Người Mỹ giảm mua xăng, chi nhiều cho thực phẩm

Chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Mỹ đang có sự thay đổi trong tháng 9, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao.

Theo WSJ, chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Mỹ đã có sự thay đổi trong tháng 9, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao. Cụ thể, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, tăng mạnh, trong khi các mặt hàng giảm giá như xăng dầu hay nội thất không còn được săn đón như trước.

Tổng doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 9 không chênh lệch nhiều so với tháng trước đó, trong khi số liệu này trong tháng 8 tăng 0,4% so với tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết.

Không giống dữ liệu lạm phát của chính phủ, doanh số bán lẻ không được điều chỉnh theo lạm phát. Do vậy, một số biến động trong chi tiêu phản ánh sự thay đổi về giá thay vì tổng số tiền được chi.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 9 của Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn đứng ở mức cao nhưng chỉ số này đã giảm nhẹ 0,1% so với hồi tháng 8. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng chậm lại so với tháng trước đó.

Điều này góp phần kìm hãm đà tăng giá hàng hóa nói chung tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu bỏ các yếu tố thực phẩm và năng lượng, CPI cốt lõi của Mỹ vẫn tăng lên 6,6% từ mức 6,3% hồi tháng 8, qua đó gia tăng áp lực lên người tiêu dùng.

hi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Mỹ đang có sự thay đổi trong tháng 9, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao.

Theo WSJ, giá thực phẩm nói chung tại Mỹ tăng gần 1% trong tháng 9 và tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn khi đi chợ hay đến các nhà hàng và quán bar. Kế hoạch chi tiêu theo đó phải được cân nhắc lại.

Giá thực phẩm tiêu thụ tại nhà, chủ yếu là các sản phẩm tạp hóa, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13% so với một năm trước đó. Trong đó, các sản phẩm từ bơ và sữa ghi nhận mức tăng giá kỷ lục 32,3% so với năm 2021. Nguồn cung khan hiếm đang khiến giá mặt hàng này tại các siêu thị Mỹ tăng vọt, với tốc độ nhanh hơn hầu hết các loại thực phẩm khác. Giá bơ còn có lúc chạm mốc 4,77 USD/pound, mức cao nhất kể từ năm 2017, theo Nielsen.

Bên cạnh đó, giá bột mì và các mặt hàng từ ngũ cốc cũng tăng tới 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1978. Xúc xích ăn liền tăng 14,7% còn trái cây và rau xanh tăng 10,4%.

Đà tăng của giá cả hàng hoá là tin xấu đối với nhiều người lao động, vì thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát đã giảm 0,1% so với tháng trước, và giảm 3% so với cùng kỳ. Đối với các hộ gia đình hay đi ăn hàng, tình hình còn khó khăn hơn thế khi giá đồ ăn trung bình tại các nhà hàng hay các quán cà phê tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và chạm mốc 91,4%.

Các sản phẩm từ bơ và sữa ghi nhận mức tăng giá kỷ lục 32,3% so với năm 2021.

Trong khi giá thực phẩm tăng mạnh, giá xăng dầu tại Mỹ lại có xu hướng giảm bớt. Tính đến tháng 9, đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp người dân nước này chi tiêu ít hơn cho xăng dầu.

Trước đó, do giá xăng tăng phi mã, thậm chí một số khu vực phía nam còn ghi nhận đà tăng lên tới 8 USD/gallon, chính quyền tiểu bang đã ngay lập tức yêu cầu các nhà máy lọc dầu giảm giá bằng cách chuyển sang "xăng pha trộn mùa đông" sớm hơn 1 tháng thay vì dùng "xăng pha trộn mùa hè", vốn đắt hơn do ít gây khói bụi nguy hiểm.

Sau tuyên bố cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), Nhà Trắng còn ra lệnh giải phóng thêm 10 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược ngay trong tháng này để bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy an ninh năng lượng.

WSJ cho biết người tiêu dùng đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi mua sắm quần áo, đồ nội thất, ô tô đã qua sử dụng và một số các hàng hóa khác trong tháng 9. Động lực đến từ việc áp lực chuỗi cung ứng hạ nhiệt, các công ty giảm giá xả hàng tồn kho trong khi đồng USD giúp giảm bớt giá hàng hóa nhập khẩu. Người Mỹ cũng tăng cường mua hàng tại các cửa hàng quần áo trong bối cảnh các hãng bán lẻ tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để đẩy hàng tồn.

Trong khi giá thực phẩm tăng mạnh, giá xăng dầu tại Mỹ lại có xu hướng giảm bớt.

Trong khi tăng trưởng doanh thu dự báo của mùa mua sắm cuối năm nay gần tương đương với giai đoạn trước đại dịch COVID-19 về giá trị, song theo báo chí Mỹ, tổng lượng hàng hóa tiêu thụ vẫn sẽ giảm do lạm phát.

CNBC dẫn kết quả khảo sát của Morning Consult cho thấy hơn một nửa số người Mỹ tham gia đều quan ngại hoặc rất lo lắng về việc giữ cho mức chi tiêu nằm trong dự trù kinh phí kỳ nghỉ lễ năm nay. 80% cho biết sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát; 52% cho rằng việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ khó khăn hơn.

Được biết, mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm tại Mỹ thường đóng góp tới 40% tổng doanh thu hàng năm của các hãng bán lẻ. Năm ngoái, doanh số bán hàng tại Mỹ trong dịp này tăng tới 14,1%, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sang năm nay, con số này được dự báo sẽ vẫn tăng, nhưng có phần khiêm tốn hơn nhiều.

Theo: WSJ, CNBC

Theo Vũ Anh

Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật