Ngân hàng Nhà nước tăng cường độ hút tiền, gần 45.000 tỷ tín phiếu được phát hành phiên 30/6
Phiên giao dịch cuối tháng 6 chứng kiến hoạt động ''mạnh tay'' của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường mở khi cơ quan này bán thành công 44.999,8 tỷ đồng tín phiếu, hút khỏi thị trường một lượng VND tương ứng. Trong đó, gồm 24.999,9 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 0,65% và 19.999,9 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%.
Lượng tín phiếu phát hành hôm nay lớn hơn nhiều so với các phiên trước đó. Cụ thể, ngày 29/6 chỉ có 7.040 tỷ đồng tín phiếu được ''khớp lệnh'' thành công, phiên 28/6 và 27/6 cùng 15.000 tỷ, 19.999,8 tỷ phiên 24/6, 29.999.7 tỷ đồng phiên 23/6; 19.400 tỷ đồng phiên 22/6 và 200 tỷ đồng phiên 21/6.
Như vậy, trong 8 phiên giao dịch gần đây, NHNN đã phát hành tổng cộng hơn 151.600 tỷ đồng tín phiếu. Tuy nhiên, trong 3 ngày vừa qua, lượng tín phiếu 7 ngày phát hành trong tuần trước đã bắt đầu đáo hạn với tổng quy mô xấp xỉ 49.600 tỷ đồng. Tựu chung lại, nhà điều hành tiền đã rút ròng khỏi thị trường khoảng 102.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, riêng hôm nay hút ròng hơn 15.000 tỷ.
Bên cạnh đó, việc triển khai phát hành cả tín phiếu 14 ngày cho thấy NHNN đang muốn kéo dài thời hạn hút tiền đi cùng các đợt phát hành mới được duy trì liên tục.
Mặt khác, trong đợt điều tiết lần này, NHNN đã không ấn định lãi suất phát hành như những trước đó mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất. Thanh khoản dư thừa trong hệ thống khiến lãi suất phát hành thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cùng kỳ hạn.
Ở chiều ngược lại, NHNN cũng thực hiện các đợt bơm thanh khoản cho các thành viên có nhu cầu thông qua kênh cầm cố trên thị trường mở dù lượng chào đã giảm 1/2 so với trước còn 5.000 tỷ đồng/phiên và lượng khớp vẫn chỉ quanh 200- 300 tỷ đồng/phiên.
Không chỉ rút ròng tiền Đồng qua kênh tín phiếu, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), một lượng USD đáng kể đã được NHNN bán ra từ dự trữ ngoại hối theo phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang, ước tính lên tới 10 tỷ USD trong những tháng gần đây.
Tạm tính theo tỷ giá USD/VNĐ tham chiếu tại Sở giao dịch NHNN hiện nay, việc bán 10 tỷ USD ra thị trường kể trên tương đương với việc NHNN sẽ hút về hơn 232.500 tỷ tiền VNĐ ra khỏi thị trường khi đến kỳ thanh toán.
Chứng khoán SSI cho rằng, thông điệp của NHNN đối với điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều năm trở lại đây là chủ động và linh hoạt, và trên thực tế, động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp NHTM giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền Đồng. Trong thời gian qua, trần tăng trưởng tín dụng chưa được nới khiến thanh khoản tiền Đồng thừa và đã đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp. Chênh lệch âm giữa lãi suất VND và USD giảm xuống dưới 0% và khiến nhu cầu nắm giữ USD nhanh chóng tăng trong hệ thống.
''Việc hút bớt tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD và do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn'', SSI đánh giá.
Phản ứng sau hoạt động hút thanh khoản của NHNN, lãi suất VND kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên trên 0,7% từ mức 0,3 - 0,4% trước đó. Diễn biến này sẽ phần nào giúp điều chỉnh đà tăng của tỷ giá hối đoái và giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Trước đó, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường 2 đã liên tục giảm thậm chí đi vào vùng âm vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đặc biệt là với các kỳ hạn ngắn. Điều này tạo ra áp lực lớn, khiến tỷ giá biến động mạnh vào tháng 5 và đầu tháng 6, trái ngược hoàn toàn so với với sự ổn định được duy trì trong các năm trước.
Theo Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Nên áp lãi suất tiền gửi rút trước hạn theo hình thức bậc thang?
- Phó Thống đốc Đào Minh Tú: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành
- Giá USD "chợ đen" tăng mạnh lên gần 24.000 đồng
- Nhiều ngân hàng Việt có trên 90% giao dịch trên kênh số, gần 70% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán
- MB giữ vững phong độ kênh phân phối bảo hiểm hàng đầu qua ngân hàng
- Lãi suất huy động tăng trước áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn
- Ngân hàng Nhà nước đang xoa dịu một điểm bất lợi
- Các ngân hàng đang tính toán gì khi chỉ mới vài tháng đầu năm đã mạnh tay tiêu hết quota tăng trưởng tín dụng?
- Cuộc đua lãi suất 'tăng nhiệt'
- Lộ diện ngân hàng tăng lãi suất huy động mạnh nhất từ đầu năm đến nay, cộng thêm tới 1,5%/năm