Khốc liệt cuộc đua phát hành thẻ tín dụng
Trong khi dân số Việt Nam có hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực. Điều này cho thấy dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn và cuộc đua cạnh tranh giành giật thị phần trên thị trường này mới chỉ bắt đầu.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Đối với các ngân hàng, việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn,…cũng không hề nhỏ, đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho các nhà băng. Bởi vậy, đây là phân khúc mà không ai muốn bỏ qua.
Thị phần thẻ nói chung cũng như thẻ tín dụng nói riêng hiện chủ yếu nằm trong tay những "ông lớn" như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, Techcombank,…Vietcombank năm 2017 cho biết vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường thẻ với số lượng phát hành thẻ tín dụng quốc tế tăng 1,35%; doanh số sử dụng thẻ tăng 24,18%; mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tăng thêm 11.773 đơn vị.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các ngân hàng nhỏ, ngân hàng ngoại và thậm chí gần đây là các công ty tài chính trong nước, tổ chức tài chính nước ngoài cũng đã nhảy vào, sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt để nhanh chóng giành giật thị phần thẻ tín dụng.
Chẳng hạn Shinhan Bank đặt tham vọng lọt vào top 3 tổ chức phát hành thẻ tín dụng trong 3 năm tới ở Việt Nam. FE Credit và Home Credit, 2 công ty cho vay tiêu dùng hàng đầu cũng đang đẩy mạnh mời chào phát hành thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi, khuyến mại. Lotte Card thông qua thương vụ thâu tóm Techcom Finance trở thành công ty tài chính Hàn Quốc đầu tiên được phép phát hành thẻ tín dụng tại Việt Nam...
Cuộc cạnh tranh phát hành thẻ tín dụng càng sôi động với nhiều tổ chức tham gia thì chính khách hàng sẽ là người được hưởng lợi. Thẻ tín dụng cũng đang ngày càng phổ biến, điều kiện mở thẻ tín dụng hiện nay cũng khá đơn giản với nhiều loại thẻ hướng tới các đối tượng và hạn mức khác nhau. Một người có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng đã có thể dễ dàng sở hữu 1 chiếc thẻ tín dụng với nhiều tiện ích, có thể chi tiêu vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Thi nhau tung "chiêu" hút khách
Để cạnh tranh được trên phân khúc đầy tiềm năng này, các ngân hàng không ngại tung "chiêu" để thu hút khách hàng, từ cạnh tranh về phí, ưu đãi hoàn tiền cho đến khuyến mãi, tặng quà với giá trị không hề nhỏ.
Trong khi phí dịch vụ đối với thẻ ghi nợ ở các ngân hàng không có nhiều khác biệt thì biểu phí thẻ tín dụng của từng ngân hàng lại khá chênh lệch với hàng loạt sản phẩm thẻ có tính năng, ưu đãi, đối tượng khác nhau. Nhóm đi đầu như Vietcombank, Vietinbank, BIDV đang có mức phí thường niên thuộc hàng thấp trên thị trường, có những loại thẻ tiêu chuẩn chỉ mất 100 nghìn đồng cho cả năm. Trong khi đó, mức thấp nhất ở các ngân hàng tư nhân như VPBank, Techcombank, VIB, OCB thường là 300 nghìn, 400 nghìn,... Còn các ngân hàng ngoại như HSBC, Shinhan,...thì khoảng 400 nghìn cho đến hàng triệu đồng.
Rõ ràng các công ty tài chính, ngân hàng tư, ngân hàng nước ngoài sẽ khó cạnh tranh về giá với những "ông lớn" có vốn nhà nước, nhưng họ cũng đang ngày càng được khách hàng ưa thích với những chính sách ưu đãi hấp dẫn. Và khách hàng ngày nay cũng thông thái hơn khi hoàn toàn nhận ra rằng phí dịch vụ rẻ không phải là tất cả, sức hấp dẫn ở những chiếc thẻ tín dụng còn nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như tỷ lệ hoàn tiền ở các điểm mua sắm, tặng tiền mặt khi chi tiêu nhiều, tặng vali, túi xách khi mở thẻ, miễn thêm phí thường niên cho năm tiếp theo nếu chi tiêu đạt mức ngân hàng đưa ra...mà những ưu đãi như vậy rất dễ tìm thấy ở ngân hàng tư nhân.
Bên cạnh đó, trong cuộc đua hút khách dùng thẻ tiết kiệm, có những ngân hàng còn ưu đãi thêm bằng cách mở rộng thời hạn miễn lãi lên tới 55 ngày so với 45 ngày ở đại đa số các nhà băng khác.
Chưa hết, các ngân hàng còn đơn giản hóa thủ tục mở thẻ để thu hút khách hàng, cho phép đăng ký mở thẻ trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến,…khách hàng không cần tới phòng giao dịch mà tự nhân viên đến tận nơi để nhận hồ sơ, giao thẻ,….Thời gian từ lúc đăng ký đến lúc có thể sử dụng ngày càng nhanh hơn, chỉ khoảng 1 tuần trở lại.
Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Ngân hàng Việt nằm chót bảng CPTPP
- Ngân hàng Việt đua nhau tìm vốn ngoại
- Ngành thuế không có quyền đòi ngân hàng tiết lộ tài khoản
- Chuyển đổi thuê bao 11 số: Đừng quá lo!
- Ngân hàng chuyển hướng cho vay
- Lãi suất cho vay khó giảm vì áp lực lạm phát
- Giá vốn tiền đồng tăng giúp "kìm chân" tỷ giá
- Toàn cảnh hoạt động kinh doanh các ngân hàng nửa đầu năm 2018
- Ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng
- Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh dù NHNN trở lại bơm ròng 14.400 tỷ đồng