“Loạn” cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Các cửa hàng treo biển sản phẩm hữu cơ đang xuất hiện ngày một nhiều, theo các chuyên gia việc “tự xưng” đó là để bán được sản phẩm với giá cao hơn.
 

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn còn manh mún, tự phát.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và quá trình giám sát, chứng minh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được kiểm soát. Thị trường sản phẩm nông thực phẩm hữu cơ đang “mờ mịt” về thông tin, chứng nhận tiêu chuẩn.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ (IOA), trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về vấn đề này.

Sản xuất manh mún, tự phát

Ông đánh giá thế nào về phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam trong thời gian qua?

Việt Nam có lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ với điều kiện khí hậu và đất đai rất thuận lợi. Ví dụ con giun sinh trưởng được là phép thử của đất, nếu đất nhiễm chì, nhiễm độc, đất có hàm lượng đạm, lân cao thì giun không sống được. Giun ở Việt Nam nuôi rất dễ nhưng ở châu Âu, họ nuôi giun trong phòng và cần cả một hệ thống nước nóng chạy vòng quanh phòng nuôi giun để tạo nhiệt độ, phải sục khí oxy dưới đáy. Điều này cho thấy Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Việt Nam đang đưa ra những định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn liền với bảo tồn nguồn gen bản địa. Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện rất manh mún, nhiều người cứ làm khoảnh ruộng sản xuất rồi tự cho là nông nghiệp hữu cơ, làm nông nghiệp hữu cơ cực đoan, không cho vi sinh vật vào vì cho rằng phải thuận tự nhiên mới là nông nghiệp hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ.
 
Giá thành cao

Bên cạnh việc sản xuất manh mún, tự phát thì giá thành các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ giá đang rất cao. Theo ông, đây có là trở ngại cho phát triển nông nghiệp hữu cơ?

Ở Australia, đất nước rất phát triển trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bạn có thể mua được một con gà với giá 5 USD nhưng bạn cũng phải bỏ ra 5 USD để mua một cây sả. Giá thành của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì không đắt ở phần sản xuất mà đắt ở khâu chứng minh và giám sát. Trong sản xuất, tất cả những thứ bỏ đi đều có thể trở thành phân bón, không tốn chi phí nhiều nhưng việc giám sát và tiêu thụ thì lại khác. Nông nghiệp hữu cơ tiêu thụ cũng không dễ, điểm yếu là sản phẩm hữu cơ thường không “bắt mắt”. Đó là vấn đề mà chúng ta cần thời gian để thay đổi nhận thức trong người tiêu dùng.

Nếu xét riêng về sự an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng và người sản xuất, sản phẩm hữu cơ an toàn hơn do không sử dụng phân hóa học, các loại thuốc trừ sâu hóa học hoặc thuốc kích thích tăng trưởng. Xét về hàm lượng dinh dưỡng, sản phẩm hữu cơ tốt hơn do thời gian sinh trưởng dài ngày hơn. Do đó sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giá thành cao hơn nhưng chất lượng hơn.

Ông nhận xét thế nào về việc tại Hà Nội thời gian qua, có nhiều cửa hàng treo biển thực phẩm hữu cơ?

Cửa hàng treo biển thực phẩm hữu cơ thì tôi nghĩ rằng phải nghi ngờ, xem họ có giấy chứng nhận hay không? Vì để sản xuất sản phẩm hữu cơ không đơn giản, ít nhất cần phải có 2 năm chuyển đổi đất, thanh lọc đi những gì trước đây ta “đầu độc” bằng phun chất kích thích, hóa học.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển công nghiệp, nước thải ngấm vào đất, chảy ra các dòng sông, chúng ta lấy nước ở đâu để làm nông nghiệp hữu cơ, nếu lấy nước ngầm nhiều nơi nhiễm Asen cần phải xử lý… Ở Việt Nam, quy định cần 2 năm để thực hiện việc loại bỏ các độc chất từ đất, nhưng ở Nhật, quy trình này còn kéo dài đến 5 năm, họ để cỏ mọc tại khu đất xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất hữu cơ có thể rẻ nhưng chi phí chứng minh hữu cơ thì lớn. Ở nước ngoài, bán sản phẩm hữu cơ, mà không có chứng nhận, kiểm định, không có mẫu lưu, thì lập tức bị khép tội bán hàng giả.

Để có chứng nhận hữu cơ thì đất đai, nguồn nước, không khí… phải được xét nghiệm các chỉ số. Đi sau nó là một hệ thống giám sát để chứng minh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Chi phí cho việc chứng minh đó rất nhiều. Mỗi một sản phẩm được gọi là hữu cơ đều phải giám sát độc lập,và phải có đơn vị tư vấn để làm đúng theo quy trình.

Cần liên kết sản xuất theo quy chuẩn

Hiện nay, quy trình, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chưa rõ ràng, thưa ông?

Làm nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay hầu hết là tự phát, nhỏ lẻ, chưa có quy chuẩn, trừ một số tập đoàn lớn như TH, Vinamilk... đã thuê các tổ chức quốc tế giám sát và chứng nhận. Muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn thì người làm nông nghiệp hữu cơ phải hợp tác cùng nhau, phải có một hệ thống sản xuất và quan trọng nhất là phải có sự đánh giá, quy chuẩn.

Năm 2015, Bộ Khoa học và công nghệ có đưa ra Quy chuẩn 11041 về nông nghiệp hữu cơ, đến năm 2017 có sửa đổi bổ sung nhưng hiện nay quy chuẩn này gần như chưa được áp dụng. Dự thảo Nghị định về nông nghiệp hữu cơ đang được bàn và vẫn chưa được ban hành.

Vậy, theo ông giải pháp cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ thật?

Về giải pháp, trước hết kết nối tất cả những người làm nông nghiệp hữu cơ thực sự lại với nhau, tạo ra một cộng đồng những người sản xuất hữu cơ thật và những người tiêu dùng hữu cơ thật. Có bộ quy chuẩn thống nhất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy trình giám sát, chứng minh sản phẩm hữu cơ chặt chẽ để bảo vệ thương hiệu sản phẩm hữu cơ.

Xin cảm ơn ông!

Nông nghiệp hữu cơ được sản xuất theo nguyên tắc “6 không”: Không chất hóa học, không thuốc trừ cỏ; không thuốc trừ sâu hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không hóa chất bảo quản; không biến đổi gene.

 

Theo VOV


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật