Phân biệt các thành phần trong hệ thống phân phối

Để hàng hóa chiếm lĩnh được một thị phần lớn, đòi hỏi nhà sản xuất phải có một hệ thống phân phối và tiếp thị hiệu quả và bền vững. Nó ảnh hưởng tới hơn 70% sự thành công của các doanh nghiệp.
Mô hình từ nhà sản xuất - nhà phân phối - nhà bán buôn - nhà bán lẻ

Nhà phân phối (Distributors)

Các nhà phân phối thông thường không chỉ có nhiệm vụ phân phối, bán hàng hóa. Họ cũng là người tạo lập, duy trì thương hiệu của mặt hàng tại một khu vực nhất định. Vì thế, các nhà phân phối thường có quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất. Đổi lại, nhà phân phối thường sẽ được hưởng độc quyền phân phối trong một phạm vi nhất định có thể là về một khu vực hoặc một chủng loại mặt hàng của nhà sản xuất. Tuy cũng có mục tiêu là bán hàng, nhưng các nhà phân phối hiếm khi bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, mà làm việc với các nhà bán buôn và bán lẻ. Nhiều nhà sản xuất lớn cũng tự xây dựng cho mình hệ thống phân phối riêng mà không liên kết với các đại lý địa phương.

Ở Việt Nam, do nền sản xuất, công nghiệp chưa thực sự phát triển, nên các nhà phân phối thường là các công ty nhập khẩu trực tiếp, hoặc các đại diện thương mại của các hãng sản xuất nước ngoài, độc quyền thương mại thường bao trùm cả nước hoặc một miền. Họ được gọi là các đại lý cấp 1. Có những nhà phân phối phụ thuộc vào thương hiệu của những nhà sản xuất, nhưng cũng có những nhà phân phối đã xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ của riêng mình. Đối với những nhà phân phối đã có thương hiệu mạnh, họ có thể làm việc với nhiều nhà sản xuất để phân phối hàng hóa vào thị trưởng Việt Nam cùng lúc. Cũng có trường hợp nhà sản xuất của Việt Nam đã có thương hiệu và hệ thống kinh doanh nhất định, nhưng đồng thời liên kết và phân phối sản phẩm cùng hãng của nhà sản xuất nước ngoài, tận dụng tốt nguồn lực sẵn có của cả hai bên. Điển hình cho thành công của mô hình này có thể kể đến Trường Hải trong lĩnh vực ô tô.

Nhà bán buôn (Wholesalers)

Nhà bán buôn thường mua một lượng lớn hàng hóa từ các nhà phân phối, để hưởng một giá cả ưu đãi hơn. Khác với nhà phân phối, các nhà bán buôn làm việc với nhiều nguồn cung cấp hơn, họ hầu như không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu mặt hàng mình đang bán mà lựa chọn thương hiệu có tiềm năng kinh doanh lớn để bán. Nhà bán buôn thường sẽ bán lại cho các nhà bán lẻ, đôi khi họ cũng bán trực tiếp cho người tiêu dùng. 

Ở Việt Nam, các hình thức bán buôn khá đa dạng và phức tạp. Có những nhà bán buôn đầu tư phát triển, mở rộng hình ảnh và mạng lưới tiêu thụ của riêng mình, tích cực tìm tòi, liên hệ với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để trở thành những nhà phân phối độc quyền tại khu vực. Cũng có những nhà bán buôn hoạt động như một nhà môi giới, họ hầu như không có mặt bằng, kho bãi. Hàng hóa, được gửi nhờ tại kho bãi của các nhà phân phối hoặc bán lẻ, và hưởng chênh lệch giá khi hàng hóa đã bán được. Do các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, đa phần là nhỏ và vừa, ít khi xây dựng các nhà phân phối độc quyền. Vì thế, các nhà bán buôn nhiều khi cũng trở thành các đại lý cấp 1, tuy vậy, phạm vi kinh doanh của họ cũng nhỏ hơn các nhà phân phối, thường chỉ trong một tỉnh.

Các đại lý bán buôn có thể yêu cầu mặt bằng, kho bãi khá lớn

Nhà bán lẻ (Retailers)

Nhà bán lẻ là các đơn vị, cửa hàng kinh doanh nhỏ, bán trực tiếp hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Nhà bán lẻ thường có mặt bằng kinh doanh sẵn, cố định. Họ tìm kiếm các mặt hàng trùng với mục tiêu kinh doanh của họ và tìm nguồn cung cấp với mức giá cạnh tranh nhất. Các nhà bán kẻ thường có địa điểm bán hàng cụ thể, cùng lượng khách hàng quen cố định, đây sẽ là yếu tố đáng quan tâm đối với các nhà cung cấp hàng hóa.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ với quy mô lớn vẫn trong đang giai đoạn đang hình thành hoặc đang phát triển, các hệ thống bán lẻ quy mô lớn đang đổ bộ khá mạnh mẽ vào Việt Nam, những thực tế mới chỉ ảnh hưởng một phần ở các đô thị lớn. Nhìn chung, các của hàng bán lẻ nhỏ, quy mô hộ gia đình vẫn là mô hình thường thấy. Một điểm đáng chú ý nữa là hình thức bán hàng qua mạng đang phát triển rất nhanh chóng. Những người bán hàng qua mạng thường cũng tìm kiếm và nhập hàng thông qua internet, họ có thể có hoặc không mặt bằng và cửa hàng cố định. 

Các cửa hàng tạp hóa nhỏ vẫn là hình thức phân phối phổ biến nhất tại Việt Nam

Tổng kết

Có thể thấy rằng, mô hình chuẩn của phân phối bao gồm: Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Nhà bán buôn - Nhà bán lẻ - Người tiêu dùng. Các nhà sản xuất lớn, muốn xây dựng hình ảnh, thương hiệu mạnh, hệ thống bán hàng ổn định vẫn duy trì chặt chẽ mô hình trên. Nhưng xu hướng của phần đa người kinh doanh nhỏ và vừa là giảm bớt càng nhiều khâu trung gian càng tốt, để giảm chi phí. Thực tế, không có sự phân biệt hoàn toàn giữa các thành phần của hệ thống phân phối, muốn biết chính xác cần dựa trên nhiều yếu tổ: mô hình kinh doanh, đối tượng khách hàng chủ yếu,... 

Hiện nay, thương mại điện tử, internet, mạng xã hội,... đang phát triển mạnh mẽ, cầu nối giữa các nhà tiêu thụ và các nhà cung cấp hàng hóa đang dễ đi hơn bao giờ hết. Timnhaphanphoi.vn hi vọng sẽ là công cụ hiệu quả để thiết lập mối liên hệ giữa các nhà phân phối, bán buôn, bán lẻ và các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

 

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật