Lần đầu tiên trong lịch sử TMĐT Việt Nam, các bà mẹ từ 35 - 45 tuổi vượt nhóm "gái ế văn phòng" để trở thành nhóm mua hàng đông nhất
Người mua hàng online trước nay chủ yếu là nữ, đa số là nhân viên văn phòng với thu nhập thuộc hàng "class A" trong xã hội. Tuy nhiên, chân dung người tiêu dùng trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2020 đã có điểm mới.
"Đây là năm đầu tiên, người mua hàng là nữ độ tuổi 35 - 45 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chân dung người tiêu dùng", ông Phạm Văn Thọ Lộc, Quản lý của NielsenIQ chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2021).
Nhóm độ tuổi 35 - 45 đã tăng tỷ trọng đóng góp lên 29% trong năm 2020, tức tăng 6 điểm % so với năm 2019. Đồng thời, có nhiều hơn người tiêu dùng đã kết hôn, chiếm 67%, tăng 14 điểm % so với năm 2019.
Trước đó, người tiêu dùng TMĐT tập trung ở nhóm 18 - 29 tuổi. Về đặc tính tình trạng hôn nhân, tập trung nhiều hơn vào nhóm người độc thân.
"Câu chuyện này đặt ra cơ hội cũng như thử thách cho doanh nghiệp, làm sao để có thể cá nhân hóa trải nghiệm, đa dạng hóa sản phẩm cũng như nội dung để có thể tiếp cận với từng nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt nhóm đối tượng mới từ 35 - 45, đã kết hôn này", ông Lộc nói.
Về hành vi tiêu dùng, người mua hàng online ngày càng trở nên khó tính hơn với các mối bận tâm khi mua hàng online tăng rõ rệt so với năm ngoái.
Những mối bận tâm nhiều nhất vẫn là Chất lượng sản phẩm, sản phẩm thực tế nhận được không giống mô tả trên website, chất lượng sản phẩm kém, hoặc hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường...
Và bởi có quá nhiều mối bận tâm, họ sẽ tham khảo các review trên mạng, tìm kiếm thông tin về khuyến mãi, giá cả.
"Không chỉ so sánh giữa các nền tảng TMĐT với nhau, mà người tiêu dùng còn so sánh giữa các kênh offline và online để làm sao có lợi ích tốt nhất khi mua hàng trực tuyến", đại diện NielsenIQ chia sẻ.
Nguồn thông tin tham khảo của người tiêu dùng rất đa dạng, có thể đến từ các công cụ trực tuyến, hoặc review trên website, mạng xã hội, hoặc từ bạn bè, người thân. Không chỉ trước khi mua tham khảo review, mà mua xong họ chủ động chia sẻ trải nghiệm mua sắm trên các nền tảng khác nhau, từ website mua sản phẩm đến nền tảng thông tin khác, hoặc trao đổi với bạn bè người thân.
Chỉ 27% cho biết họ hiếm khi chia sẻ trải nghiệm của mình sau khi mua sắm trực tuyến.
Thị trường TMĐT năm 2020 có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ mua sắm trực tuyến đã tăng từ 18% lên 32% trong 1 năm, trong bối cảnh tỷ lệ mua sắm trên các kênh mua sắm truyền thống khác như siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, minimart đang có xu hướng giảm.
Không chỉ tăng về tỷ lệ người tiêu dùng mà tần suất mua sắm cũng tăng lên. Năm ngoái, người tiêu dùng mua trung bình 1,2 lần/tháng, thì năm nay con số này đã tăng lên 2,1 lần, tức vừa tăng về lượng, vừa tăng về chất.
TIN CŨ HƠN
- Lazada trong cuộc đua TMĐT
- Sendo mở lối cho đặc sản Sơn La đến khách hàng trên toàn quốc
- TMĐT Việt Nam và 2 điều ‘nói thật’ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Mua 1 chai nước mắm trên mạng đắt hơn là ra tiệm tạp hóa gần nhà!
- Chuyên gia khuyến nghị 3 điều cần làm cho các nhà TMĐT nếu không muốn 'sớm nở tối tàn'
- Giao hàng điện tử: mở rộng cuộc chiến
- Lazada và câu chuyện logistics trong thương mại điện tử: Phát triển bền vững nhờ trọng tâm là con người
- Ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu Hàn Quốc BAEMIN cập bến Đà Nẵng
- Chỉ kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử, liệu có phải nước đi tốt để tăng trưởng doanh thu
- Sau Tiki và Ecotruck, VNG tiếp tục rót 6 triệu USD vào Got It cho danh mục đầu tư startup lâu dài
- Thương mại điện tử nở rộ: Thu thuế tăng vọt