Ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng
Do tính chất đặc thù và riêng biệt, tín dụng luôn là nghiệp vụ gắn chặt với hoạt động của ngành ngân hàng. Cũng bởi vậy, thu nhập lãi thuần thường là nguồn thu có tỷ trọng lớn nhất của mỗi nhà băng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng mang đặc điểm là biên lợi nhuận không cao, phụ thuộc vào chênh lệch giữa chi phí đầu vào (lãi suất huy động vốn) và lãi suất cho vay. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin – NIM) của các ngân hàng, vì thế cũng phổ biến chỉ khoảng 3-4%.
Trong giai đoạn gần đây, tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động của các nhà băng đã có sự dịch chuyển. Tín dụng mặc dù vẫn là nguồn thu lớn nhất, nhưng tỷ lệ đóng góp trong tổng thu nhập của các ngân hàng đã giảm đi. Thay vào đó là sự lên ngôi của các khoản thu ngoài lãi, chủ yếu từ dịch vụ, nghiệp vụ bán chéo bảo hiểm, lãi từ chứng khoán đầu tư - những khoản thu có biên lợi nhuận cao hơn.
Thực tế này cũng thể hiện rõ nhất trong nửa đầu năm 2018, khi những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao về lợi nhuận đa phần không đến từ sự bùng nổ của hoạt động cho vay. Thay vào đó là sự gia tăng tỷ trọng của các khoản thu bất thường, thu lãi dịch vụ.
HDBank và Eximbank cùng ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế tăng hơn 130% so với cùng kỳ, tuy nhiên mỗi ngân hàng lại cho thấy một bức tranh hoạt động riêng.
Thu nhập lãi thuần của HDBank tăng 34% so với cùng kỳ, nhưng con số này chưa là gì nếu so sánh với các khoản thu khác. Lãi thuần dịch vụ tăng 172% cùng kỳ, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận gấp đôi, trong khi thu nhập khác gấp hơn ba lần. Mặc dù vẫn là khoản thu lớn nhất, nhưng tỷ trọng phần thu từ lãi với ngân hàng này đã giảm bớt, nhường chỗ cho các khoản thu ngoài lãi gia tăng.
Với Eximbank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong nửa đầu năm còn âm 1%, dù thu nhập lãi thuần vẫn tăng 10% cùng kỳ. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng lợi nhuận lại đến từ khoản thu bán cổ phần của Sacombank.
Hoạt động thoái vốn giúp Eximbank có gần 650 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó hơn 520 tỷ được phân bổ vào quý I/2018. Đây cũng là tác nhân chính giúp Eximbank báo lãi đột biến.
VIB, ngân hàng có lợi nhuận tăng gấp ba 3 lần năm trước, có thu nhập lãi thuần tăng 55% và lãi thuần dịch vụ tăng gần gấp đôi cùng kỳ. Dù vẫn là "nồi cơm" chính, nhưng bản thân hoạt động cho vay của ngân hàng này đang có sự dịch chuyển sang những phân khúc biên lợi nhuận cao hơn.
VIB vốn nổi tiếng trên thị trường với các khoản vay cá nhân, đặc biệt là vay mua nhà và mua xe. Việc tập trung vào phân khúc bán lẻ với thu nhập lãi cận biên cao hơn giúp ngân hàng này có được sự tăng trưởng đột biến trong nửa đầu năm. Quy mô dư nợ cho vay cá nhân của VIB thuộc nhóm cao trong số các ngân hàng thương mại cổ phần. Giải ngân mới cho vay mua ôtô trong nửa đầu năm cũng đạt 30% thị phần xe bán ra trên thị trường. Trong khi đó, doanh số mảng kinh doanh bảo hiểm của nhà băng này, lĩnh vực đang nở rộ trong ngành ngân hàng, cũng tăng doanh số 151% so với cùng kỳ năm 2017.
Nói đến thu nhập ngoài lãi, Techcombank cũng là cái tên cần nhắc đến. Trong nửa đầu năm 2018, thu nhập lãi thuần của Techcombank chỉ tăng 15% nhưng lợi nhuận trước thuế ngân hàng này tăng 90% so với cùng kỳ. Trong đó, ba cấu phần thu nhập ngoài lãi quan trọng là khoản lãi thuần dịch vụ, chứng khoán đầu tư và thu nhập từ thoái vốn.
Tương tự Eximbank, Techcombank cũng thu khoản lợi nhuận bất thường trong nửa đầu năm nhờ việc thoái vốn khỏi Công ty tài chính Techcom Finance. Thu nhập từ thoái vốn của nhà băng này đạt gần 900 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ. Ngoài ra, ngân hàng này còn thu gần 1.200 tỷ đồng từ dịch vụ và hơn 740 tỷ từ chứng khoán đầu tư.
Trong lần chia sẻ mới đây, Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho rằng những khoản thu này chỉ là "bất thường" với nhà đầu tư, trong khi với ban lãnh đạo đều là những dự tính từ trước. Ban lãnh đạo của ngân hàng này cho biết sẽ duy trì tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động chỉ khoảng 50 - 60%, phần còn lại sẽ tập trung vào các khoản thu ngoài lãi như dịch vụ, bảo hiểm, các khoản thu khác.
Ngay cả những ngân hàng thuộc nhóm đứng đầu xét về chỉ tiêu lợi nhuận như Vietcombank cũng có sự dịch chuyển. Thu nhập lãi thuần tăng khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 19% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận nhà băng này tăng gần 3.000 tỷ đồng, tương đương hơn 50%.
Đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tổng thu nhập là khoản thu nhập khác gần 2.400 tỷ đồng và thu từ thoái vốn gần 550 tỷ đồng, tăng lần lượt 162% và 294%. Trong đó, một phần của thu nhập khác đến từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro tín dụng.
Minh Sơn
* Nguồn: VnExpress
TIN CŨ HƠN
- Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh dù NHNN trở lại bơm ròng 14.400 tỷ đồng
- Trái phiếu doanh nghiệp: Cuộc chơi kén chọn
- Vì sao Ngân hàng Nhà nước không tăng chỉ tiêu tín dụng?
- Phiên giao dịch đầu tuần, USD ngân hàng tiếp tục bám sát trần
- Ngân hàng Nhà nước không phải bán ra hỗ trợ cung ngoại tệ
- Ngân hàng lãi 'khủng'
- Sáp nhập HDBank – PG Bank: Lộ trình có lỡ hẹn?
- Những ngân hàng nào đã vượt nửa chặng đường kế hoạch lợi nhuận năm 2018?
- Lợi nhuận ngân hàng Việt tiếp tục "khác lạ"
- Vì sao NHNN phải nhắc nhở các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng?