Mười năm đại lý thuế chờ chính sách

Tính đến thời điểm này, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (tên gọi quen thuộc là đại lý thuế).

Lực lượng được kỳ vọng giúp ngành thuế giảm tải áp lực hoạt động, nâng cao tính tuân thủ cho người nộp thuế đã có 10 năm chờ đợi chính sách để phát triển. Vậy nhưng, tương lai vẫn còn rất mờ mịt...

Không sống được bằng nghề

Thuật ngữ “Đại lý thuế” được chính thức nhắc đến trong Thông tư 28/2008/TT-BCT nhằm hướng dẫn cho điều 20, Luật Quản lý thuế 2006. Theo đó, đại lý thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (gồm đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, khiếu nại về thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế thay người nộp thuế) được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục về thuế theo thỏa thuận với người nộp thuế. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã có thêm hai thông tư hướng dẫn về hành nghề đại lý thuế là Thông tư 117/2013 và mới nhất là Thông tư 51/2017.

Đại lý thuế được coi là cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế để giúp cả hai bên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Theo đó, cá nhân, doanh nghiệp khi muốn thực hiện các thủ tục về thuế như đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế... chỉ cần cung cấp chứng từ liên quan để đại lý thuế, người đã được đào tạo chuyên nghiệp, làm việc trực tiếp với cơ quan thuế. Nhờ vậy, người nộp thuế đỡ mất thời gian tìm hiểu chính sách mà cơ quan thuế cũng không phải tốn thời gian, nhân lực cho việc hướng dẫn người nộp thuế. Đây cũng là cách để giảm tải áp lực vào những mùa cao điểm quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp... vốn là nỗi ám ảnh với cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế nhiều năm qua. Đó là chưa kể việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và cán bộ thuế cũng sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất những nhũng nhiễu, yêu sách hay thỏa thuận thuế giữa hai bên.

Vậy nhưng, theo ông Võ Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn thuế Đất Việt, người đã có bảy năm vận hành một đại lý thuế, đại lý thuế hiện tại không thể sống bằng nghề. Điều này, có rất nhiều lý do. Chẳng hạn như doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu, biết về đại lý thuế. Nhưng quan trọng nhất là do đại lý thuế bị bó buộc khi chỉ có chức năng làm thủ tục về thuế. “Doanh nghiệp không ai bỏ tiền để thuê một dịch vụ là làm thủ tục kê khai thuế. Họ muốn được làm tất cả”, ông Hùng nói. Để tồn tại được, các đại lý thuế như Đất Việt đang phải làm thêm rất nhiều thứ nhằm giữ chân khách hàng cũng như có doanh thu đảm bảo hoạt động.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thuế Sài Gòn (Sài Gòn Tax), làm một phép tính so sánh, giá dịch vụ đại lý thuế hiện tương đương với giá dịch vụ của những kế toán “chui” (tức làm việc mà chưa có chứng chỉ hành nghề), ở mức vài trăm ngàn đồng/tháng. Vì vậy, nếu chỉ có chức năng làm thủ tục về thuế như đang được quy định thì chắc chắn, không một đại lý nào sống nổi. “Không sống nổi bằng nghề nên không mấy ai dám đầu tư, mở doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục thuế với rất nhiều chi phí vận hành. Đó là chưa kể thi chứng chỉ đầu vào rất khó khăn”, ông Sơn chia sẻ.

Số lượng đại lý thuế trên cả nước cho đến hiện nay do vậy vẫn khiêm tốn ở mức vài trăm đơn vị. Hoạt động đại lý thuế được đánh giá là “èo uột”, không mấy hiệu quả. Cũng chính vì vậy mà mục tiêu lớn nhất của ngành thuế khi hình thành lực lượng đại lý thuế là giúp giảm tải áp lực công việc, nâng cao hiệu quả quản lý thuế... vẫn còn rất xa xôi.

Năm 2014, Bộ Tài chính ban hành “Kế hoạch phát triển đại lý thuế đến năm 2020” với những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2015 phải có ít nhất 2.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; con số phải tăng lên ít nhất 3 lần trong giai đoạn 2016-2020; tối thiểu phải có 10% người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ vào năm 2020... Đặc biệt, Bộ Tài chính đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển hệ thống đại lý thuế hướng tới mục tiêu đưa đại lý thuế trở thành cầu nối thực sự giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Đáng chú ý trong đó có thể kể đến như việc xem xét cho cá nhân được cung cấp dịch vụ đại lý thuế; mở rộng phạm vi hoạt động, tức gia tăng thêm chức năng như tư vấn thuế; rà soát sổ sách kế toán, báo cáo tài chính; nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của đại lý thuế, nâng hình thức văn bản quy phạm pháp luật từ thông tư lên nghị định, tiến tới ban hành Luật Đại lý thuế... Thời gian sau đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế còn tổ chức nhiều buổi hội thảo lắng nghe tiếng nói của cộng đồng đại lý thuế, lấy ý kiến về dự thảo thông tư mới nhằm sửa đổi, bổ sung Thông tư 117/2012 về hành nghề dịch vụ thủ tục về thuế. Những động thái này, theo ông Nguyễn Thái Sơn, đã khiến cộng đồng đại lý thuế tràn trề hy vọng sẽ có những thay đổi lớn trong tương lai.

Vậy nhưng, khi Thông tư 51/2017 sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 117/2012 được ban hành hôm 19-5 và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7 tới, mọi hy vọng đã... vụt tắt. Bởi lẽ, Bộ Tài chính chỉ mới mở cánh cửa thêm một chút. Ví dụ như giảm thời hạn xác nhận hồ sơ “đủ điều kiện kinh doanh làm dịch vụ thủ tục về thuế” (một dạng giấy phép con), từ 10 ngày xuống còn năm ngày; mở rộng thêm chuyên ngành học được đăng ký dự thi đại lý thuế; tổ chức hai kỳ thi/năm, thay vì một như trước đây; miễn một số môn thi cho một số đối tượng.

“So chiếu với các giải pháp đã được đề cập trong Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020 thì các nội dung quan trọng liên quan đến sự phát triển của đại lý thuế đã không được triển khai. Điều đó cho thấy, không phải là không có giải pháp, vấn đề là người thực hiện có chịu làm hay không!”, ông Sơn nhận định. 

(Theo: thesaigontimes.vn )


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật