Không chỉ xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản kinh doanh nội địa cũng gặp khó
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong Câu lạc bộ hàng Nội địa VASEP tại cuộc họp vừa tổ chức cuối tháng 3/2018 tại TP.HCM.
Cụ thể, theo một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hải sản, mùa tết vừa qua, doanh số của công ty đạt ở mức thấp so với mọi năm cho dù doanh thu không giảm nhưng hiệu quả không thấy vì chi phí tăng cao. Do đó, năm 2018, những công ty này khó có thể phát triển sản phẩm mới khi giá nguyên liệu cũng tăng.
Các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm cá tra cho biết, nếu giữa năm 2017, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 24.000 - 25.000 đồng/kg thì tới cuối năm giá cá đã tăng 25% lên 29.000 - 30.000 đồng/kg. Không dừng ở mức đó, giá cá đầu vào tiếp tục tăng lên mức 32.000 - 32.500 đồng/kg vào cuối tháng 3/2018. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, giá cá đã tăng gần 35%. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng, thậm chí khan hiếm để thương lượng tăng giá bán với các kênh phân phối không hề đơn giản.
Hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang phải "gồng gánh" nhiều khoản chi phí tài chính đầu vào tăng cao từ tỷ giá, lãi suất, giá điện, giá nước, chi phí logistics, cước vận tải... cho đến cả đề xuất về tăng tiền lương tối thiểu vùng theo năm.
Cụ thể, theo công bố của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2017 thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016. Thêm nữa, mức lương tối thiểu được đề xuất tăng hàng năm liên tục và ở mức cao (năm 2018 tăng 6,5% so với 2017) khiến chi phí sản xuất tăng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản thì chi phí lương chiếm trên 70% giá gia công sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng thủy hải sản cho thị trường nội cho rằng, chi phí sản xuất là một trong những yếu tố quyết định đến lợi nhuận và giá thành sản phẩm. Nhưng với tình hình như hiện nay khi mọi chi phí đầu vào đều tăng một cách toàn diện trong khi giá nhập từ các kênh phân phối siêu thị đứng giá trong không ít tháng nay thì doanh nghiệp hầu như làm ăn không hiệu quả. Đó là chưa kể tới việc một số doanh nghiệp muốn giữ chân tại các siêu thị thì buộc phải coi việc tăng chiết khấu là một lẽ tự nhiên.
Theo: Nhịp sống kinh tế/Vasep
TIN CŨ HƠN
- Thuận tiện thanh toán nhờ áp dụng sớm hóa đơn điện tử
- Giầy Thượng Đình lao đao sau một năm lên sàn chứng khoán
- Đã có hàng loạt doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi nghìn tỷ năm 2018
- Không bán được nhiều xe, VEAM vẫn báo lãi hơn 5.000 tỷ trong năm 2017 nhờ Honda, Toyota, Ford Việt Nam
- Những tỷ phú Việt Nam, họ là ai?
- Trường Hải tấn công thị trường thiết bị nông nghiệp
- Tập đoàn T&T lấn sân vào lĩnh vực bán lẻ, mở Qmart và Qmart+
- Thanh lý tài sản giúp Mai Linh Miền Bắc thoát lỗ
- Trường Hải khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp vốn 500 tỷ đồng
- Doanh nghiệp bán lẻ tranh thủ 'đào' dữ liệu kiếm tiền