Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao bảo vệ thương hiệu?
Thị trường thương mại trực tuyến đang phát triển với sự gia tăng của nhiều nền tảng thương mại điện tử. Một báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP.HCM và Hà Nội cho kết quả: 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45 - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn trong tương lai.
Sự gia tăng đó đặt ra thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi phân phối hàng trực tuyến. Làm cách nào để vừa tăng doanh số bán hàng vừa bảo vệ thương hiệu trên môi trường cạnh tranh khốc liệt này? Dưới đây là 4 lời khuyên về chiến lược định vị và bảo vệ thương hiệu dành cho những doanh nghiệp đang phân phối sản phẩm trên các website thương mại điện tử.
Các lời khuyên này dựa trên kinh nghiệm sáng lập và điều hành công ty etailz của Josh Neblett. Etailz - hiện là một trong những doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử hàng đầu tại Mỹ, với doanh số bán hàng đạt 500 triệu USD, và là đối tác chiến lược của Amazon, eBay, Alibaba, Walmart
1. Cẩn trọng với kênh phân phối không chính thức
Những nhà bán lẻ không uy tín xuất hiện trong danh sách đơn vị cung ứng sản phẩm của bạn trên trang bán hàng online là một trong những vấn đề mà công ty sản xuất gặp phải.
Các nhà bán lẻ này tạo ra tác động xấu đến hình ảnh sản phẩm của bạn khi tự ý thay đổi nội dung giới thiệu sản phẩm, đưa ra mức giảm giá mạnh so với đại lý chính thức, cũng như cung cấp dịch vụ khách hàng kém chất lượng. Tất cả những hành vi này sẽ tạo ra nhiều nhận xét không tốt của khách hàng dành cho sản phẩm của bạn.
Để hạn chế tình trạng này, bạn cần phối hợp chặt chẽ với website thương mại điện tử để:
• Cung cấp danh sách các đại lý, nhà phân phối chính thức sản phẩm của bạn. Tương tự doanh nghiệp bán hàng, các website thương mại điện tử cũng muốn duy trì một danh sách các đơn vị phân phối chất lượng. Vì vậy, họ sẽ cùng bạn quan sát để phát hiện ra bất cứ nhà phân phối bất thường nào.
• Giám sát các nhà phân phối chính thức của bạn. Cách này giúp bạn kiểm tra liệu các thông tin sản phẩm đã được cập nhật kịp thời chưa, có sản phẩm nào bị trùng thông tin không. Ngoài ra, bạn cũng sẽ xác định được những sản phẩm giả có thể xuất hiện lẫn vào danh sách sản phẩm của bạn.
Josh Neblett - Đồng sáng lập và CEO của etailz |
2. Triển khai chính sách MAP
Xây dựng và thực thi chặt chẽ chính sách MAP (Minimum Advertised Price - Mức giá Quảng cáo Tối thiểu) nhằm bảo vệ hình ảnh thương hiệu cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà bán lẻ chính hãng. Bạn cần:
• Cân nhắc mức lãi gộp và giá bán của các đối thủ cạnh tranh để xác định mức giá của bạn.
• Mức giá cần cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường, nhưng cũng đừng định giá thương hiệu của bạn quá thấp.
• Thay vì định giá thấp, hãy dùng chương trình khuyến mãi chính hãng hoặc liên kết với website bán hàng phát hành phiếu quà tặng nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.
Trong quá trình xây dựng chính sách MAP, hãy tìm luật sư kinh tế thẩm định lại nội dung chính sách này. Bước này nhằm đảm bảo chính sách giá của bạn phù hợp với quy định của pháp luật hiện tại. Sau cùng, hãy công bố chính sách MAP của bạn đến tất cả nhà phân phối chính hãng và giám sát chặt chẽ quá trình áp dụng chính sách tại các đại lý.
3. Đăng nội dung giới thiệu chất lượng
Nội dung giới thiệu sản phẩm của bạn có khả năng tạo ra tác động rất lớn. Một nội dung đủ thông tin, hấp dẫn sẽ làm tăng mức độ tìm hiểu sản phẩm của khách hàng cũng như tỷ lệ chuyển đổi bán hàng. Để đảm bảo tối ưu hóa nội dung giới thiệu sản phẩm, bạn cần lưu ý các điểm sau:
• Mọi trang giới thiệu đều phải có tiêu đề đủ thông tin. Nội dung các gạch đầu dòng chính phải thu hút người đọc. Phần mô tả sản phẩm phải có đủ lượng từ khóa cần thiết, đủ hấp dẫn để biến người lướt web thành khách mua hàng.
• Khi viết nội dung bán hàng, bạn cần đạt được sự cân bằng giữa viết cho người tiêu dùng đọc và viết để tối ưu hóa thuật toán tìm kiếm.
4. Đảm bảo sự đồng nhất giữa các website bán hàng
Nếu bạn bắt đầu mở rộng phân phối sản phẩm ở nhiều website thương mại điện tử khác nhau, hãy đảm bảo thông tin sản phẩm ở tất cả các website đều giống nhau. Bạn phải thường xuyên giám sát mức giá, danh sách nhà phân phối và nội dung giới thiệu về sản phẩm ở các trang đăng tải.
Tình trạng phổ biến là các thương hiệu đăng sản phẩm lên những website thương mại điện tử hạng hai, sau đó bỏ quên các trang này. Vì lượng truy cập cao, họ chỉ tập trung vào trang thương mại điện tử nổi tiếng nhất. Điều này tạo ra độ chênh trong nội dung giữa các trang cho cùng một sản phẩm. Thực trạng này sẽ làm người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn, dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi mua hàng giảm sút.
Theo: Doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- AhaMove: Đại dịch thúc đẩy đơn giao hàng tăng nhẹ hơn 10%, nhưng 1-2 tháng tới có thể sức mua sẽ đi xuống
- Kinh doanh trên TMĐT – Xu hướng giải cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Các khách sạn cao cấp "tung chiêu" bán đồ ăn giao tận nơi với nhiều ưu đãi lớn: Tránh nắng nóng, dịch bệnh mà vẫn có thể thưởng thức món ngon chuẩn 5 sao
- Covid-19 đã khiến những 'con gà đẻ trứng vàng' của Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hết thời ra sao?
- Sàn đấu TMĐT mùa dịch: Shopee tiếp tục để cho Tiki, Lazada và Sendo “hít khói”
- Covid-19 tác động chuỗi cung ứng dịch vụ và thương mại điện tử
- Savills: COVID-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống
- Shopee sở hữu lượng truy cập lớn nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á sau 3 năm
- Shopee trở thành thế lực thương mại điện tử hùng mạnh nhất Đông Nam Á, cho Lazada ‘hít khói’
- Thương mại điện tử B2B - doanh nghiệp cần hành động ngay