Ngành bán lẻ Việt thu hút nhà đầu tư Nhật
Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản Jetro, bất chấp những tác động của dịch Covid-19, vẫn có khoảng 55% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Được biết, việc các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh thị trường bán lẻ ở nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm do dịch. Đặc biệt thị trường Nhật bị giảm đến 2 con số.
Ngành bán lẻ Việt Nam: Sân chơi 200 tỷ USD rất sôi động
Trong khi, thị trường Việt Nam theo Bộ Công thương: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng 7,9%. Đây là mức tăng khá cao trong nhiều năm trở lại đây.
Trong giai đoạn 2010-2021, số lượng siêu thị, TTTM tăng nhanh: từ 567 siêu thị, 95 TTTM (năm 2010) lên 1.167 siêu thị và 254 TTTM (năm 2021).
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định… giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, giá trị sớm cán mốc 200 tỷ USD. Chưa kể, dự báo trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng còn thể hiện trên chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Takashimaya – một trong số các TTTM được yêu thích hiện nay – đã công bố đạt lợi nhuận đầu tiên sau khoảng 4 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Theo hãng tin NNA của Nhật Bản, Takashimaya ở Tp.HCM năm 2020 đạt lợi nhuận hoạt động 100 triệu yên (khoảng 929.000 USD) trên doanh thu 2 tỷ yên, tăng 12,4% so với năm trước.
Thu hút mạnh các thương hiệu Nhật Bản
Tính đến cuối năm 2021, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với quy mô trung bình là 13,4 triệu USD/dự án. Trong đó, gần 60% dòng vốn quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng.
Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh nhiều tên tuổi nước ngoài rút lui khỏi Việt Nam do sức ép cạnh tranh và khó khăn do Covid-19, loạt thương hiệu bán lẻ Nhật lại ngược dòng.
Đơn cử, ngay trong cao điểm dịch, liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) vẫn khai trương siêu thị FujiMart thứ 2 tại Tp.Hà Nội. Tập đoàn AEON mới đây cũng công bố chiến lược tăng tốc tại Việt Nam, tương tự Takashimaya.
Tại mảng thời trang, Uniqlo và Muji nhanh chóng có mặt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM chỉ sau 2 năm gia nhập. Ngoài ra, còn có Miki House - thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em sau 5 năm nghiên cứu - đã mở cửa hàng đầu tiên đặt tại TTTM Nhật Bản Akuruhi (đường Trần Quang Khải, quận 1) vào năm 2020. Cùng năm, hãng mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi cũng chính thức bước vào Việt Nam sau thời gian ngắn đánh tiếng…
Đặc biệt, mô hình được Nhật đầu tư mạnh vào Việt Nam phải nói đến cửa hàng 24 giờ. Hiện, 3 trên 4 chuỗi thương hiệu cửa hàng tiện lợi nổi tiếng nhất Nhật đã có mặt ở Việt Nam, gồm: Family Mart, MiniStop, 7-Eleven. Chuỗi Lowson cũng đang tìm hiểu thị trường.
Người Việt chuộng hàng Nhật: Câu chuyện từ người trong cuộc
Bên cạnh các luận điểm trên, một trong những nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Nhật tăng đầu tư vào Việt Nam ít được đề cập nhưng không kém quan trọng: Hầu hết các thương hiệu xứ hoa anh đào đều được người tiêu dùng Việt đón nhận.
Chia sẻ câu chuyện của chính mình, CEO Sakuko – bà Cao Thị Dung - cho biết: "Trên vai trò là người tiêu dùng, cụ thể là mẹ bỉm sữa, nhu cầu săn lùng hàng Nhật rất lớn vì yên tâm về chất lượng. 10 năm trước tôi phải đi xe máy và lượn hết tất cả các phố phường và ghé vào các siêu thị có tiếng như là Bibomart, Kids Plaza.. để tìm mua các sản phẩm Nhật nội địa cho bé. Nhưng hầu hết là các tiệm không có bán. Đó cũng là lúc tôi nảy ra ý tưởng là sẽ trở thành một cầu nối để người tiêu dùng Việt Nam có thể sử dụng sản phẩm Nhật với giá thành hợp lý nhất, có thể dễ dàng mua nhất".
Được biết, Công ty TNHH Bán lẻ Sakuko Việt Nam (trực thuộc tập đoàn Sakuko Group - Osaka, Nhật Bản) lần đầu tiên ra mắt thị trường vào tháng 9/2011. Sakuko Japanese Store là thương hiệu thuộc Công ty TNHH Bán lẻ Sakuko Việt Nam - hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng Nhật Bản lớn nhất Việt Nam với hơn 30 siêu thị, hơn 500 đại lý phân phối khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.
Sakuko hiện cung cấp đa dạng mặt hàng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình như tại các siêu thị ở bên Nhật. Ngành chính là sản phẩm dành cho mẹ và bé (bỉm sữa và danh mục sản phẩm thiết yếu khác), thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng và thời trang Nhật.
Trở lại với câu chuyện về người Việt thích hàng Nhật, bà Dung cho biết sau khi đi công tác sang Nhật có quan sát người Việt, thấy họ đi mua sắm rất là nhiều tại các siêu thị, cho thấy nhu cầu là lớn. Đặc biệt, lúc bấy giờ, một vấn đề rất là lớn của người tiêu dùng Việt Nam đó là khủng hoảng niềm tin. Do các sản phẩm, hoạt động thương mại còn nhiều hạn chế, nhập nhằng tại Việt Nam đã nảy sinh tâm lý e ngại, không tin tưởng của người tiêu dùng. Điều này càng thôi thúc mô hình nhượng quyền thương hiệu chính ngạch: Đây là thách thức lớn, nhưng đó cũng là cơ hội cho Sakuko.
Theo thời gian, doanh nghiệp Nhật tiếp tục chinh phục người tiêu dùng Việt nhờ thái độ phục vụ thân thiện (nhiều đơn vị Việt Nam bắt đầu học hỏi), dịch vụ tốt và đặc biệt là ngày càng đa dạng các mặt hàng.
Không chỉ vậy, để phục vụ tối đa khách hàng, các thương hiệu Nhật rất chú trọng mở rộng quy mô. Đơn cử, AEON Việt Nam bên cạnh các trung tâm bách hoá lớn, hiện đang mở rộng các mô hình nhỏ như Max Value, cửa hàng xe đạp và mới nhất là cửa hàng cho thú cưng để phục vụ mọi nơi cho người dùng.
Hay Sakuko, theo đại diện Công ty cũng không ngoài cuộc. Giữa khủng hoảng Covid-19, thương hiệu vẫn không ngừng mở rộng thị phần, tăng độ phủ trên toàn quốc. Điển hình như Sakuko mở mới liên tục tại các địa điểm: Vinsmart, Gamuda Yên Sở, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Giang và tại Ocean Park. Song song đó, Sakuko Store cũng đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, phát triển App bán hàng thu nhiều kết quả tích cực.
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Tăng khuyến mãi, siêu thị 'siết' lượng mua để tránh đầu cơ
- Bán lẻ dược phẩm: 'Gà đẻ trứng vàng' cho tương lai của Thế giới di động, FPT Retail
- Siêu thị hạn chế số lượng trứng, bia được mua để tránh đầu cơ
- Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ quý II giảm tốc, triển vọng quý III tăng trưởng do nền thấp cùng kỳ
- Rất ít hàng hóa giảm giá theo giá xăng
- Chuỗi cà phê bùng nổ trở lại
- Giá thịt, rau củ siêu thị hạ nhiệt
- Giá bánh Trung thu năm nay tăng cao chưa từng có
- Tham vọng của đại gia bán lẻ Thái Lan trên đất Việt: Rót 20.000 tỷ đồng để thực hiện hoá doanh số 65.000 tỷ, dẫn đầu về thực phẩm và trung tâm thương mại sau 5 năm
- Nova Consumer đặt mục tiêu sở hữu hơn 450.000 điểm bán lẻ