Loship bất ngờ tìm kiếm khoản vay tài chính sau khi huy động hàng chục triệu đô năm 2021: "Mùa đông" sắp đến với thị trường vốn mạo hiểm?

Việc chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn vay tài chính cho thấy sự thay đổi chiến lược của Loship trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn, các nhà đầu tư giải ngân chậm lại.

Startup giao hàng Loship đang muốn tìm kiếm các khoản vay tài chính, thay vì đi gọi vốn.

"Trong thời điểm không chắc chắn như hiện nay, các công ty đang chuyển sang ưu tiên việc tồn tại, thay vì gây quỹ. Và tài trợ bằng nợ là một lựa chọn khôn ngoan để (kéo dài) thời gian hết tiền", một nguồn tin thân cận với công ty chia sẻ với tờ Deal Street Asia.

Trong năm 2021, mặc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Loship đã thực hiện tới 3 vòng gọi vốn. Hồi tháng 2/2021, ứng dụng giao hàng này gọi vốn thành công từ nhà đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.

Đến tháng 8, Loship hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Serie C trị giá 12 triệu USD, được dẫn dắt bởi BAce Capital và Sun Hung Kai. Theo báo cáo của DealStreetAsia, vòng đàm phán này đã định giá Loship là 100 triệu USD. Tuy nhiên, CEO Nguyễn Hoàng Trung từ chối xác nhận.

Đến tháng 10, một nguồn tin cho biết Loship đang trong quá trình đàm phán với quỹ đầu tư Daiwa Securities Group và một số nhà đầu tư khác để huy động 50 triệu USD cho vòng Serie C.

Founder, CEO Nguyễn Hoàng Trung

Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn vay tài chính cho thấy sự thay đổi chiến lược của Loship trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn. Cách đây không lâu, Y Combinator - vườn ươm khởi nghiệp công nghệ thành công nhất thế giới cũng gửi email tới tất cả các nhà sáng lập trong danh mục đầu tư và nhấn mạnh về việc cần chuẩn bị cho suy thoái kinh tế.

""Mùa đông" sắp đến với thị trường vốn mạo hiểm. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư cũng sẽ có xu hướng giải ngân chậm lại, tập trung hỗ trợ các startup trong danh mục thay vì đổ tiền thêm vào các công ty mới. Về phía doanh nghiệp, đây không phải là thời gian để đốt tiền mở rộng quy mô, mà cần tập trung vào long mạch, tức tìm được công thức bán hàng, tạo doanh thu tiền để tồn tại", ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech chia sẻ với chúng tôi.

Phương thức vay cũng được Tiki áp dụng gần đây. Tháng 5/2022, truyền thông đưa tin Ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc, Shinhan Financial Group vừa tuyên bố quyết định mua lại 10% cổ phần tại công ty thương mại điện tử Tiki. Tập đoàn sẽ cân nhắc đầu tư tổng cộng 40 triệu USD vào Tiki. Tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi, khoản đầu tư của ngân hàng thực chất là khoản cho vay, với lãi suất 10%/năm.

Ngọc Diệp


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật