi tiết, từ năm 2014 đến năm 2016 Hoa Nắng đã cho tiến hành sản xuất chuyển đổi hữu cơ quy hoạch vùng nguyên liệu và hoàn thành quy trình sản xuất. Cuối năm 2017, Công ty đã sản xuất được 150 tấn gạo hữu cơ đạt chứng nhận của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ và Liên Minh châu Âu. Kết quả đến hiện tại, Hoa Nắng đã phân phối sản phẩm đến hơn 250 cửa hàng, siêu thị lớn như SatraFood, Vissan, Organica, US Mart, Farmers’ Market... Đặc biệt, Công ty vừa ký kết được hợp đồng đầu ra cho hơn 200 tấn gạo hữu cơ và 300 tấn lúa.
"Thế mạnh của tôi là xuất khẩu, tuy nhiên trong nước thì 2 bạn founder đang làm khá tốt nên trước mắt sẽ tập trung phát triển thị phần Việt Nam", Shark Louis Nguyễn nói.
Và để hiện thực hóa giấc mơ đưa Hoa nắng xuất khẩu ra nước ngoài, Shark Louis Nguyễn cũng tiến hành ký kết đầu tư vào Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất VIETSWAY - hiện đang hợp tác với các trang bán hàng của Việt Nam ở Mỹ qua Amazon, Walmart, Ebay, Google Shopping, Etsy, Rakuten và có hơn 200.000 sản phẩm của Việt Nam với đa dạng các sản phẩm mẫu mã khác nhau từ thủ công mỹ nghệ đến các loại đặc sản.
Với số vốn dự rót 10 tỷ đồng, Shark Louis cho biết sẽ giải ngân dần theo tiến độ hoạt động, và mỗi giai đoạn sẽ đặt những chỉ tiêu cho Công ty, điều đó là hiển nhiên.
Kỳ tích về một startup gạo hữu cơ trên sân chơi Shark Tank bước đầu ghi nhận khi chính thức được ký kết đầu tư bởi "cá mập", tuy nhiên câu chuyện về sau dường như chỉ mới bắt đầu.
Câu hỏi đầu tiên tại Hoa Nắng là liệu Shark Louis Nguyễn đang nắm giữ bao nhiêu % vốn tại startup này, khi cổ đông lớn 94% rút chân? Với số vốn dự rót 10 tỷ đồng, Shark Louis cho biết sẽ giải ngân dần theo tiến độ hoạt động, và mỗi giai đoạn sẽ đặt những chỉ tiêu cho Công ty, điều đó là hiển nhiên.
Còn về cơ cấu vốn, Shark Louis thẳng thắn không tiện chia sẻ, chỉ đồng ý mức sở hữu sẽ cao hơn lời đề nghị lúc đầu là 51%, "2 founder đến nay cũng đã bắt đầu đầu tư mạnh hơn vào Hoa Nắng", vị này nói thêm.
Bổ sung vấn đề này, founder Anh Tú cho biết: "Chúng tôi vẫn nắm giữ số tỷ lệ đủ phủ quyết, tức hơn 36% vốn Hoa Nắng".
Còn kế hoạch chiến lược cụ thể, Hoa Nắng hiện chưa thể chia sẻ chi tiết, vì mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Trước mắt, mùa vụ mới năm nay sẽ đạt sản lượng 250 tấn gạo ở trong nước. Tương lai xa hơn, khi xuất khẩu thì tên Hoa Nắng sẽ không được sử dụng, mà thay vào bằng một tên khác.
"Thương hiệu Hoa Nắng vẫn là của startup, chúng tôi chỉ đổi tên để người tiêu dùng nước ngoài dễ nhớ, dễ nhận diện thương hiệu, thực chất không phải là tạo ra một thương hiệu mới", Shark Louis Nguyễn nói thêm.
Từng chia sẻ rất "run" với thương vụ này, đến nay Shark Louis Nguyễn khẳng định: "Rủi ro nhưng tôi vẫn chấp nhận, vì tôi khá lo lắng về sự an toàn của nghành thị trường thực phẩm Việt Nam, các sản phẩm bây giờ chứa quá nhiều các mầm mống ung thư ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi muốn người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch. Sẽ có nhiều khó khăn về tài chính, thị trường nhưng tôi sẽ không thay đổi quyết định này của mình. Thêm nữa, khi bắt đầu thẩm định, tôi nhận thấy tiềm năng của Hoa Nắng cũng rất lớn, Công ty bây giờ đã có doanh thu và lợi nhuận, thêm tôi vào thì sẽ phát triển mạnh mẽ hơn".
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Startup Ami: Giải pháp quản lý nhà cho thuê trực tuyến của chàng kỹ sư công nghệ
- Các startup nhộn nhịp tham gia ngành F&B Đông Nam Á
- Startup trẻ tự tin tuyên bố sẽ phá vỡ 'tình yêu' của người Nhật với tiền mặt
- Khởi nghiệp với ứng dụng giáo dục sớm cho trẻ qua trò chơi tương tác
- 4 cách mở rộng quy mô startup với ngân sách hạn hẹp
- Startup trang sức có doanh thu hàng triệu đô của cô nàng sinh viên 9X
- Đi tìm đáp án "đo ni đóng giày" cho startup Việt
- Sếp Facebook: Cứ 5 phụ nữ Việt Nam thì có 4 người muốn khởi nghiệp
- Startup chia sẻ công thức nấu ăn gọi vốn thêm 500.000 USD
- Bán hết tài sản để khởi nghiệp, chàng trai này kiếm bộn tiền nhờ mốt cho con đi du học Mỹ của 25% người giàu Trung Quốc