Lùi thông qua đặc khu, nhà đất Vân Đồn sẽ ra sao sau “cơn sốt”?
Giao dịch trầm lắng, giá không giảm
Cảnh tượng mua bán tập nập, giao dịch chuyển nhượng sôi động tại những quán café, nhà hàng, quán bia…biến nơi đây thành những sàn giao dịch BĐS đã không còn như trước trong những ngày gần đây. Thay vào đó, nhiều trung tâm nhà đất đóng cửa, các quán café hay nhà hàng cũng trầm lắng hẳn những cuộc thương lượng, ngã giá đất đai.
Những khu vực được xem là "điểm nóng" mua bán nhà đất tại Vân Đồn như thị trấn Cái Rồng, xã Đoàn Kết,…giờ đây cũng không còn cảnh giới đầu cơ, đầu tư khắp nơi đổ về mua đất. Không khí giao dịch trở nên trầm lắng.
Theo giới kinh doanh nhà đất tại Vân Đồn, đúng là thị trường đất đai đang khá trầm lắng sau lệnh dừng chuyển nhượng. Tuy nhiên, giá đất vẫn không hề giảm như suy nghĩ của nhiều người. Giá đất mặt đường trục chính Vân Đồn vẫn giữ trung bình trên 30 triệu đồng/m2.
Một số khu đô thị đã hoàn thành cơ bản về hạ tầng, đất được phân lô thành các nền đã có hạ tầng hoàn thiện vẫn giữ ở mức cao, thậm chí giá còn tăng nhẹ. Giá đất nền ở một vài dự án khu đô thị tại Cái Rồng đang giữ ở mức trung bình từ 30 đến 50 triệu đồng/m2.
Giới nhà đất Vân Đồn cho rằng, nguồn cung đất ở Vân Đồn rất khan hiếm, hầu hết đã được các nhà đầu tư lớn gom từ trước. Với những hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư chiến lược, các công trình hạ tầng của Vân Đồn đang bứt phá mạnh mẽ nên đây là vùng đất rất tiềm năng phát triển du lịch, do đó, chẳng có lý do gì các nhà đầu tư lớn lại tháo chạy khỏi Vân Đồn. Khi được hỏi dự báo về thị trường thời gian tới, nhiều người tin thị trường sẽ quay lại mạnh mẽ, có thể là vào cuối năm nay.
Gần 58.000 tỷ đồng đã đổ vào Vân Đồn, cao tốc sắp thông xe, sân bay khai thác vào cuối năm
Trong khi thị trường giao dịch trầm lắng thì các công trình trọng điểm tại Vân Đồn vẫn tấp nập thi công, biến nơi đây thành đại công trường. Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây cho biết, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện với 1.500 cán bộ, công nhân thường xuyên có mặt tại công trường để tổ chức thi công liên tục.
Hiện sân nay đã thi công xong phần thô, đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến có chuyến bay thử nghiệm vào tháng 7 và sẽ chính thức khai thác bay thương mại vào cuối năm nay.
Theo Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn, trong 5 năm qua từ 2012 – 2017, đã có gần 58.000 tỷ đồng đổ vào Vân Đồn để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển.
Sân bay Vân Đồn đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến hoạt động vào cuối năm nay.
Với một số dự án công trình trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... Trong đó, mức đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 30%, 70% còn lại là vốn ngoài ngân sách.
Hiện cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng thuộc tuyến cao tốc Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn đã hợp long, dự kiến hoàn thành vào 30/6/2018 sẽ là một cú hích cho Vân Đồn phát triển, khi đó sẽ rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội là 180km như hiện nay xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75km xuống còn 25km.
Một nhà đầu tư tại Vân Đồn cho biết, chẳng có lý do gì để các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Vân Đồn. Bởi vì, khi đầu tư vào đâu thì các nhà đầu tư lớn đã nghiên cứu rất kỹ, họ có ban tư vấn nghiên cứu thị trường, khảo sát rất kỹ trước khi quyết định đầu tư. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính, cởi mở với các nhà đầu tư. Dù thế nào thì Vân Đồn vẫn sẽ có cơ hội phát triển.
Hiện Vân Đồn đã và đang thu hút rất mạnh mẽ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Sungroup, FLC, CEO Group, HD Mon,…nhiều tập đoàn lớn từ Anh, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Singapore…đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào đây.
Nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HD Mon Holdings, thị trường Vân Đồn không thể đổ vỡ vì hoãn thông qua Luật đặc khu. Dù có chững lại nhưng bởi vì đây vốn là điểm du lịch và rất có tiềm năng phát triển du lịch nên sẽ không có chuyện đất đai "đóng băng".
"Từ nay đến kỳ họp tới chỉ còn 4 tháng nữa, thị trường sẽ có tâm lý vừa làm vừa nghe ngóng, nhưng mọi hoạt động đầu tư vẫn sẽ tiếp diễn, hơn nữa luật mới chỉ lùi chưa thông qua chứ chưa phải bỏ hẳn. Do vậy, tôi cho rằng các nhà đầu tư đều sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp tình hình", ông Tuấn nói.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Những đại gia nào đang đổ tiền vào bất động sản Hà Nội?
- BĐS Hà Nội: Xuất hiện thêm dự án cho cộng đồng tri thức Hàn Quốc
- HoREA: Bong bóng bất động sản 2018 vừa xuất hiện đã bị dập tắt
- Tp.HCM: Bất động sản quận 2 tiếp tục “chiếm sóng” thị trường
- Trung tâm thương mại chuẩn quốc tế trên bán đảo Quảng An
- Đến 2020, Hà Nội vẫn còn hơn 51% đất nông nghiệp
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Đổi mới đầu tư để hút khách cao cấp
- Tín dụng bất động sản bị siết chặt, quý 1 năm nay tăng chưa bằng nửa cùng kỳ năm ngoái
- “Nhà đất tăng đột biến tới 70% là bất thường”
- Chính sách tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?