Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm?

Theo những người trong cuộc, do dịch Covid-19 là bất khả kháng nên thị trường BĐS 6 tháng cuối năm như thế nào không nằm ở yếu tố thị trường mà quyết định phần lớn ở khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Chia sẻ nhận định về thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2021, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, đến thời điểm này chúng ta phải nhìn nhận vào một thực tế là dịch bệnh Covid sẽ tiếp tục kéo dài khó xác định thời điểm nào sẽ kết thúc. Việt nam cũng như thế giới sẽ buộc phải tiến đến giai đoạn cùng chung sống với nó. Theo đó, thị trường BĐS phải hy sinh tiếp quý 3/2021 để truy vết dịch trong cộng đồng và triển khai tiêm vaccine tối đa cho người dân. Có 2 kịch bản có khả năng xảy ra vào 6 tháng cuối năm đối với thị trường BĐS.

Kịch bản tích cực là thị trường phục hồi 1 phần ở giữa quý 3 và khởi sắc trở lại trong quý 4 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai chích vaccine và các Công ty 100% chích vaccine được cho nhân viên. Thị trường 6 tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng ít nhất 25-30% so với 6 tháng đầu năm nếu đạt được tỉ lệ lý tưởng này do các doanh nghiệp sẽ tăng tốc tối đa để bù lại 6 tháng đầu năm.

Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm Quý 3 để dập dịch, vaccine không đủ để triển khai cho dân và chỉ đạt mức dưới 30%, các Công ty vì vậy có thể chưa đến 50% số lượng nhân viên được chích. Thị trường 6 tháng cuối năng khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp sẽ dần bị đuối sức. Việc duy trì bộ máy hoạt động đã là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị phá vỡ và như vậy doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường chung sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với 6 tháng đầu năm nếu không nhận được các sự trợ lực cần thiết và kịp thời.

Bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land

"Theo đó, thị trường 6 tháng cuối năm thị trường BĐS sẽ ra sao, câu trả lời không nằm ở yếu tố thị trường quyết định mà hoàn toàn tùy thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh diễn biến như thế nào do đây là hoàn cảnh bất khả kháng", bà Hương khẳng định.

Tuy nhiên, theo vị CEO này, trong cả 2 kịch bản sẽ vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý ... sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp, các NĐT và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.

Bà Hương cho hay, 6 tháng đầu năm 2021 đã trôi qua khá nặng nề với thực trạng khác hẳn so với các dự đoán lạc quan vào hồi đầu năm. 2 đợt dịch xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch dự định của các Công ty BĐS. Đến đợt dịch lần 4 này thì thị trường gần như ngưng trệ hẳn. Nó như một rào chắn buộc tất cả phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Nó là cú đánh trực diện vào doanh nghiệp không có cách nào né tránh được.

"Nhìn lại 6 tháng đầu năm có thể gói gọn trong các đánh giá ngắn gọn sau để dễ hình dung diễn biến thị trường: lạc quan- thận trọng- chờ đợi. Điều đó có nghĩa là chưa kịp trở tay thì dịch bệnh đã ập tới và đành phải chờ tiếp cơ hội ở 6 tháng cuối năm", bà Hương chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, nữ CEO Đại Phúc Land cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt mọi cơ hội vào 6 tháng cuối năm và tăng tốc tối đa để bù lại khoảng thời gian đã mất do ảnh hưởng dịch bệnh. Năm nay chỉ cần đạt được 50% so với mục tiêu kế hoạch đã đề ra đã là một thành công lớn của các doanh nghiệp BĐS.

Cũng nhận định về diễn biến của thị trường 6 tháng cuối năm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, theo dự đoán thị trường sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá trong nửa cuối năm, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động. Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá BĐS liên tục tăng.

 

"Dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường BĐS trong nước", TS Khương nhấn mạnh.

Với lĩnh vực BĐS du lịch nghỉ dưỡng, trong 6 tháng cuối năm, ảnh hưởng kéo dài từ 3 đợt dịch trước đến nay khiến phân khúc này vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề cho dù tình hình dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả. Thị trường bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị truyền thống cũng sẽ gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với những phương pháp bán hàng trực tuyến, các nền tảng công nghệ tiên tiến.

Về BĐS cao ốc văn phòng, đây là phân khúc nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nhiều năm nay. Khi thị trường hồi phục, với nguồn cung hạn chế về phân khúc hạng A, hạng B tại các tỉnh thành như Tp.HCM, Hà Nội, thị trường hiện nay không có nhiều tòa nhà sẵn sàng để bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TS Sử Ngọc Khương

Riêng về thị trường BĐS công nghiệp, theo TS Khương, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Việt Nam vẫn hiện hữu, tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ gặp hạn chế về vấn đề đi lại, giới hạn các chuyến bay, khiến cho việc đầu tư vào BĐS công nghiệp Việt Nam có những hạn chế nhất định, không như kì vọng của thị trường. Sự phát triển của phân khúc này còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, cũng như tốc độ giải ngân của các nhóm chính sách công, đây chính là yếu tố then chốt giúp BĐS công nghiệp Việt Nam đạt được thuận lợi, giúp các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào khu công nghiệp.

"Mỗi nhà đầu tư có nhu cầu khác nhau, kì vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư", TS Khương dành lời khuyên cho nhà đầu tư.

Chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cũng khẳng định, thị trường BĐS 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và khó kiểm soát dẫn đến phải duy trì hoặc tăng cường giãn cách xã hội thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều ngành nghề, trong đó có BĐS.

Theo ông Hoàng, với các biện pháp quyết liệt của Nhà nước, dịch bệnh hi vọng sẽ sớm được kiểm soát. Đồng thời, mục tiêu của Nhà nước là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine từ nay đến cuối năm đạt khoảng 75% dân số. Khi đó, việc giãn cách xã hội sẽ dần được nới lỏng và gỡ bỏ, các hoạt động đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh được hoạt động bình thường. Lúc này, thị trường sẽ sôi động trở lại, nguồn cung và lượng tiêu thụ có thể sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Các dự án sẽ được tái khởi động và đưa ra thị trường, đặc biệt là phân khúc căn hộ - sản phẩm chủ đạo của thị trường đã bị đình trệ trong quý 2.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam

Vị chuyên gia này dự báo, BĐS nhà ở bao gồm đất nền, căn hộ, nhà phố biệt thự/shophouse… là kênh đầu tư được lựa chọn hàng đầu vì nhu cầu và triển vọng cao. Tuy nhiên, đầu tư vào loại hình nào còn tùy thuộc vào điều kiện về tài chính, sở thích,thói quen và sự hiểu biết về BĐS của nhà đầu tư. Cho dù đầu tư vào bất kỳ loại hình nào, NĐT cũng cần cân nhắc tương quan năng lực tài chính của mình với sản phẩm đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Ngoài ra, NĐT nên chọn đầu tư dài hạn vì hiện nay thị trường không phù hợp cho đầu tư ngắn hạn 1 - 2 năm hoặc lướt sóng.

Hạ Vy

Theo Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật