Mùa dịch, thương mại điện tử càng được quan tâm
TBKTSG ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp tham gia hội chợ này về xu hướng giao thương quốc tế, đặc biệt trong những tình huống trở ngại như dịch bệnh.
Hội chợ lớn vắng khách
Ambiente là hội chợ hàng tiêu dùng lớn trên thế giới, được tổ chức tại Đức hàng năm, thu hút các nhà sản xuất, khách hàng và người tiêu dùng, đặc biệt là từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, hội chợ năm nay diễn ra trong lúc thế giới đang phải chống chọi với dịch Covid-19, “lượng khách tham quan giảm 30-40% so với các năm trước”, theo ông Đặng Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Khôi Việt.
Những năm trước, các gian hàng trưng bày trong hội chợ thường chật kín và để có được một gian tại hội chợ danh tiếng này, doanh nghiệp phải đặt chỗ trước một năm. Năm nay, nhiều gian hàng bỏ trống, chủ yếu là của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Bà Lê Quỳnh Nga, Giám đốc Công ty Bamboo Straws Việt Nam, cho biết những sản phẩm trang sức làm từ sừng trâu và tre của công ty được các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm, vì chúng được làm từ nguyên liệu tự nhiên hoặc tái chế, thân thiện với môi trường. Thế nhưng lượng khách tham quan năm nay cũng vắng theo tình hình chung của hội chợ. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội có đơn hàng thấp hơn.
Thương mại điện tử ngày càng “lấn sân”
Theo các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ, kênh bán hàng trực tiếp đang dần trở nên chậm hơn so với kênh thương mại điện tử (TMĐT), thể hiện ở doanh thu mảng TMĐT ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bà Phạm Hồng Quang, Giám đốc VietS - đơn vị làm đồ nội thất sử dụng vật liệu mây tre - cho hay khách hàng châu Âu thường gặp gỡ doanh nghiệp tại hội chợ. Đây là bước gặp mặt trực tiếp, trao đổi về chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của công ty. Các bước tiếp theo sẽ thông qua giao dịch điện tử. “Doanh thu mảng TMĐT của công ty chúng tôi đang chiếm khoảng 40% tổng doanh thu và có tốc độ tăng trưởng 7-10% mỗi năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào kênh bán hàng này”, bà Quang cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, TMĐT càng phát huy tác dụng khi các doanh nghiệp châu Âu có khuynh hướng ngại tiếp xúc trực tiếp với nhà cung ứng đến từ Trung Quốc và một số nước châu Á.
Đánh giá về tác động của dịch bệnh đối với ngành gỗ, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho rằng nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và biết tận dụng kênh bán hàng trực tuyến thì đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ Việt Nam, khi các nhà mua hàng tìm kiếm nguồn cung thay thế thị trường Trung Quốc. Việt Nam chính là ứng cử viên sáng giá để thế chân các doanh nghiệp Trung Quốc, nơi thị trường chế biến gỗ đang có doanh thu lên tới 54,3 tỉ đô la Mỹ.
Kênh truyền thống vẫn cần thiết
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn không phủ nhận tầm quan trọng của kênh thương mại truyền thống. Họ cho rằng những hội chợ tên tuổi và hiệu quả như Ambiente sẽ tiếp tục thu hút sự tham dự của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo bà Quỳnh Nga từ Bamboo Straws Việt Nam, thường thì phải mất thời gian khá lâu để chốt đơn hàng qua kênh TMĐT, do phải gửi mẫu tới lui, có khi vài tháng, thậm chí cả năm khách hàng mới đi tới quyết định mua hàng. Trong khi nếu gặp gỡ nhà cung cấp trực tiếp tại hội chợ, khách hàng có thể ra quyết định chỉ trong một, hai ngày, thậm chí khối lượng sản phẩm mua bán lớn hơn nhiều so với thương mại trực tuyến. Hơn nữa, tham gia hội chợ có đối tượng khách hàng trọng tâm là khách châu Âu như hội chợ Ambiente, Bamboo Straws có cơ hội nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường mà mình hướng đến.
Nhận định tương tự, bà Phạm Hồng Quang cho rằng dù lượng khách cũng như sức mua ở hội chợ Ambiente năm nay đều giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng đây vẫn là hội chợ thương mại quan trọng và hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhắm tới thị trường châu Âu, “nhất là những doanh nghiệp còn thừa năng lực sản xuất, đang muốn tìm kiếm thị trường mới”, bà Quang nói.
Nắm bắt “khẩu vị” tiêu dùng châu Âu
Là người có hàng chục năm làm việc với doanh nghiệp châu Âu, bà Quang cho biết: “Để bán được hàng vào châu Âu, điều quan trọng nhất là nhà sản xuất phải đảm bảo các cam kết và quy chuẩn châu Âu”. Hiện nay, ngoài các yêu cầu chất lượng sản phẩm phải tốt, giá cả phải chăng, châu Âu còn đặt vấn đề họ phải được biết nguồn gốc của sản phẩm, thậm chí là nguồn gốc của nguyên liệu sản xuất - do ai sản xuất, xuất phát từ đâu...
Khách châu Âu cũng thường yêu cầu mỗi năm phải thay đổi 2-3 “mùa sản phẩm”. Do vậy, doanh nghiệp cung ứng cần phải chủ động đổi mới thiết kế sản phẩm. “Đây là áp lực rất lớn khi làm việc với khách châu Âu”, bà Quang cho biết.
Vị lãnh đạo VietS cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách thức mua hàng của khách châu Âu. Họ đi hội chợ để gặp gỡ, tìm hiểu các doanh nghiệp, trao đổi, lưu số điện thoại... Có những khách ghé thăm gian hàng của VietS ba kỳ hội chợ liên tiếp nhưng không mua bất kỳ sản phẩm nào. Nhưng tới kỳ hội chợ thứ tư thì họ bắt đầu đặt vấn đề quan hệ với nhà cung ứng, bởi họ nhận thấy qua mỗi năm, VietS đều có sự thay đổi mẫu mã sản phẩm.
Các nhà mua hàng châu Âu cũng bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Khi họ đã ưng ý về mẫu mã, giá cả, sản phẩm mẫu sẽ được chuyển cho bộ phận đánh giá chất lượng, môi trường, xã hội của đơn vị mua hàng. Một bộ phận khác của khách hàng sẽ liên hệ với bên bán yêu cầu chuyển các giấy tờ liên quan về tiêu chuẩn nhà máy, bảng lương công nhân... Sau tất cả quy trình đó, doanh nghiệp mới có được đơn đặt hàng.
Trong góc nhìn của bà Quang, sau tất cả các bước làm việc như vậy, có khi là sau thành công của đơn hàng đầu tiên, TMĐT mới phát huy tác dụng. Khi ấy, hai bên không cần gặp nhau trực tiếp thông qua hội chợ nữa. Do vậy, “sự kết hợp giữa hình thức TMĐT và gặp gỡ trực tiếp thông qua hội chợ là cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng châu Âu”, bà Quang chia sẻ.
Vũ Dung
Nguồn: Saigon Times
TIN CŨ HƠN
- Trong bão dịch Covid-19, mảng thương mại điện tử của các siêu thị vốn ì ạch nay bỗng “bứt tốc”: Lượng giao dịch của Aeon Mall tăng 3 lần, Co.op Mart tăng 10 lần
- Shopee và Tiki thăng hoa nhờ influencer marketing, TMĐT là ngành "bạo chi" cho quảng cáo trực tuyến nhất năm 2019
- Shopee, Tiki, Lazada…đóng cửa hơn 30.000 gian hàng vì thổi giá khẩu trang, nước rửa tay
- Trang thương mại điện tử Sendo ký kết chiến lược với Ngân hàng CIMB thúc đẩy cho vay tiêu dùng
- 1 năm nhìn lại: TMĐT Việt Nam có kẻ đi - người ở, nhưng nhìn rộng toàn nền kinh tế số thì sẽ có nhiều người cùng chiến thắng
- Shopee đứng đầu danh sách nền tảng thương mại điện tử được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam
- Tiki và Sendo sẽ sáp nhập để tạo thành "kỳ lân" mới đối trọng với Lazada và Shopee?
- Tiki và cuộc đua "đốt tiền"
- Trang bán hàng hiệu Leflair thu hẹp hoạt động
- Gặp áp lực lớn về nguồn vốn và tạo lợi nhuận, Lefair - startup bán hàng hiệu giảm giá online sắp đóng cửa hoạt động tại Việt Nam?